Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ năng động phát triển kinh tế

10:48, 18/12/2019

Thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ huyện Cư M’gar đã năng động, chủ động tìm tòi những hướng đi mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nhiều chị đã vươn lên trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Chị Đỗ Thị Nguyệt là một trong những hội viên phụ nữ kinh doanh giỏi tại chợ xã Ea Kiết. Hiện chị đang sở hữu một sạp kinh doanh quần áo, kết hợp với các mặt hàng tạp hóa lớn tại chợ xã với diện tích hơn 65 m2.

 Chị Đỗ Thị Nguyệt  (bìa phải) đang  tư vấn  cho khách đến  mua hàng.
Chị Đỗ Thị Nguyệt (bìa phải) đang tư vấn cho khách đến mua hàng.

Nhờ năng động, chịu khó tìm hiểu thị trường và biết cách tính toán làm ăn nên nguồn hàng của cơ sở chị Nguyệt luôn dồi dào, nhất là quần áo luôn có mẫu mã mới, thời trang, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài bán tại chợ, chị còn sử dụng điện thoại smartphone để đăng các thông tin về sản phẩm của gia đình quảng bá trên mạng xã hội Facebook, Zalo…

Từ đó, sạp kinh doanh Nguyệt Ốc của gia đình ngày càng được nhiều người biết đến và khách hàng cũng tìm đến ngày càng nhiều… Dù chỉ buôn bán kinh doanh tại chợ xã vùng sâu, vùng xa của huyện nhưng mỗi năm tổng doanh thu từ việc bán hàng của chị Nguyệt lên đến hơn 1 tỷ đồng/năm; sau khi trừ chi phí lấy hàng, thuê mặt bằng… bình quân mỗi năm chị Nguyệt lãi hơn 150 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nữ ở địa phương.

Ngoài kinh doanh, chị Nguyệt còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo ở địa phương như: trao quà cho thiếu nhi vào các ngày lễ; hỗ trợ học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Chị Nguyệt chia sẻ: “Để kinh doanh có lãi, ngoài việc nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng thì chữ tín luôn phải được đặt hàng lên đầu. Điều này được thể hiện ở chất lượng của từng sản phẩm bởi sản phẩm tốt, chất lượng đảm bảo thì dù giá có cao hơn khách hàng vẫn sẽ tìm đến, còn ngược lại sản phẩm chất lượng kém thì giá có rẻ họ cũng không mua. Việc kinh doanh của gia đình tôi phát triển cũng nhờ tuân thủ phương châm này”.

Còn chị Lý Thị Thanh ở buôn Tar (xã Ea Tar) lại chọn hướng phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Khi cây cà phê còn nhỏ thì chị bàn với chồng trồng xen các loại cây hoa màu ngắn ngày như: ngô, đậu… để lấy ngắn nuôi dài, đến khi cây cà phê phân tán thì thay thế bằng cây hồ tiêu, cây ăn quả, đồng thời cũng chủ động thay thế những cây cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng những giống mới cho năng suất cao.

Chị Lý  Thị Thanh  (bên trái) đang  giới thiệu  cho cán bộ hội phụ nữ xã về mô hình kinh tế  tổng hợp  của gia đình.
Chị Lý Thị Thanh (bên trái) đang giới thiệu cho cán bộ hội phụ nữ xã về mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình.

Nhờ đưa giống mới vào trồng, kết hợp với chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hợp lý nên vườn cây của gia đình chị Thanh phát triển xanh tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, với 1,3 ha trồng cà phê, hồ tiêu và cây sầu riêng (5 sào cà phê, 1.500 trụ tiêu, 30 cây sầu riêng đang trong giai đoạn kinh doanh), mỗi năm gia đình chị thu được 2 tấn cà phê, 5 tấn hồ tiêu, hơn 4 tấn sầu riêng…

Với giá cả như hiện nay, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, chăm sóc, gia đình chị có lãi từ 300 – 400 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình chị ngày càng được nâng lên và trở thành một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá, giàu ở địa phương; vợ chồng chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện sản xuất và sinh hoạt đắt tiền …

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Cư M’gar. Có được kết quả này, hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như: định hướng cho hội viên lựa chọn mô hình phát triển kinh tế; tư vấn, giới thiệu việc làm; phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả để học tập, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Đồng thời, Hội Phụ nữ các cấp đã huy động nguồn lực tại chỗ bằng cách xây dựng và phát huy các mô hình tiết kiệm của các chi, tổ hội; phối hợp với các tổ chức tín dụng giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi... Tính đến nay, các cấp Hội đã hướng dẫn thủ tục pháp lý, hỗ trợ hội viên vay được hơn 109,7 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (tăng 6,5 tỷ đồng so với đầu năm 2019), hơn 38,2 tỷ đồng từ Ngân hàng Sea Bank (chi nhánh thị trấn Quảng Phú); vận động các cán bộ, hội viên thành lập và duy trì được hơn 200 “tổ, nhóm tiết kiệm” tại các chi hội, với tổng số tiền tiết kiệm hơn 17,5 tỷ đồng, có hơn 1.600 lượt hội viên được vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.