Cần thay đổi tập quán chăn nuôi trâu, bò thả rông
Cùng với sự phát triển đa dạng của ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích cây trồng các loại đang ngày càng được mở rộng… nhưng đồng nghĩa với đó là đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp dần, khiến việc chăn nuôi trâu, bò thả rông của người dân gặp nhiều khó khăn. Đã đến lúc cần thay đổi theo một hình thức chăn nuôi mới phù hợp hơn.
Chăn nuôi trâu bò thả rông tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. |
Thiếu nơi chăn thả trâu, bò
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Dak Lak, hiện toàn tỉnh có tổng số đàn trâu khoảng 32.000 con và 182.000 con bò, với tốc độ tăng đàn hằng năm từ 8% - 11%, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Ea Kar khoảng 35.000 con, Krông Bông gần 31.000 con, M’Drak khoảng 30.000 con. Đây là những con số đáng khích lệ đối với ngành nông nghiệp tỉnh nhà nói chung. Song, để duy trì và phát triển bền vững nghề chăn nuôi đại gia súc này thì vẫn còn nhiều điều đáng để bàn. Ngày nay, người dân Dak Lak hầu như không còn chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nhỏ lẻ một vài cá thể/hộ để phục vụ kéo cày, mà nhắm đến mục đích lớn hơn là nuôi để bán sinh lời, phát triển kinh tế. Vì vậy, bà con đang có xu hướng mạnh dạn đầu tư nuôi với quy mô lớn từ vài ba con đến hàng chục con/hộ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực mở rộng, phát triển các mô hình nuôi trâu, bò dạng trang trại (toàn tỉnh hiện có khoảng 180 trang trại với quy mô nuôi bình quân từ 50 - 100 con trâu, bò/trang trại). Việc chăn nuôi trâu, bò đang ngày càng phát triển, trong khi diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp dần đang tạo nên thách thức lớn cho người chăn nuôi, nhất là với bà con nông dân, lâu nay vẫn giữ hình thức chăn nuôi thả rông ngoài đồng, trên đồi; nguồn thức ăn chủ yếu là trâu, bò tự kiếm. Anh Y Thul Mlô, người nuôi bò nhiều năm ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn chia sẻ: những năm trước đây việc chăn nuôi bò cảm thấy rất nhẹ nhàng, buổi sáng cho cả đàn lên đồi ăn cỏ, lá cây… đến chiều lùa về chuồng. Tuy nhiên, đến nay số lượng đàn trâu, bò trên địa bàn phát triển khá nhiều, cộng với việc bà con tận dụng triệt để những diện tích đất trống để canh tác, trồng trọt khiến diện tích đồng cỏ bị thu hẹp. Anh Y Thul than thở: “Giờ đây muốn lùa đàn bò đi chăn thả cũng ngang với “trò chơi lạc vào mê cung”, bởi khắp nơi đều là ruộng, rẫy và ngay cả những khoảnh đất trống ven đường cũng được bà con tận dụng trồng tỉa ngô, đậu nên khi cho đàn trâu, bò ra đồng thì sợ chúng giẫm lên hoặc ăn mất cây trồng của người khác”.
Cần thay đổi tập quán chăn nuôi
Từ những khó khăn trên, việc chăn nuôi trâu, bò thả rông được đánh giá là không còn phù hợp. Hình thức này khiến người chăn nuôi rất khó quản lý, kiểm soát, nhất là trâu, bò nuôi sinh sản. Bởi khi thả rông tập thể với nhiều giống trâu, bò khác nhau dễ sản sinh ra những thế hệ trâu, bò con kém năng suất, giảm hiệu quả; rất khó kiểm soát và phòng ngừa dịch mỗi khi có mầm bệnh phát sinh. Trong đàn chỉ cần một vài con nhiễm bệnh thì rất dễ lây lan sang nhiều con khác, đàn khác. Chưa hết, ngay cả số bò giống thịt cao sản, Lai Sin, Brahma… được các cơ quan chức năng tỉnh, địa phương cấp về cho bà con nuôi theo các Chương trình 327, 134, 135… để cải tạo giống bò của địa phương cũng chịu cảnh chăn thả “bán hoang dã”. Vì không quen môi trường sinh sống, thiếu nguồn cỏ lại không được chăm sóc nên nhiều con bò giống lai bị gầy yếu kiệt sức, bị bệnh tật và chết dần.
Trước thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn, khuyến cáo bà con nên thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt tập trung với quy mô chuồng trại quy hoạch hợp lý, thoáng mát mùa hè và che chắn gió lạnh vào mùa đông, bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ… đồng thời, tiến hành trồng cỏ để làm nguồn thức ăn chủ lực. Một số chuyên gia của ngành nông nghiệp tỉnh khẳng định: đây là hình thức chăn nuôi được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng rất hiệu quả, vừa dễ dàng chăm sóc đàn vật nuôi, lại kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế lây lan ra diện rộng. Gia đình anh Trần Lê Minh, xã Ea Sô, huyện Ea Kar là một trong những điển hình trong việc thực hiện trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt tập trung khá thành công, đàn bò 11 con của gia đình anh đang sinh trưởng rất nhanh. Anh chia sẻ: mới đầu tưởng việc nuôi nhốt sẽ khó khăn, song đến khi thực hiện rồi mới thấy khá dễ dàng, ít tốn công chăm sóc và rất hiệu quả. Ngoài nguồn cỏ chính trồng để chăn nuôi, anh còn tận dụng thêm những thức ăn khác từ phụ phẩm của cây trồng sau thu hoạch như lá mía, cây ngô,... nên vật nuôi rất chóng lớn. So với nuôi thả rông như trước đây phải một năm trâu bò mới đủ lớn để bán thịt, nhưng nay, đàn bò của anh mới nuôi 6 tháng đã chuẩn bị xuất bán. Anh cho biết thêm: nhiều bà con địa phương hiện nay rất ủng hộ và làm theo phương án trồng cỏ để nuôi trâu, bò như của gia đình anh. Với điều kiện đất đai ở Tây Nguyên, mỗi nhà dành ra vài sào để trồng cỏ là chuyện không khó, nhất là hiện có nhiều loại cỏ như VA06, Ruzi, cỏ sữa … cho năng suất, dinh dưỡng cao, rất thích hợp để chăn nuôi trâu bò.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc