Multimedia Đọc Báo in

Xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột): Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung và liên kết

09:06, 27/01/2013

Hơn 3 năm nay, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã Hòa Thuận đã chuyển vào khu quy hoạch tập trung xa khu dân cư; đồng thời thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (chi nhánh Dak Lak) nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội.

Quy hoạch vùng chăn nuôi

Thời gian qua, phong trào chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo và gia cầm ở xã Hòa Thuận phát triển khá mạnh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên, trang trại chăn nuôi hầu hết nằm trong khu dân cư làm nảy sinh nhiều vấn đề, nhất là tình trạng trang trại không xây dựng hệ thống xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước thực trạng này, chính quyền xã Hòa Thuận đã quy hoạch và xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với tổng diện tích hơn 60 ha. Mục đích là từng bước xóa bỏ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang quy mô trang trại ngoài khu dân cư theo hướng công nghiệp và an toàn sinh học, tạo sự chuyển biến tích cực và bước đột phá cho việc chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển. Chính quyền xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động để các hộ chăn nuôi đăng ký chuyển đổi phương thức và địa điểm chăn nuôi. Đến nay, tất cả 24 trang trại (gồm 21 trang trại nuôi heo và 3 trang trại gia cầm) và một số trang trại đang được xây mới đều tập trung vào khu quy hoạch và thực hiện quy trình xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm an toàn.

Trang trại chăn nuôi heo của bà Trịnh Thị Hồng Loan  luôn được bảo đảm vệ sinh phòng dịch.
Trang trại chăn nuôi heo của bà Trịnh Thị Hồng Loan luôn được bảo đảm vệ sinh phòng dịch.

Ông Võ Đông Thanh, chủ một trang trại chăn nuôi heo cho biết: "Trước đây, gia đình tôi làm chuồng nuôi heo ở trong vườn nên gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhưng vẫn khó tránh khỏi mùi hôi thối nên người dân sống xung quanh thường có ý kiến về vấn đề môi trường. Đến khi xã có chủ trương quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, tôi liền đăng ký tham gia và chuyển đến ngay. Hiện tại gia đình ông Thanh đang tiếp tục mở rộng quy mô trang trại nuôi heo lên đến gần 3.000 con. Hay như gia đình chị Trịnh Thị Hồng Loan đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo với tổng diện tích gần 500 m2 tại khu chăn nuôi tập trung. Từ khi các trang trại tập trung vào vùng quy hoạch, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã đã được khắc phục bởi tất cả các trang trại đều xa khu dân cư và có hệ thống xử lý chất thải bằng hầm bioga. Thực tế cho thấy, việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn bảo đảm về mặt môi trường, góp phần thúc đẩy chăn nuôi của địa phương phát triển.

"Bảo hộ" cho người lao động

Trong khi dịch bệnh đe dọa, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, ô nhiễm môi trường… thì việc liên kết chăn nuôi giữa người dân và Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đang là giải pháp được các trang trại trên địa bàn xã lựa chọn. Từ mô hình thí điểm liên kết ban đầu giữa Công ty CP với trang trại chăn nuôi heo của ông Võ Đông Thanh (năm 2008), đến nay tất cả các trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã đều tham gia liên kết theo hình thức này. Theo đó, Công ty CP đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, tư vấn kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm, còn chủ trang trại đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và công lao động. Lãi suất được tính theo hình thức công ty hỗ trợ chủ trang trại 3.100 đồng/kg (với hệ thống trang trại chăn nuôi theo mô hình hở) và 3.650 đồng/kg (hệ thống chăn nuôi khép kín).

Thông qua mô hình này, chị Hồng Loan đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng trang trại với số lượng 500 con heo, mỗi năm thu lãi gần 150 triệu đồng. Điều đáng nói trong mô hình này là yêu cầu về vệ sinh phòng dịch đặc biệt nghiêm ngặt nên hạn chế được dịch bệnh. Chị Loan chia sẻ, dù kinh phí đầu tư xây dựng trang trại khá lớn, nhưng mô hình chăn nuôi này là một cách kinh doanh an toàn đối với người nông dân, bởi nếu xảy ra dịch bệnh, heo chết thì Công ty chịu. Ngoài ra, người chăn nuôi không phải lo việc tiêu thụ sản phẩm nên hoàn toàn yên tâm để chăm sóc vật nuôi. Còn bà Nguyễn Thị Lệ Nga đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trang trại khép kín với khu nhà điều hành, kho chứa thức ăn, nhà sát trùng, bể nước..., đặc biệt là hệ thống làm mát vì nhiệt độ trong chuồng được điều chỉnh theo tháng tuổi của vật nuôi. Có thể nói, tất cả các trang trại trên địa bàn xã Hòa Thuận giờ đây đều bảo đảm 3 yếu tố: Nhiệt độ ổn định cộng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh phòng dịch chặt chẽ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. "Hợp đồng của các chủ trang trại ký với Công ty CP trong vòng 3 năm, sau thời hạn này, nếu chủ trang trại muốn tách ra hoạt động độc lập, Công ty CP vẫn phục vụ bán con giống, thức ăn, tư vấn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm", anh Nguyễn Hữu Trí, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, chi nhánh Dak Lak cho biết.

Hình thức chăn nuôi tập trung và liên kết đã đem lại hiệu quả và những lợi ích thiết thực cho người dân xã Hòa Thuận. Thiết nghĩ, mô hình cần được nhân rộng nhằm hướng đến việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc