Giảm nghèo bền vững ở xã Ea Yiêng: Cần có những giải pháp căn cơ
Là một trong những xã nghèo của huyện Krông Pắc, những năm qua Ea Yiêng luôn chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Những nỗ lực
Ea Yiêng là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, với 61,3% (năm 2017), trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 98%. Đời sống kinh tế của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn do phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, trong khi đất đai cằn cỗi, bạc màu nên năng suất và sản lượng cây trồng rất thấp…
Trước thực trạng đó, chính quyền xã đã xác định xóa đói giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài, phải gắn liền với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Vì vậy, hằng năm Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo, giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững từ 5-8% và chỉ đạo UBND xã tổ chức thực hiện tốt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, giai đoạn 2011 – 2015, khi tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 84%, xã đã triển khai đồng loạt nhiều chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo từ tín dụng ưu đãi; công tác khuyến nông, khuyến lâm đến hỗ trợ y tế, giáo dục; đào tạo nghề… Đồng thời, khơi dậy ý chí vươn lên của chính bản thân người nghèo để giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, số hộ nghèo giảm xuống rõ rệt theo từng năm. Từ 84,5% vào năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 23,5% xuống còn 60,9% vào năm 2015.
Bà con nông dân xã Ea Yiêng thu hoạch lúa vụ đông xuân. |
Riêng năm 2017, UBND huyện Krông Pắc đã hỗ trợ 500 triệu đồng xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương bằng cách xây dựng các mô hình như nuôi bò sinh sản, trồng cỏ nuôi bò, cải tạo vườn tạp… Cụ thể, tại buôn Kon Hring, để xây dựng mô hình giảm nghèo, trong năm qua các phòng ban của huyện đã hỗ trợ khoan 3 cái giếng cho 3 cụm dân cư để lấy nước sinh hoạt, tưới cà phê cho 15 hộ dân; hỗ trợ cho 10 hộ nghèo tại buôn 10 con bò cái sinh sản và chuồng bò; xây dựng 5 mô hình trồng cỏ nuôi bò cho 5 hộ tại buôn… Đến nay, các chương trình hỗ trợ hộ nghèo của buôn đã bước đầu cho hiệu quả khả quan. Đơn cử như hộ anh Y Niệp Byă với mô hình nuôi bò cái sinh sản. Anh Niệp cho biết, cuối năm 2017, gia đình anh được hỗ trợ 1 con bò cái trị giá 18 triệu đồng và 3 triệu đồng làm chuồng để giảm nghèo. Đến nay, bò đã có bầu, gia đình anh có thêm nguồn vốn để có thể thoát nghèo trong tương lai.
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền cùng nỗ lực của người dân địa phương, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã Ea Yiêng đã có một số chuyển biến tích cực; đến cuối năm 2017, số hộ nghèo còn 61,3% (tính theo chuẩn nghèo mới), giảm 4,5% so với năm 2016.
Vẫn chưa bền vững
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo nhưng trên thực tế một số chính sách, dự án về giảm nghèo chưa đạt kế hoạch đề ra, như nguồn vốn vay cho hộ nghèo còn hạn chế so với nhu cầu thực tế nên rất nhiều hộ nghèo chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi này dẫn đến thiếu vốn sản xuất. Tính đến hết năm 2017 mới có 375/756 hộ nghèo được vay vốn từ chương trình ưu đãi cho hộ nghèo với tổng dư nợ trên 5,6 tỷ đồng; nguồn kinh phí cho công tác hỗ trợ khuyến nông, lâm cho hộ nghèo còn ít trong khi công tác xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa phát huy hiệu quả. Mặt khác, các hoạt động của hội, đoàn thể tại địa phương còn yếu, chưa có kế hoạch giảm nghèo, chưa vận động được hội viên sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả để phát triển sản xuất, phấn đấu thoát nghèo. Nguyên nhân của những hạn chế trên một phần do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân trong đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên nhiều hộ sinh đông con, kéo theo cuộc sống vốn nghèo khó lại càng khó khăn thêm. Bên cạnh đó, việc tiếp thu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa mang lại hiệu quả cao, có những hộ phải hỗ trợ nhiều lần mới có thể thoát nghèo như gia đình ông Ê (buôn Kon Hring), năm 2009 ông được hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo. Đến năm 2013, ông tiếp tục được hỗ trợ 220 cây mít giống để phát triển mô hình trồng mít, mới có thể vươn lên thoát nghèo.
Mô hình trồng mít thái để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế nông hộ trên địa bàn xã Ea Yiêng. |
Theo UBND xã, để phấn đấu đến 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống dưới 50%; triển khai hiệu quả các chính sách dành cho hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số như bảo hiểm y tế, hỗ trợ xây dựng nhà 167, hỗ trợ người dân vay vốn mua đất phát triển sản xuất… thời gian tới, xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, xác định rõ phải tự mình vươn lên thoát nghèo là chính. Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho người dân có nhu cầu; hướng dẫn người dân có kế hoạch chi tiêu trong gia đình hợp lý, tránh tình trạng bán lúa non, bắp non, hay bán gạo, muối do Nhà nước hỗ trợ; phối hợp với trạm y tế và cán bộ dân số có biện pháp tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai nhằm giảm tỷ lệ sinh để nuôi dạy con cho tốt...
Minh Thuận – Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc