Lo lắng kép từ giá gas tăng đột biến
Những ngày đầu tháng 12 này, giá gas tăng cao đã khiến cho nhiều người tiêu dùng lo lắng, nhất là lại đúng vào thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao…
Thời điểm tháng 9 năm nay, bình gas 12 kg có giá 333 nghìn đồng/bình, mức giá này được giữ nguyên trong tháng 10 và đến tháng 11 tăng thêm 20 nghìn đồng/bình loại 12 kg. Kể từ 1-12 vừa qua, giá gas trong nước đã đột ngột được điều chỉnh thêm tới 70 – 80 nghìn đồng/bình 12kg, lên mức khoảng 475 – 485 nghìn đồng/bình 12kg. Đây được xem là mức cao nhất kể từ tháng 2-2012 đến nay và là mức tăng vọt cao nhất trong vòng 20 năm qua. Theo các công ty kinh doanh gas, nguyên nhân giá gas tăng là do giá gas thế giới trong tháng 12 này tăng khoảng 267,5 USD/tấn so với tháng 11, lên mức 1.165 USD/tấn. Chị Dương Thị Thanh Hương ở 246 Y Moan, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: Một bình gas 12 kg, gia đình chị chỉ dùng được khoảng một tháng rưỡi là hết nên việc giá gas tăng khiến chị càng phải tính toán hơn trong việc đun nấu. Gia đình ở thành phố, việc chuyển sang một số nhiên liệu khác như củi đốt là điều không thể, còn sử dụng điện thì lại liên quan đến việc mua sắm những đồ gia dụng khác. Nghĩ đi nghĩ lại chỉ sử dụng bếp gas là thuận tiện, nhưng giá gas tăng chị càng lưu ý hơn đến kỹ thuật sử dụng bếp, phương pháp đun nấu sao cho tiết kiệm. Lần gọi gas cách đây vài ngày, chị đã nhờ nhân viên kỹ thuật tư vấn và hướng dẫn rất kỹ để sử dụng gas sao cho vừa tiết kiệm, vừa an toàn. Điều lo lắng nữa của chị Hương là giá gas tăng vào thời điểm cuối năm có thể khiến giá một số mặt hàng cũng tăng theo. Còn chị Vương Thị Trương Anh, nhân viên trực điện thoại của một cửa hàng gas cho biết: Khi khách hàng gọi gas và hỏi giá, nhiều người đã phải thốt lên vì giá gas tăng quá cao. Thậm chí, một số người do chưa nắm được thông tin còn tưởng chị nói nhầm nên cứ hỏi đi hỏi lại!
Đối với các cửa hàng, đơn vị kinh doanh, việc giá gas tăng cũng ít nhiều tác động đến việc tiêu thụ nhất là ở những địa bàn ngoại thành. Anh Nguyễn Phước Long, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Petro Tây Nguyên cho biết: Petro Tây Nguyên là đơn vị phân phối của Petrovietnam. Công ty hiện có 5 cửa hàng trên địa bàn Dak Lak, trung bình một tháng một cửa hàng tiêu thụ khoảng 800 bình gas loại 12 kg. Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo anh Long, sơ bộ ban đầu lượng phân phối có tụt giảm kể từ khi giá gas tăng. Để giữ chân khách hàng, Công ty tăng cường tư vấn, chăm sóc khách hàng nhất là kỹ thuật trong sử dụng gas sao cho tiết kiệm, an toàn. Trước việc giá gas tăng cao, ông Tôn Thất Khôi, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh thì cho rằng: Việt Nam đã hội nhập sâu vào thị trường thế giới nên giá gas cũng chịu tác động lớn của thị trường thế giới, nhất là khi một lượng lớn nguồn nhiên liệu này vẫn phải nhập khẩu. Gas là mặt hàng thiết yếu nên khi giá gas tăng nhất là trong thời điểm cuối năm sẽ tác động lớn, có thể dẫn đến tăng chỉ số giá tiêu dùng. Cụ thể đó là sự tăng giá dây chuyền kéo theo giá một số nhóm hàng có thể tăng ví dụ như thực phẩm, ăn uống, dịch vụ.
Trước mức tăng giá gas cao hiện nay, lời khuyên cho người tiêu dùng vẫn là việc sử dụng an toàn và tiết kiệm. Còn về góc độ quản lý Nhà nước, người tiêu dùng mong muốn sẽ có biện pháp quản lý, bình ổn mặt hàng thiết yếu này. Trong một bình gas hiện đang bao gồm 15% thuế suất: 10% thuế VAT và 5% thuế nhập khẩu. Nhiều ý kiến đề nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu về mức 0% để ổn định về giá đối với mặt hàng gas trong nước.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc