Multimedia Đọc Báo in

Krông Bông: Ham trồng giống bí lạ, nông dân “ôm” nợ

08:04, 03/05/2013

Hàng trăm hộ dân ở hai xã Hòa Tân và Hòa Lễ (Krông Bông) đang phải đối diện với cảnh nợ nần khi đổ xô trồng giống bí lạ có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại đang tỏ ra lúng túng, chưa có giải pháp gì để “gỡ khó” cho dân.

Bí Nhất Phẩm: 1 sào thu 5 tấn (!?)

Tại xã Hòa Lễ, ông Nguyễn Hữu Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã lôi trong tủ ra gần cả trăm gói giống bí Nhất Phẩm có xuất xứ từ trung Quốc. Quan sát các gói giống này cho thấy, hạt bí giống được đựng trong túi nhựa, phía trước in hình một quả bí màu đỏ, mặt sau in hoàn toàn chữ Trung Quốc, không hề có chỉ dẫn nào bằng tiếng Anh hay tiếng Việt. Ông Thuận cho biết:  Nguồn gốc số giống bí này là do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Cư Puôr ( trụ sở đóng tại huyện Ea Kar) ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông thôn Việt Nam (địa chỉ tại thôn Tân An, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, Hải Dương) để đầu tư trồng bí tại hai huyện Krông Bông và Ea Kar.

Hàng trăm hộ dân ở đang đối diện với nợ nần do trồng giống bí lạ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hàng trăm hộ dân đang đối diện với nợ nần do trồng giống bí lạ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cũng theo ông Thuận, sở dĩ người dân đổ xô trồng giống bí này là do nhận được thông tin giới thiệu từ phía HTX cho biết, đây là giống bí mới, dễ trồng, cho năng suất rất cao, khoảng 5000kg trái/1 sào. Thêm vào đó, người nông dân được ký hợp đồng đầu tư giống, phân và bao tiêu sản phẩm với giá 3000 đồng/kg bí. Theo đó, người dân đã hạch toán: mỗi sào bí đỏ sẽ thu được 15 triệu đồng (5000 kg/sào x 3000 đồng/kg). Trừ chi phí phân bón, công, tưới nước… thì mỗi sào bí người dân cũng có lãi khoảng 10 triệu đồng.

Nghe giới thiệu “dễ ăn” như vậy nên rất nhiều hộ nông dân đã phá bỏ các cây trồng khác để đăng ký trồng bí. Theo thống kê, cả xã Hòa Lễ có 36 hộ nông dân ký hợp đồng trồng bí với diện tích 19,6 ha. Còn trên địa bàn xã Hòa Tân, theo thống kê của Hội Nông dân xã thì có tổng cộng 93 hộ triển khai trồng bí Nhất Phẩm với tổng diện tích 28,5 ha.

Bí ra ít trái và chỉ to bằng trái bưởi.
Bí ra ít trái và chỉ to bằng trái bưởi.

Ông Trương Đức Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tân cho biết: “Sở dĩ người dân đổ xô trồng loại bí này là do nghe quảng cáo cho năng suất cao, lại được bao tiêu sản phẩm. Ban đầu chúng tôi cũng hơi quan ngại do giống bí mới, lạ. Tuy nhiên sau Hội có nhận được giấy giới thiệu của HTX, trong đó ý kiến của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đề nghị các xã tạo điều kiện để triển khai trồng cây bí đỏ tại huyện. Trên cơ sở đó, chúng tôi triển khai đến với các hộ nông dân để đăng ký trồng”.

Nông dân lỗ nặng

Gặp chúng tôi, anh Lương Hạnh cũng như nhiều hộ nông dân ở xã Hòa Tân buồn bã than thở: “Ham trồng cây bí lạ, bây giờ “chết” vì bí luôn rồi. Nghe giới thiệu tưởng dễ ăn, gia đình đầu tư trồng mấy sào. Ai ngờ bí không cho trái, giờ lấy đâu mà bán để trừ chi phí đầu tư theo hợp đồng…”. Tương tự, ruộng bí rộng 8 sào của gia đình ông Lê Mai thu cũng chẳng được bao nhiêu do bí không cho quả như lời giới thiệu ban đầu. Tiếc của, ông Mai cố hái để vớt vát vốn đầu tư, nhưng lại chẳng bán được do quả nhỏ, không đủ trọng lượng theo hợp đồng thu mua. Đáng kể là trường hợp gia đình anh Bùi Xuân Ngọc ở thôn 11 xã Hòa Lễ. Gia đình anh dành hẳn 3 ha đất để trồng bí; ai ngờ, bí ra hoa, kết trái đến đâu là rụng đến đó. Mỗi gốc chỉ còn đậu 1-2 trái, mà trọng lượng thì thấp hơn nhiều so với quy chuẩn thu mua nên không bán được. 

