Từ những câu chuyện khởi nghiệp…
Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đang tiến gần đến vòng chung kết, bước đầu đã quy tụ những ý tưởng, sản phẩm độc đáo, mới mẻ. Và đằng sau những ý tưởng sản phẩm mà các bạn trẻ mang đến cuộc thi là câu chuyện về những giấc mơ đang vận hành trong cuộc mưu sinh…
Phan Thị Thu Huyền vốn là một nhân viên của Công ty TNHH Du lịch Đặng Lê, là người gần như “ngoại đạo” với ngành chế biến thực phẩm vì chưa hề kinh qua khóa đào tạo nào về nấu nướng, chế biến thực phẩm nhưng lại khởi nghiệp từ… bếp. Khi nhận thấy các tiệm bánh Pizza nở rộ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, Huyền đã dày công tự tìm hiểu, nghiên cứu công thức và cho ra đời một loại bánh Pizza mang hương vị Việt. Pizza Bếp Nhà ra đời sau gần 2 năm Huyền vượt qua những khó khăn, trở ngại của một người “ngoại đạo”, khởi nghiệp bằng niềm đam mê.
Kể về hành trình “làm bánh”, Huyền chia sẻ: “Là người học chuyên ngành về quản trị kinh doanh nên có thể đó cũng là lợi thế khi nhìn bất cứ sản phẩm gì em cũng thấy có tiềm năng. Chính vì vậy, khi các tiệm bánh Pizza nở rộ trên địa bàn thành phố, nó bắt đầu thôi thúc em”. Cũng phải mất một thời gian, từ việc đi tìm hiểu về các thương hiệu bánh Pizza đã có mặt trên thị trường Buôn Ma Thuột bằng cách ăn thử, nếm thử và ghi nhớ các hương vị khá nhiều loại bánh. Khi lựa chọn con đường kinh doanh bằng một sản phẩm đã có sẵn trên thị trường, hơn nữa lại là của những thương hiệu đã nổi tiếng bản thân Huyền cũng tự nhận thấy đó là một thách thức không hề nhỏ. Để cạnh tranh, bắt buộc phải làm mới sản phẩm đó, cho nên Huyền đã tự nghiên cứu về hương vị, nguyên liệu để tạo ra một loại bánh mang hương vị đặc thù riêng của mình. Và đặc biệt là cạnh tranh về giá, tức là mình tìm cho mình một phân khúc thị trường nhất định, hướng đến đối tượng khách hàng cụ thể, điều đó đã giúp Pizza Bếp Nhà vượt qua những khó khăn. Sau khoảng gần 2 năm thử nếm, tự làm và “ép” người nhà, bạn bè thử nếm, Huyền bắt đầu tự tin đưa Pizza Bếp Nhà đến với mọi người. Trong suốt quá trình đó, công thức cũng không ngừng được cô điều chỉnh, hoàn thiện sao cho hương vị bánh Ý thuần Việt nhất.
Chị Phan Thị Thu Huyền làm pizza phục vụ khách hàng tại quán Pizza Bếp Nhà của mình. |
Sau 3 tháng có mặt trên thị trường, Pizza Bếp Nhà đã mở thêm 1 đại lý ở tỉnh Lâm Đồng, 1 đại lý ở Đắk Nông. Thị trường mà Huyền đang tập trung hướng đến là địa bàn các huyện, mới đây Huyền cũng đã mở được 1 điểm ở huyện đầu tiên là Cư M’gar bằng phương thức nhượng quyền dựa trên các quán đã bán các mặt hàng, sản phẩm ăn vặt. Tuy nhiên, như những gì mà Huyền đã chia sẻ thì xây dựng Pizza Bếp Nhà trở thành một thương hiệu Pizza Việt với giá cả phải chăng và đến được với tất cả mọi người kể cả ở những vùng sâu vùng xa là ước mơ, cũng là mục tiêu dài hơi của cô. Khi đến với cuộc thi khởi nghiệp, Huyền với đề án Pizza Bếp Nhà được sự hỗ trợ tích cực của ban tổ chức cuộc thi trong việc viết đề án cũng như chuẩn bị các bước để tham dự. Sự nỗ lực của Huyền cùng với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ hướng dẫn đã được đền đáp xứng đáng, đề án của Huyền đã được chọn vào vòng chung kết. Đây cũng nguồn động lực cho Huyền tiếp tục với con đường khởi nghiệp vốn không hề giản đơn và đầy thách thức.
Hay như Trần Thị Cẩm Vân, một dược sĩ đang công tác tại Sở Y tế có đam mê với những sản phẩm từ củ nghệ. Thay vì tinh bột nghệ thông thường vẫn khó uống đối với một số đối tượng, để tiện lợi, dễ sử dụng và có thể phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, Cẩm Vân đã tự nghiên cứu để làm sản phẩm cốm nghệ. Sau hơn 2 năm thử các phản ứng, tìm ra công thức, sản phẩm cốm nghệ Huvahi đã có mặt ở thị trường và được đón nhận khá tích cực. Như những gì mà Cẩm Vân chia sẻ, liên quan đến nghệ trên thị trường đã có hàng trăm sản phẩm, tuy nhiên Vân vẫn chọn con đường khá gai góc đó là làm mới sản phẩm đã có. Chính vì vậy, Vân luôn tìm cách để làm sao sản phẩm đặc trưng và khác biệt. Có thể lợi ích nó mang lại cũng giống như các sản phẩm đã ra đời trước đó, nhưng với cốm nghệ, Vân đã tạo ra cho nó thêm những giá trị đi kèm, đó là dễ sử dụng, đối tượng khách hàng được mở rộng… Điều này tạo được thêm một sự lựa chọn cho khách hàng. Đề án của Vân vì vậy cũng đã được Ban giám khảo Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018 đánh giá cao và được chọn thi ở vòng chung kết…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh tham quan và tìm hiểu về sản phẩm cốm nghệ Huvahi được trưng bày tại Không gian làm việc chung về khởi nghiệp. |
Còn Trần Công Phúc, là sinh viên Khoa Y Trường Đại học Tây Nguyên nhưng lại có đam mê với cá bảy màu. Từ việc đam mê, nuôi cá như một thú vui, thì em bắt đầu tìm hiểu chuyên sâu vào việc thực hiện phối giống cho cá sinh sản và bán cho những ai có chung niềm đam mê, sở thích. Không ai nghĩ rằng, từ thú vui nuôi cá, Phúc không chỉ có thêm một khoản thu nhập để trang trải cho quá trình học tập mà còn trở thành một “chuyên gia” về cá bảy màu. Để làm được điều này là cả quá trình Phúc tự tìm hiểu về đặc tính của loài cá, cách chăm sóc và phối giống để cho ra loài thuần chủng, chứ không phải lai tạp. Khi tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp, thông điệp mà Phúc muốn gửi đến cho các bạn học sinh, sinh viên chỉ đơn giản thay vì dành thời gian chơi game, vừa tổn hại sức khỏe vừa tốn tiền thì các bạn trẻ hãy nuôi cá, biết đâu các bạn cũng tìm được cơ hội kinh doanh từ thú vui đó…
Khởi nghiệp là vậy, là những câu chuyện rất đời với con người thực, những sản phẩm thực gắn với khát vọng, hoài bão. Với những ban trẻ, Startup là nhập cuộc, là hành động để thấy được niềm vui, hạnh phúc trên con đường hiện thực hóa ước mơ của mình.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc