Multimedia Đọc Báo in

Cho vay xuất khẩu lao động – Hiệu quả đạt thấp, vì sao?

15:53, 18/05/2016

Cho vay xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những chương trình cho vay trọng điểm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhưng đến nay sau 10 năm triển khai việc thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hết khó khăn.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Tử Ân cho biết, hiện đơn vị này đang thực hiện cho vay XKLĐ theo Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13-4-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về cho vay đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020… Trong đó, đáng chú ý là theo Quyết định 71, bên cạnh việc miễn phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại và giáo dục định hướng... người lao động còn được cho vay vốn ưu đãi theo nhu cầu tối đa bằng các khoản chi mà người lao động phải đóng góp và được hưởng lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của NHCSXH áp dụng cho đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đi XKLĐ (lãi suất được hưởng là 0,275%/tháng). Người lao động thuộc huyện nghèo đi XKLĐ theo Quyết định 71 được ưu ái về mức vay cao hơn và lãi suất vay nên họ có quyền được lựa chọn những thị trường có việc làm và có thu nhập cao, ổn định (chủ yếu là các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...). Chưa hết, để tạo điều kiện tối đa cho người nghèo có nhu cầu XKLĐ, NHCSXH đã quyết định nâng mức cho vay đối với người lao động thuộc hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay 100% chi phí ghi trên hợp đồng được ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp, doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người đi lao động.

Người lao động làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Người lao động làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Như vậy, nguồn vốn, cơ chế để người nghèo tiếp cận với cơ hội XKLĐ là rất lớn, nhưng theo số liệu của NHCSXH tỉnh, từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay XKLĐ trên địa bàn chỉ đạt 254 triệu đồng (4 hộ, bình quân 1 hộ được vay 63,5 triệu đồng). Theo tìm hiểu, phần lớn người nghèo chưa mặn mà và chưa xem việc xuất khẩu lao động là nhu cầu bức thiết để giảm nghèo. Về tâm lý, số đông lao động nghèo ở nông thôn ngại đi làm việc xa hoặc có mong muốn làm việc ở những thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhưng chỉ tiêu sang các thị trường này không nhiều. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Hiệp cho biết, người lao động trên địa bàn tỉnh chủ yếu làm việc tại Malaysia, nhưng nay do thu nhập thấp (trung bình từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng) nên việc XKLĐ sang thị trường nay đang chững lại. Trong khi đó với các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan… tuy có thu nhập cao hơn, nhưng người lao động lại không đáp ứng được yêu cầu về trình độ, ngôn ngữ, khả năng hòa nhập… của nhà tuyển dụng. Một nguyên nhân quan trọng không kém đó là thời gian qua, hoạt động XKLĐ chưa được quản lý chặt chẽ, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thông thoáng của Nhà nước về XKLĐ để lừa đảo khiến cả người lao động lẫn ngân hàng e ngại tham gia thị trường này  .

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.