Ông Trương Đức Thìn nhẩm tính: Trên thực tế thì trung bình mỗi sào bí, người nông dân chỉ thu về được khoảng 250kg, thấp hơn rất nhiều so với dự toán mà chủ đầu tư đã đưa ra (khoảng 5000 kg/sào). Trong khi đó, giá thu mua là 3.300 đồng/kg, người nông dân chỉ thu về được 825.000 đồng. Vậy nhưng riêng tiền giống không thôi thì mỗi sào bí đã mất 840.000 đồng. Thêm vào đó là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền bơm tưới, công làm đất… Mỗi sào bí, người nông dân đã phải chịu lỗ khoảng 3-4 triệu đồng.

Chính quyền lúng túng

Qua điều tra, chúng tôi được biết, năm 2012 HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cư Puôr đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông thôn Việt Nam đầu tư trồng bí tại hai huyện Krông Bông và Ea Kar. Theo đó, công ty và HTX sẽ đầu tư giống, hỗ trợ phân bón và cử cán bộ kỹ thuật đến giúp nông dân. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía người nông dân thì trong suốt quá trình trồng bí, phía đối tác chỉ cử cán bộ kỹ thuật đến ruộng bí 1 lần duy nhất. Do đó người dân lúng túng trong việc chăm sóc bí. Mặt khác, theo nhận định của nhiều người thì có thể là do giống bí không rõ nguồn gốc xuất xứ nên cho năng suất kém.

Trên  bao bì  hạt giống in toàn chữ Trung Quốc, không hề  có  chỉ dẫn nào  bằng tiếng Anh  hay  tiếng Việt.
Trên bao bì hạt giống in toàn chữ Trung Quốc, không hề có chỉ dẫn nào bằng tiếng Anh hay tiếng Việt.

Giải thích nguyên nhân bí không đạt năng suất, ông Vương Hồng Tân, Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cư Puôr, trong tờ trình gửi UBND huyện Krông Bông cho rằng nguyên nhân chính là do không chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên ông Tân cũng phân trần: Lúc đầu chúng tôi chỉ triển khai thí điểm trên diện tích 25 ha ở 2 xã Hòa Tân và Hòa Lễ. Tuy nhiên, sau đó, Hội Nông dân của 2 xã này nhiều lần đến trụ sở của HTX năn nỉ xin trồng thêm nên mới xảy ra vấn đề lớn như vậy. Chúng tôi làm việc đúng quy trình và dựa vào báo cáo của Hội Nông dân 2 xã để đánh giá, theo dõi quá trình chăm sóc cây bí của người dân. Trong khi người dân tưới nước không đủ lượng nhưng chúng tôi quá tin tưởng vào Hội Nông dân nên không biết dẫn đến cây bí không cho năng suất như mong muốn”.

Được biết, ngay sau khi nghe tin người dân phản ánh về giống bí lạ, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đã cử cán bộ xuống nắm tình hình và yêu cầu HTX Nông nghiệp Cư Puôr cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc nhập giống bí này. Tuy nhiên, đến nay HTX Nông nghiệp Cư Puôr vẫn chưa cung cấp được. Ông Vương Hồng Tân cho biết, HTX đã nhiều lần liên hệ với phía Công ty yêu cầu cung cấp các giấy tờ nhưng chưa thấy họ trả lời. “Chúng tôi đã cử người ra Công ty làm việc, và nghe đâu giấy tờ đã bị thất lạc nên đang chờ tìm kiếm…” - ông Tân nói.

Về phía huyện Krông Bông, trước tình hình thiệt hại năng nề của người nông dân,  ông Phạm Phú Thiên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết đã mời các bên liên quan đến làm việc, lắng nghe ý kiến của các bên. Tuy nhiên, cũng theo ông Thiên, hiện tại huyện vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak, ông Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết: “Chúng tôi đang đợi Phòng NN-PTNT  báo cáo lại toàn bộ sự việc cũng như đề xuất hướng xử lý thế nào cho hài hòa giữa các bên, bởi không chỉ người nông dân mà phía HTX cũng chịu thiệt hại nặng do đã bỏ vốn đầu tư. Trước mắt chúng tôi đã tiến hành phê bình, kiểm điểm đối với lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện, bởi đây dẫu chưa đến mức sai phạm lớn nhưng Phòng đã không làm tốt trách nhiệm, không sâu sát kiểm tra khi doanh nghiệp đưa giống cây lạ vào địa phương” – ông Lân nói.   

Không báo cáo với cơ quan kiểm dịch địa phương

Ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cho biết: “Theo quy định, khi đưa một giống cây vào trồng, đơn vị đó phải báo cáo với cơ quan kiểm dịch địa phương. Tuy nhiên, HXT Nông nghiệp Cư Puôr không tiến hành thủ tục này nên chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt theo quy định. Đồng thời, yêu cầu HTX xuất trình các giấy tờ cho phép nhập khẩu giống bí Trung Quốc vào Việt Nam, nếu không xuất trình được thì chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất xử lý”.

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.