Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar

Điểm sáng trong công tác xóa đói, giảm nghèo

10:35, 13/05/2013

Trong những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo tại huyện Cư M’gar đã có những bước tiến vượt bậc. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong huyện, Chương trình giảm nghèo (giai đoạn 2011-2015) đã góp phần quan trọng tạo nên bước đột phá trong công tác xóa đói, giảm nghèo nơi đây.

Cư M’gar là huyện có dân số đông, trình độ dân trí không đồng đều, có những cụm dân cư nhận thức về đói, nghèo rất đơn giản và hài lòng chấp nhận với cuộc sống hiện tại nên không chịu khó nghiên cứu học hỏi, cố gắng tìm tòi để phát triển kinh tế; tư tưởng của một bộ phận người nghèo còn trông chờ ỷ lại. Bên cạnh đó, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ các tập tục lạc hậu, suy nghĩ còn đơn giản, chưa áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, do vậy tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 64%. Ngoài ra, dân di cư tự do đến sinh sống trên địa bàn huyện trong thời gian qua tương đối nhiều và đã lập thành những cụm dân cư mới làm khó khăn cho công tác quy hoạch và bố trí dân cư trên địa bàn, trong khi hầu hết dân di cư tự do là những hộ có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn cần phải hỗ trợ giúp đỡ nhiều mặt.

Căn cứ kết quả điều tra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo: thiếu vốn sản xuất; thiếu đất canh tác; thiếu phương tiện sản xuất; thiếu lao động; đông người ăn theo; có lao động nhưng không có việc làm; không biết cách làm ăn, không có tay nghề...), Đảng bộ, chính quyền địa phương đã khéo léo vận dụng và triển khai hiệu quả Chương trình giảm nghèo (giai đoạn 2011-2015) nhằm phát huy tốt nhất vai trò của chương trình, giúp cho hộ nghèo có cơ hội phát triển kinh tế. Sau 2 năm thực hiện chương trình, tổng kinh phí đầu tư, huy động và vận động là gần 193 tỷ đồng để thực hiện các chương trình như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo gồm: cấp phát 22.538 kg giống ngô lai, 9.680 kg lúa lai, 68.284 kg muối iốt và tiền mặt cho trên 11.300 lượt hộ, kinh phí thực hiện trên 3,7 tỷ đồng, hỗ trợ mua 8.750 giống cây công nghiệp dài ngày cho 660 hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ…Bên cạnh hỗ trợ về vật chất, đến nay huyện đã tổ chức được 109 lớp tập huấn và hội thảo đầu bờ cho trên 6 nghìn lượt người tham dự, qua đó giúp nông dân nắm bắt được kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất cũng được xây dựng, thu hút đông đảo bà con nông dân tham gia như: mô hình phân bón vi sinh từ vỏ cà phê; mô hình sản xuất nấm rơm; mô hình cải tạo giống bò theo hướng thịt…đã góp phần giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững.

Đồng hành cùng Chương trình giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cũng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể hướng dẫn, xác nhận và cho các tổ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng nhà ở cho gần 4.300 lượt hộ nghèo, tổng số tiền cho vay gần 52 tỷ đồng, mức vay cho hộ nghèo bình quân trên 12 triệu đồng/hộ. Đa số các hộ vay vốn đều sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích, trả vốn và lãi đúng thời hạn, do đó đã giải quyết được nhiều việc làm và tạo ra thu nhập cải thiện đời sống cho các hộ, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương. Nổi bật như hộ bà Nguyễn Thị Lan (thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến) thuộc diện hộ nghèo, được vay số vốn 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đầu tư mua 1 con heo nái, 4 con heo bột và tận dụng rau xanh, khoai, bắp sẵn có của gia đình cho heo ăn. Mấy tháng sau, gia đình bán heo thu được 19 triệu đồng, gia đình tiếp tục đầu tư vào nuôi heo và mua thêm bò để nuôi. Hiện nay gia đình có 3 con bò, 5 con heo bột, các con đều có việc làm, kinh tế gia đình ổn định. Đến năm 2012, gia đình bà Lan đã xin ra khỏi hộ nghèo. Hay như hộ ông Y Sơn Niê (buôn Drai Sĩ, xã Ea Tar) được vay số vốn 10 triệu đồng, gia đình đã đầu tư mua 1 cặp bò và mua phân chăm sóc cà phê. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi nên đến nay gia đình đã có 4 con bò và 1 ha cà phê xanh tốt, kinh tế gia đình càng ngày càng ổn định. Hiện nay gia đình đã mua được xe cày, xe máy, các tiện nghi sinh hoạt khác và đã thoát nghèo…

Bên cạnh việc đầu tư hỗ trợ trong sản xuất thì công tác đào tạo nghề, tạo việc làm;  các chính sách an sinh xã hội…cũng đồng thời được thực hiện, mang lại hiệu quả to lớn. Toàn huyện đã cấp trên 100 nghìn lượt thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi và đã có trên 212 nghìn lượt người khám chữa bệnh bằng BHYT, với tổng chi phí khám chữa bệnh gần 16 tỷ đồng… Cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, tổ chức Hội cũng đã chia sẻ khó khăn với hộ nghèo bằng các hành động thiết thực, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, vận động được trên 11 tỷ đồng, đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Hội Nông dân huyện Cư M’gar tổ chức cho bà con tham quan một mô hình trồng lúa tại thị trấn Ea Kar.
Hội Nông dân huyện Cư M’gar tổ chức cho bà con tham quan một mô hình trồng lúa tại thị trấn Ea Kar.

Với những nỗ lực của mình, từ chỗ toàn huyện có 5.791 hộ nghèo chiếm 16,55% trong năm 2011, đến cuối năm 2012 còn 4.494 hộ nghèo chiếm 12,39% đã giảm được 1.297 hộ (trong đó: hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 595 hộ, dân tộc thiểu số khác giảm 200 hộ). Như vậy chỉ trong 2 năm, số hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm trên 22% tổng số hộ nghèo (tính tốc độ giảm nghèo bình quân 2,08%/năm). Các chỉ tiêu như xây dựng cơ sở hạ tầng đường, điện sinh hoạt đều đạt và vượt chỉ tiêu; trên 74% số người được sử dụng nước hợp vệ sinh; nhiều hộ nghèo khó khăn nhà ở đủ điều kiện theo quy định đã được hỗ trợ xây dựng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Lê Đức Thắng, để có được kết quả đó bên cạnh chính sách chung của Đảng và Nhà nước, địa phương đã chủ động thực hiện đồng thời những giải pháp như chủ động đề nghị các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa có nhiều hình thức giúp đỡ hộ nghèo, buôn nghèo như hỗ trợ vốn, đầu tư xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, đề nghị doanh nghiệp tiếp nhận lao động thuộc hộ nghèo vào làm việc; chủ động làm việc với các nông trường cao su đóng chân trên địa bàn huyện quan tâm giúp đỡ nhận lao động thuộc hộ nghèo vào làm việc, đồng thời hỗ trợ các biện pháp khoa học kỹ thuật cho bà con phát triển kinh tế bền vững. Quan trọng nhất, Chương trình giảm nghèo ở địa phương nhận được sự đồng thuận trong nhân dân cùng với công tác tuyên truyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội đã thúc đẩy phong trào giảm nghèo sâu rộng, tạo động lực giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.