Multimedia Đọc Báo in

Ðòn bẩy cho ngành cà phê phát triển bền vững

06:44, 23/05/2021

Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND, ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh về phát triển cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết 24) được xem là một quyết sách phù hợp cho cây trồng chủ lực của tỉnh, góp phần giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm như "điệp khúc" chặt - trồng, giá cả bấp bênh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất...

Khắc phục tình trạng sản xuất manh mún

Đắk Lắk được đánh giá là thủ phủ cà phê của cả nước, với diện tích trên 200.000 ha, chiếm khoảng 32% diện tích cà phê toàn quốc và 35% diện tích cà phê của vùng Tây Nguyên. Cây cà phê có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc sản xuất theo quy mô nông hộ khiến loại cây chủ lực này phát triển thiếu bền vững.

Từ thực tế trên, sau ba năm Nghị quyết 24 ra đời đã tạo được sự chuyển biến to lớn trong việc tổ chức lại ngành hàng cà phê theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Đó là, ngoài việc đạt các mục tiêu về diện tích cà phê tái canh; ứng dụng khoa học công nghệ ở các khâu sản xuất; thu hoạch, chế biến... thì Nghị quyết 24 cũng đã tạo "luồng gió mới" cho việc phát triển tổ chức hợp tác nông dân sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như: 4C, UTZ, FLo… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 26 HTX nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê (tăng 3 HTX so với năm 2017). Tổng số hộ tham gia liên kết là 3.600 hộ, trong đó có 1.790 hộ thành viên, với trên 6.000 ha cà phê. Ngoài ra, còn có 28 tổ hợp tác sản xuất cà phê, chiếm 23,9% so với tổng số tổ hợp tác nông nghiệp.

 

Trang trại Aeroco (TP. Buôn Ma Thuột) liên kết với các hộ nông dân làm cà phê chất lượng cao và sản phẩm được sơ chế tại trang trại.
Trang trại Aeroco (TP. Buôn Ma Thuột) liên kết với các hộ nông dân làm cà phê chất lượng cao và sản phẩm được sơ chế tại trang trại.

 

Đáng chú ý là, 22 HTX có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, doanh nghiệp có trách nhiệm đưa ra yêu cầu về chất lượng và số lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; các HTX là cầu nối có trách nhiệm gắn kết thành viên HTX với doanh nghiệp thực hiện đúng các cam kết theo thỏa thuận đã ký kết. Đây là mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định. Điều này cũng góp phần khắc phục được tình trạng sản xuất quy mô nông hộ nhỏ lẻ, giúp nông dân yên tâm phát triển cây cà phê.

Tiêu biểu như HTX Ea Tân (huyện Krông Năng) đã liên kết sản xuất cà phê bền vững với Công ty Simexco Đắk Lắk. Thông qua việc liên kết, HTX được chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng một số mô hình mẫu cho các thành viên tham quan, học tập nhân rộng; hỗ trợ vật tư đầu vào... Nhờ vậy, nông dân đã thay đổi cách thức canh tác cà phê, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, bền vững, thân thiện môi trường. Đặc biệt, người nông dân chỉ thu hái khi tỷ lệ quả chín trên 90%, sơ chế đúng quy trình, đáp ứng nhu cầu chế biến cà phê đặc sản. Cách làm này đã giúp nông dân tăng giá trị vườn cây cao hơn gấp hai lần so với trước. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, công ty đã liên kết sâu rộng hơn tại vùng cà phê trọng điểm của thôn Thanh Cao, thôn Ea Tưn (xã Ea Tân) và thôn Đồng Tâm (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) với 226 hộ, tổng diện tích 300 ha nhằm phát triển cà phê đặc sản.

Hiện nay, với sản lượng cà phê toàn tỉnh đạt 557.659 tấn, có khoảng 80% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận đến năm 2020 đạt trên 45.674 ha. Trên thực tế, những hộ có liên kết sản xuất đều “sống khỏe” với cây cà phê vì họ tạo được những sản phẩm chất lượng cao, góp phần làm gia tăng giá trị cho cà phê.

Tiếp tục nâng cao giá trị ngành hàng

Ngoài việc thực hiện tốt khâu tổ chức sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng hạt cà phê, Nghị quyết 24 cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị ngành hàng. Trong đó, tập trung vào chế biến sâu, bảo hộ và phát triển thương hiệu Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột (Buon Ma Thuot Coffee).

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh, 100% các cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu tuân thủ đúng quy chuẩn kỹ thuật, cà phê đạt điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có ít nhất 4 đơn vị cà phê chế biến sâu áp dụng công nghệ và quy trình quản lý tiên tiến như HTX Minh Toàn Lợi, Công ty TNHH Cà phê Ngon, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái, Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk. Hằng năm sản lượng cà phê chế biến sâu đạt khoảng 36.500 tấn (đạt 7,73% sản lượng cà phê của niên vụ), cơ bản đạt chỉ tiêu của Đề án.

 

Công ty Simexco Đắk Lắk tập huấn thử nếm cà phê cho các thành viên của HTX Ea Tân.
Công ty Simexco Đắk Lắk tập huấn thử nếm cà phê cho các thành viên của HTX Ea Tân.

 

Bên cạnh đó, Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột (Buon Ma Thuot Coffee) đã được bảo hộ tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Hiện tỉnh cũng đang phối hợp với đoàn chuyên gia của Dự án EU-Mutrap (hỗ trợ chính sách thương mại về đầu tư của châu Âu) để xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ Buon Ma Thuot Coffee vào Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, đã có 12 đơn vị trên địa bàn Đắk Lắk được cấp quyền sử dụng Buon Ma Thuot Coffee cho cà phê nhân, với diện tích trên 15.612 ha, sản lượng trên 48.691 tấn; có 15 đơn vị được sử dụng logo Buon Ma Thuot Coffee cho sản phẩm cà phê rang xay trên 16 dòng sản phẩm.

Đến nay, thương mại cà phê nhân có Chỉ dẫn địa lý xuất khẩu được 6.203 tấn, thị trường xuất chính là châu Âu, châu Á, châu Mỹ, với giá trị tăng thêm khoảng 3 - 5%; sản lượng tiêu thụ nội địa 5.220 tấn. Cà phê rang xay mang logo Buon Ma Thuot Coffee được 320 tấn (tương đương 400 tấn cà phê nhân), tiêu thụ chủ yếu trong nước với giá trị tăng thêm khoảng 3 – 5%.

Việc Chi hội Rang xay cà phê Buôn Ma Thuột và Chi hội Cà phê đặc sản ra đời là một bước phát triển đột phá nhằm khai thác lợi thế của cà phê có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Trong đó, tập trung cho cà phê chất lượng cao (cà phê hạt và thành phẩm), khai thác phân khúc thị trường mới, kết nối rộng rãi các tác nhân đa dạng hình thành chuỗi cung ứng cho thị trường cao cấp, qua đó nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất cà phê nhân, nâng cao vị thế, hình ảnh cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam.

Theo Sở NN-PTNT, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 24 đã hỗ trợ triển khai xây dựng 5 mô hình HTX cà phê điểm; hỗ trợ thành lập được 23 HTX, tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững; xây dựng 110 mô hình trình diễn về sản xuất và tái canh cà phê bền vững; đào tạo nâng cao năng lực cho 1.537 người đứng đầu và cán bộ chuyên môn kỹ thuật của các HTX, tổ hợp tác về quản trị và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.


Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.