Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hiệu quả sản xuất từ các sáng kiến

08:14, 20/08/2016

Trong những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế gặp không ít khó khăn, song nhờ sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty Cổ phần (CTCP) Bia Sài Gòn – miền Trung vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhằm phát huy vai trò của các đoàn thể, Đảng ủy Công ty đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát động phong trào sáng kiến kỹ thuật, thi đua thực hành tiết kiệm nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm tác động môi trường, cường độ lao động của người lao động, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho Công ty. Phong trào này đã trở thành một việc làm thường xuyên, thu hút được đảng viên và quần chúng tham gia tích cực, trở thành một hành động thiết thực, có sức lan tỏa cao. Qua đó, hàng chục sáng kiến, giải pháp của cán bộ, công nhân viên được áp dụng vào sản xuất tại Công ty, làm lợi về mặt kinh tế hàng tỷ đồng.

Cụ thể, trong các năm 2013 - 2014, đã có 13 cán bộ đảng viên đưa ra 5 giải pháp hữu ích trong quản lý sản xuất và quản lý nội bộ, làm lợi về mặt kinh tế 610 triệu đồng, trong đó, đáng chú ý là sáng kiến “Biện pháp cải tạo lò hơi” của anh Trần Văn Long, công nhân vận hành và sửa chữa lò hơi tại Nhà máy Bia Đắk Lắk được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 2 - 2013.

Đồng chí Y Dhăm Ê nuôl, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các doanh nhân tham quan dây chuyền sản xuất tại CTCP Bia Sài Gòn - miền Trung.
Đồng chí Y Dhăm Ê nuôl, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các doanh nhân tham quan dây chuyền sản xuất tại CTCP Bia Sài Gòn - miền Trung.

Năm 2015, thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, toàn Công ty có 34 cá nhân đưa ra 3 sáng kiến, 18 giải pháp, làm lợi cho Công ty 2,255 tỷ đồng. Trong đó, Nhà máy Bia Sài Gòn – Đắk Lắk có 21 cá nhân đưa ra 2 sáng kiến, 13 giải pháp, đã được áp dụng vào sản xuất. Có thể nêu một số giải pháp: Cải tạo nâng công suất sữa bắp Bazan của tác giả Huỳnh Thị Kim Chi và Huỳnh Thanh Vương giúp tăng năng suất từ 500 lên 800 chai/ca, mang lại hiệu quả kinh tế trên 90 triệu đồng. Giải pháp đấu nối lại hệ thống đo độ điện trong quy trình Cip của tác giả Huỳnh Quý Hải và Trần Việt Phương đã được triển khai, áp dụng tại hệ thống Cip trung tâm phân xưởng nấu lên men, giải pháp này sau khi thực hiện hết sẽ mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 280 triệu đồng chi phí mua thiết bị dự phòng. Giải pháp tiết kiệm năng lượng sử dụng đèn Led cao áp của tác giả Đoàn Mạnh Đức, hằng năm tiết kiệm được khoảng 77 triệu đồng, ngoài ra còn giúp cải thiện điều kiện chiếu sáng tại phân xưởng chiết, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, thân thiện với môi trường… Đặc biệt là sáng kiến “Tận dụng dịch đường để sản xuất rượu Sêrêpôk” của 3 tác giả gồm: Đặng Ngọc Đức, Nguyễn Văn Dũng và Nông Văn Hiền, đề tài này đã đưa vào sản xuất thử trong năm 2014, đến năm 2015, qua kiểm nghiệm, Hội đồng sáng kiến của Công ty đề nghị đưa vào sản xuất đại trà và đưa ra  thị trường tiêu thụ. Theo thống kê, lượng tiêu thụ hiện nay đối với rượu Sêrêpôk bình quân trên 100 lít/ngày. Việc đưa đề tài này vào sản xuất góp phần giảm tác động đến môi trường, tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu đầu vào, tạo việc làm mới cho 10 lao động và làm lợi cho Công ty xấp xỉ 189 triệu đồng/năm. 

Ngoài việc áp dụng các sáng kiến, CTCP bia Sài Gòn – miền Trung luôn tuân thủ quy trình công nghệ, thực hiện nghiêm ngặt các quy định của Tổng Công ty; kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, cung ứng kịp thời và đầy đủ vật tư, nguyên vật liệu bảo đảm kế hoạch sản xuất; triệt để thực hành tiết kiệm trong từng công đoạn sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài sản phẩm chủ lực là bia, Công ty còn mở rộng sản xuất, phát triển các sản phẩm mới như: sữa gạo lứt Bazan, sữa bắp Bazan; 6 tháng đầu năm 2016, 2 sản phẩm này đã tiêu thụ được trên 56.800 lít; rượu Vodka Sêrêpôk tiêu thụ được 3.234 lít. Đối với các sản phẩm mới này, Công ty đã thực hiện nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng và triển khai các điểm bán hàng lưu động, tham gia các hội chợ thương mại.

Kết quả, trong 5 năm qua (2010-2015), Công ty liên tục hoàn thành và vượt mức kế hoạch do Đại hội cổ đông giao, đóng góp vào ngân sách Nhà nước mỗi năm 270 tỷ đồng, đời sống và thu nhập của người lao động bình quân 7 triệu đồng đồng/người/tháng. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu toàn Công ty đạt 755,7 tỷ đồng, bằng 55,4 kế hoạch năm 2016, nộp ngân sách Nhà nước 377,8 tỷ đồng, lợi nhuận (trước thuế) trên 52 tỷ đồng. Trong đó, tại Nhà máy Đắk Lắk thực hiện 354,9 tỷ đồng, Nhà máy Quy Nhơn 287,5 tỷ đồng, Nhà máy Phú Yên 113,3 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ sản phẩm các loại 6 tháng đạt 81,8 triệu lít, bằng 53,6% kế hoạch năm 2016, bằng 117,8% so với cùng kỳ năm 2015, riêng bia Sài Gòn tiêu thụ 56,2 triệu lít, bằng 51,6% kế hoạch năm 2016.

Với những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và những đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, trong những năm qua, Đảng bộ CTCP bia Sài Gòn – miền Trung vinh dự được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng Bằng khen về thành tích đạt danh hiệu Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền (2010-2015); UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2015 và nhiều giải thưởng cao quý từ các sáng kiến, giải pháp được các bộ, ngành trao tặng…  

CTCP Bia Sài Gòn - miền Trung được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: CTCP Bia Sài Gòn - Quy Nhơn, CTCP Bia Sài Gòn - Phú Yên, CTCP Bia Sài Gòn – Đắk Lắk, chính thức đi vào hoạt động từ 1-10-2008, với ngành nghề kinh doanh: sản xuất kinh doanh các loại bia rượu, cồn và nước giải khát; xuất nhập khẩu thiết bị nguyên vật liệu của ngành công nghiệp thực phẩm…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.