Multimedia Đọc Báo in

Những “giáo viên” tình nguyện trên ghế giảng đường

10:38, 23/11/2011

Đến Trường khuyết tật Vi Nhân vào một buổi chiều thứ sáu, chứng kiến các bạn sinh viên tình nguyện trong Câu lạc bộ (CLB) Ước Mơ Xanh (Trường Đại học Tây Nguyên) đang say sưa dạy học cho các em nhỏ ở đây chúng tôi mới cảm nhận hết tình yêu thương, sự sẻ chia và tấm lòng nhân ái của những bạn trẻ tình nguyện vì một ngày mai tươi sáng.

CLB Ước Mơ Xanh được thành lập với mục đích tập hợp những tình nguyện viên có tinh thần nhiệt huyết, lòng nhân ái, luôn quan tâm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, giúp họ vượt qua số phận, tự tin hơn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Ngoài những hoạt động từ thiện, thì mục đích chính của CLB là việc dạy học cho trẻ em ở Trường tình thương Vinh Sơn và Trường khuyết tật Vi Nhân.

Nhìn những ánh mắt say sưa ngước lên bảng, như đón đợi những lời dạy của thầy, cô giáo là các anh chị sinh viên càng khiến các tình nguyện viên có thêm động lực và hứng thú dạy học. Quả thực, đây là niềm khích lệ lớn đối với những “giáo viên” đang còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.  Phương pháp mà các tình nguyện viên áp dụng khi dạy các em là sự tiếp cận thân ái, nhẹ nhàng, sự quan tâm và kiên trì vì đặc thù của học sinh ở đây là trẻ em khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ, mồ côi, trẻ em nghèo… nên những mặc cảm về thiếu tình thương nhiều lúc khiến các em dễ hờn dỗi, tủi thân. Do vậy, mỗi anh chị sinh viên đến với lớp là vừa dạy, vừa dỗ như người anh, người chị yêu thương em út trong nhà. Họ đều tự nhủ rằng, dù thế nào đi nữa cũng không được quát lớn tiếng, thậm chí trước mặt các em cũng không được nhíu lông mày. Khi đã có sự thân thiện, tin yêu và hòa nhập, các em nhỏ sẽ bày tỏ tình cảm của mình hết mực hồn nhiên, chân thành. Sinh viên Nguyễn Văn Huy (lớp Luật kinh doanh K09) chia sẻ: “Hai năm tham gia dạy học cho các em ở Trường tình thương Vinh Sơn và Trung tâm khuyết tật Vi Nhân đã giúp em trưởng thành hơn nhiều trong cuộc sống. Lúc đầu chúng em chỉ nghĩ, chương trình cho trẻ em khuyết tật có khó khăn gì đâu; nếu chậm hiểu, phát âm khó khăn, chúng em sẽ kiên trì dạy. Nhưng khi "lên lớp", càng tiếp xúc với các em nhiều mới biết là không đơn giản như mình nghĩ. Thế rồi sự kiên trì và cố gắng đã giúp chúng em vượt qua khó khăn và đứng lớp đến ngày hôm nay”.

Một buổi dạy học cho các em khiếm thính ở Trường khuyết tật Vi Nhân.
Một buổi dạy học cho các em khiếm thính ở Trường khuyết tật Vi Nhân.

 

Để có thể “bám” nghề, mỗi sinh viên tình nguyện đã phải tự tìm hiểu ngôn ngữ của học sinh để trao đổi, trò chuyện và dạy học cho các em, nhất là đối với những em khiếm thính, khiếm thị. Ban đầu chỉ là học cách chào hỏi, trao đổi đơn giản, dần dần qua tiếp xúc trong dạy học đã giúp các “giáo viên” nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của các em để dễ dàng truyền đạt kiến thức. “Việc dạy học cho trẻ bình thường vốn đã là điều không dễ chứ nói gì đến dạy cho trẻ khuyết tật. Lúc đầu mình nói các em không hiểu và các em nói gì mình cũng không hiểu; đến khi hiểu nhau thì quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh lại rất chậm nên mình phải thật kiên nhẫn chỉ dạy, “thầy giáo” Huy cho biết thêm.

Là sinh viên năm thứ nhất khoa Kinh tế nông lâm, bạn Cao Anh Phượng đã sớm trở thành “thầy giáo” khi tham gia sinh hoạt tại CLB Ước mơ xanh. Dù hơi bỡ ngỡ với công việc mới, nhưng em đã nhanh chóng hòa nhập với các em nhỏ ở Trường khuyết tật Vi Nhân. Phượng tâm sự: “Được góp một chút công sức nhỏ bé của mình để giúp các em thấy cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp hơn mình cảm thấy vui và hạnh phúc lắm. Thay vì những buổi đi chơi cùng bạn bè thì việc tham gia dạy học cho các em ở đây sẽ giúp tinh thần mình thoải mái hơn nhiều. Điều đặc biệt là mỗi khi hoàn thành xong bài tập được giao, các em mừng rỡ chạy đến ôm hôn càng khiến mình gắn bó với các em”. Để có thể bảo đảm các giờ dạy học ở các trung tâm, hơn 50 bạn trẻ trong CLB Ước Mơ Xanh phải “san sẻ” để cùng được đi dạy, bởi ai cũng muốn được đứng lớp dạy học cho những mảnh đời bất hạnh. Sinh viên Huỳnh Thị Ngọc Mai (lớp Tài chính ngân hàng) là một “cô giáo” thường tranh giờ dạy học của các thành viên khác chia sẻ: “Cuộc sống đã may mắn với bản thân mình thì bây giờ ta cũng nên chia sẻ với những người có hoàn cảnh không may mắn. Với chúng em, tuy không có điều kiện giúp đỡ các em về vật chất, nhưng tình cảm, và sự hỗ trợ về mặt tinh thần lúc nào cũng sẵn có”.

Mỗi buổi học kết thúc, các sinh viên tình nguyện cảm thấy càng gần gũi, hiểu hơn về các em và họ đều tự mình nhận ra rằng cách dạy, cách chơi và cả cách ứng xử với bọn trẻ ở đây thì chữ “nhẫn” là điều vô cùng quan trọng. Công việc thầm lặng, dù không nhiều, nhưng nụ cười trong trẻo của bọn trẻ ước mong một ngày có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tự tin bước đi trong cuộc đời chính là động lực thúc đẩy họ - những sinh viên tình nguyện đến từ Trường Đại học Tây Nguyên ngày ngày kiên trì dạy học cho những trẻ em có hoàn cảnh không may mắn.

Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc