Thị trường cây giống vào mùa (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Lằn ranh chất lượng cây giống
Từ khi hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng được xã hội hóa đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở tư nhân phát triển, việc trao đổi, mua bán trở nên mềm dẻo, thông thoáng hơn. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều bất cập trong việc quản lý, nhiều cơ sở bán giống không rõ nguồn gốc, mạo danh thương hiệu… gây nhiễu loạn thị trường giống.
5 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Tin (thôn E Ngai, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) một mình chạy xe máy 70 cây số lên TP. Buôn Ma Thuột để mua cây giống. Ông cho hay, năm 2014 ông có mua 50 cây sầu riêng Monthong tại một điểm bán giống thuộc xã Ea Toh (cùng huyện) về trồng xen trong vườn cà phê. Cần mẫn chăm bón suốt 3 năm, đến ngày ra quả ông mới phát hiện 5 cây sầu riêng không phải giống Monthong mà là sầu riêng “óc chó” cho quả bé tí, rồi tự thúi rụng không ăn được. Ông Tin cho biết thêm, gần nhà ông cũng có nhiều hộ bị như vậy, thậm chí còn dính nhiều cây dỏm hơn. Tiếc công, xót của, ông Tin đành lẳng lặng chặt bỏ, mua giống trồng lại chứ không biết kêu ai. Trước đây, ông không rành về cây giống, đến điểm bán họ đưa loại nào ông biết loại đó, trao đổi giá cả rồi thuận mua vừa bán, cam kết bằng “miệng” chứ không có hóa đơn mua bán gì hết. Rút kinh nghiệm, lần này ông tìm tới Trung tâm Giống cây trồng Ea Kmát mua cho yên tâm. Lên tới nơi, ông như lạc giữa “rừng thương hiệu”, chỗ nào cũng đề bảng Ea Kmát, hỏi vườn nào họ cũng khăng khăng cây giống lấy từ viện ra, chất lượng đảm bảo. Lui tới nhiều nơi, cuối cùng ông tìm đến đúng địa chỉ mua 10 cây sầu riêng Monthong, 2 cây bơ Booth.
Một vườn ươm giống tại TP. Buôn Ma Thuột. |
|
“Ea Kmát” là tên của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển nông - lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên – nơi nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống cây trồng chất lượng cho nông dân Tây Nguyên. Lợi dụng uy tín của Viện, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây tự ý trưng bảng hiệu lấy tên “Ea Kmát” khiến nông dân lầm tưởng. Không chỉ “mượn” thương hiệu, một số nơi còn mạo danh giống của nhà vườn khác để trục lợi. Như trường hợp anh Nguyễn Ngọc Đ. (ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có cây bơ quý 30 năm tuổi ra trái thơm dẻo quanh năm. Thấy giống bơ quý, anh mày mò ghép trồng thử nghiệm thành công, rồi nhân rộng để bán giống tại nhà. Thế nhưng, một số nơi mạo danh giống cây của anh, rao bán trên mạng với giá thấp, chỉ khi người dân mua trúng cây dỏm tìm đến tận nhà anh thì sự việc mới vỡ lẽ. Anh tìm địa chỉ, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật nhưng họ phớt lờ.
Người dân mua giống tại một cơ sở (Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột). |
Để chấn chỉnh thực trạng trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức nhiều đợt thanh - kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Năm 2017, Chi cục tổ chức 3 đợt thanh, kiểm tra 57 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ có 9/57 cơ sở có Giấy chứng nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, 6/57 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm có nhãn mác theo quy định. Điều đó chứng tỏ, chất lượng cây giống đang là vấn đề rất đáng quan ngại.
(Còn nữa)
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc