Multimedia Đọc Báo in

Chính thức công bố Mũi Cà Mau là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới

05:10, 26/04/2010

 

Tối 25-4, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ khai mạc “Tuần lễ Văn hoá - Du lịch Đất Mũi” (sẽ kết thúc vào ngày 2-5); đồng thời công bố quyết định của UNESCO công nhận Mũi Cà Mau là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đến dự Lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam; đại diện các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Nhạn biển thường di cư về Cà Mau sinh sống, bởi nơi đây là bãi ăn lý tưởng cho chúng
Nhạn biển thường di cư về Cà Mau sinh sống, bởi nơi đây là bãi ăn lý tưởng cho chúng                     Ảnh: T.L
Với tổng diện tích trên 371.000 ha, Cà Mau bao gồm 3 vùng trọng yếu là U Minh Hạ, Vườn quốc gia Đất Mũi và tuyến rừng phòng hộ ven đê biển Tây. Nơi đây có một hệ sinh thái động thực vật phong phú và đa dạng, với hàng nghìn loài. Trong đó có nhiều loại động vật được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như: khỉ đuôi dài, bồ nông chân xám, rẻ mỏ cong hông nâu...Đây là vùng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới về năng suất sinh học cao nhất trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên. Ngày 26-5-2009, tại kỳ họp thứ 21 của Ủy ban Điều phối Quốc tế về chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO tại Hàn Quốc, với 100% số phiếu của các đại diện tham dự, Mũi Cà Mau chính thức được UNESCO xét duyệt và công nhận một số vùng tài nguyên môi trường của tỉnh Cà Mau là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Người dân sống trong rừng tràm U Minh vừa giữ rừng vừa sản xuất nông nghiệp và nuôi cá đồng…
Người dân sống trong rừng tràm U Minh vừa giữ rừng vừa sản xuất nông nghiệp và nuôi cá đồng…                                     Ảnh: T.L
Việc công nhận này đồng nghĩa với việc Mũi Cà Mau đã chính thức gia nhập mạng lưới 554 Khu dự trữ sinh quyển của 107 quốc gia trên thế giới.
 
Hiện ở Việt Nam có 8 Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới gồm:
1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM (2000)
2. Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng và Dak Lak (2003)
3. Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, TP. Hải Phòng (2004)
4. Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng thuộc các huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình), Giao Thủy, Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình) (2004)
5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang (2006)
6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Vườn quốc gia Pù Mát, hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt (2007)
7. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009)
8. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (2009)

Đ.T (Tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc