Multimedia Đọc Báo in

Y tế học đường: Chuyện không riêng của ngành Giáo dục, Y tế

08:26, 24/12/2012

Mặc dù  nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất còn nhiều bất cập, nhưng thời gian qua tỉnh ta cũng đã kịp thời triển khai các nhiệm vụ y tế trong trường học, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Tăng cường kiến thức phòng, chống bệnh học đường

Trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT vừa tổ chức Hội thi tìm hiểu phòng, chống bệnh tật học đường năm 2012 với sự tham gia của 10 trường tiểu học thuộc Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar. Qua 3 phần thi chào hỏi, kiến thức và hùng biện, các đội đã trình bày sự hiểu biết về một số loại bệnh thường gặp trong học đường hiện nay; phương pháp và kỹ năng cơ bản sơ cấp cứu, chăm sóc ban đầu các tình huống thường gặp. Hội thi còn là diễn đàn để các em học sinh, thầy, cô giáo chia sẻ những khó khăn, tồn tại trong công tác y tế trường học, đồng thời tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng phòng, chống một số loại bệnh thường gặp. Đây là những kiến thức cơ bản, cần thiết để mỗi học sinh trở thành một tuyên truyền viên tích cực tại nhà trường cung cấp thông tin, kỹ năng cần thiết liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu đến các bạn. Em Dương Thị Thanh, lớp 5E Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) nói: “Em sẽ nhắc nhở các bạn trong lớp ngồi học đúng tư thế, không nên ngồi quá lâu trước màn hình máy vi tính, không được ăn quà vặt trước cổng trường, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn…”. Còn cô Bùi Thị Quý, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) cho biết: Giờ  chào cờ hằng tuần, nhà trường đều dành khoảng 5-10 phút để nhân viên y tế nói chuyện về vệ sinh thân thể, giữ gìn răng miệng, vệ sinh an toàn thực phẩm…Nhà trường đặc biệt chú ý bố trí phòng học bảo đảm thông thoáng, yên tĩnh, bàn ghế kê đúng quy cách; tạo  môi trường xanh-sạch-đẹp. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với trạm y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, kịp thời phát hiện những học sinh bị mắc bệnh để chuyển tuyến điều trị”.

Năm 2012 Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã tổ chức 10 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ  cho 685 cán bộ y tế huyện, xã và nhân viên y tế trường học nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác y tế trường học, phòng chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe học sinh; kiểm tra các yếu tố vệ sinh trường học theo quy định và giám sát thanh tra, kiểm tra hoạt động y tế trường học tại 126 trường. Bên cạnh đó, ngành Y tế cùng các ban, ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống các loại bệnh học đường. Đặc biệt, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã chọn 4 trường thuộc 4 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT để xây dựng mô hình truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống bệnh tật học đường theo hướng tiếp cận nâng cao sức khỏe (xây dựng môi trường học tập lành mạnh, truyền thông phòng chống bệnh tật học đường, hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh trường học, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe học sinh...).

Học sinh hào hứng tham gia Hội thi tìm hiểu phòng, chống bệnh tật  học đường năm 2012.
Học sinh hào hứng tham gia Hội thi tìm hiểu phòng, chống bệnh tật học đường năm 2012.

Khoảng trống trong công tác y tế học đường

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, nói chung mọi người đều nhận thức tầm quan trọng và sự cần thiết của y tế học đường đối với sức khỏe của học sinh. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà hoạt động này vẫn chưa nhận được quan tâm đúng mức: thiếu nguồn nhân lực, thiếu kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất không đúng quy định. Hiện nay, toàn tỉnh có 616 nhân viên y tế học đường, nhưng hơn 50% trong số đó là kiêm nhiệm. Đáng quan ngại, theo quy định của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục – Đào tạo mỗi trường được một nhân viên y tế học đường và trình độ của cán bộ làm công tác y tế trường học từ trung cấp y trở lên… nhưng trong tổng số 616 nhân viên y tế trường học thì 12 người có trình độ dược sĩ, 3 nữ hộ sinh, 328 giáo viên và 8 người làm công việc khác. Cùng với đó toàn tỉnh chỉ mới 291 trường học có phòng y tế theo quy định, còn lại phải dùng chung với các phòng khác. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong khi bệnh học đường đã và đang gia tăng gây không ít lo lắng cho các bậc phụ huynh.

Năm 2012 nhu cầu kinh phí chi cho hoạt động y tế trường học là gần 8 tỷ đồng, nhưng chỉ được cấp 268 triệu đồng chủ yếu dành cho các hoạt động kiểm tra, giám sát; điều tra, đánh giá; đào tạo, tập huấn và truyền thông sức khỏe. Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, để công tác chăm sóc sức khỏe học sinh ngày càng tốt hơn và phòng chống hiệu quả một số bệnh, tật phổ biến ở tuổi học đường ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế và Giáo dục cần có sự chung tay của các cấp, các ngành tháo gỡ bài toán về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí, đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe cho học sinh, gia đình và cộng đồng…Thực tế chứng minh có thời điểm bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp, trong đó trẻ mắc bệnh trong độ tuổi đi học chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên nhờ sự vào cuộc của các cấp các ngành, nhất là sự chủ động của các trường và phụ huynh học sinh nên sớm khống chế được căn bệnh nguy hiểm này. Năm 2012, các ổ dịch tay chân miệng trong các trường học không còn, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học mắc bệnh giảm, đặc biệt không có trường hợp tử vong trong trường học.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc