Những thách thức của ngành chế biến gỗ Dak Lak
Chiếm tỷ trọng khá lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, ngành gỗ đã góp phần vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh; đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp này hiện đang đối mặt với nhiều thách thức do nguồn nguyên liệu thiếu ổn định và thiếu sản phẩm tinh chế…
Nguồn nguyên liệu thiếu ổn định
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu về gỗ xẻ và đồ gỗ gia dụng của người dân trên địa bàn tỉnh ta sẽ tăng cao vào giai đoạn 2010-2020. Nếu các năm 2006-2010, yêu cầu gỗ xẻ bình quân 48.000m3/năm; đồ gỗ 12.400m3/năm, thì đến giai đoạn 2011-2020 sẽ tăng lên con số 80.000m3, và sau 2020 mức bình quân có thể tăng lên 180.000m3/năm. Theo kế hoạch đề ra trong chiến lược lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2006-2020 có thể cung cấp khoảng 50.000 m3/năm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày càng giảm dần, nên nguyên liệu chủ yếu sẽ là từ rừng trồng và nhập khẩu. Bình quân mỗi năm Dak Lak trồng mới khoảng 4.000 ha rừng, nhưng do thiếu sự gắn kết giữa các đơn vị, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ nên hiệu quả kinh tế mang lại không như mong muốn, người dân không mặn mà với trồng rừng; và trồng rừng kinh tế chỉ tập trung ở một số công ty lâm nghiệp (trong khi các công ty này lại thiếu và yếu về tiềm lực tài chính). Do vậy, hình thức liên kết với người dân, một trong những phương thức được đánh giá là hiệu quả, khai thác được quỹ đất và sức lao động trong dân giờ đã không phát huy được do hiệu quả kinh tế không cạnh tranh được với các cây trồng ngắn ngày. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng như người dân gần như không thể tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng cho trồng và chăm sóc rừng…
Theo ý kiến của các doanh nghiệp trồng rừng: để phát triển được rừng trồng, đáp ứng nhu cầu chế biến lâm sản thì tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, cơ chế tín dụng; đẩy mạnh công tác quy hoạch đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với việc xây dựng nhà máy, phân xưởng… Có như vậy mới khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng phát triển vùng nguyên liệu ổn định.
Hoạt động chế biến lâm sản tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy (Ea H'leo). |
Thiếu sản phẩm tinh chế
Chiếm 25-30% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến toàn tỉnh và 50-60% giá trị chế biến nông, lâm sản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 6 đến 7,5 triệu USD… thế nhưng sự phát triển của ngành chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh ta đang thiếu tính bền vững. Có thể dễ dàng nhận thấy điều đó qua mạng lưới chế biến lâm sản chủ yếu chỉ là cơ sở chế biến nhỏ và siêu nhỏ, nhất là ở các khu vực làng nghề, người lao động hầu như không được đào tạo cơ bản nên khả năng làm chủ công nghệ, thiết bị sản xuất không cao; đặc biệt, số công nhân kỹ thuật và công nhân lao động trực tiếp được đào tạo ở các nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu về chế biến gỗ không nhiều. Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp tỉnh ta chưa tạo ra được những sản phẩm cao cấp để cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiêp trong nước, chứ chưa nói đến các doanh nghiệp nước ngoài. Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 110 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản nằm rải rác tại các cụm, điểm công nghiệp và địa bàn các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột, với quy mô sản xuất nhỏ, công suất từ 1.000-3.000m3/năm. Việc ngành công nghiệp này chưa được tổ chức sản xuất hoàn chỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho năng lực chế biến thấp, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến chưa chú trọng đầu tư máy móc hiện đại, quy trình công nghệ còn lạc hậu; trong khi sản phẩm gỗ xẻ là chủ yếu và được tiêu thụ ngoài tỉnh nên hiệu quả kinh tế không cao. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh chủ trương không khuyến khích mở rộng các cơ sở chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu từ rừng tự nhiên, mà khuyến khích các đơn vị đầu tư thay đổi máy móc, dây chuyền công nghệ để chế biến gỗ từ rừng trồng hoặc liên kết gia công với các đơn vị sản xuất đồ mộc. Thời gian qua, để từng bước lành mạnh hóa hoạt động chế biến lâm sản, tỉnh đã tổ chức sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở chế biến này theo tiêu chí: không gần rừng, không gây ô nhiễm môi trường, không gần khu dân cư và có sự phân bố hợp lý trên địa bàn các huyện và thành phố; các cơ sở nằm rải rác cần được tập trung vào các khu cụm công nghiệp chế biến theo quy hoạch của chính quyền từng địa phương. Đây là những giải pháp để chấn chỉnh lại hoạt động của mạng lưới chế biến lâm sản phát triển tự phát, tồn tại nhiều năm nay ở tỉnh ta.
Có thể nói việc củng cố lại hoạt động chế biến lâm sản còn nhiều yếu kém hiện nay là để nâng cao năng lực hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, hợp tác hóa, đa dạng hóa để tạo ra những sản phẩm tinh chế, đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó lựa chọn được những dòng sản phẩm có khả năng tiêu thụ, cao hoặc xuất khẩu để ưu tiên đầu tư sản xuất, mang lại sự ổn định cũng như hiệu quả kinh tế. Và để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thì ngoài sự chủ động từ phía doanh nghiệp trong việc đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại, ngành gỗ rất cần sự hỗ trợ về chính sách của tỉnh trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cũng như trong hoạt động xúc tiến thương mại ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc