Multimedia Đọc Báo in

Về đâu công nhân trạm thu phí đường bộ?

15:36, 23/02/2013

Theo Quyết định 3435/QĐ-BGTVT, ngày 28-12-2012 của Bộ GTVT, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-1-2013, tất thảy 17 trạm thu phí (TTP) trên phạm vi cả nước sẽ dừng hoạt động để triển khai việc thu Quỹ Bảo trì đường bộ. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng nghìn công nhân ở các TTP sẽ bị mất việc làm. Lối đi nào cho những người lao động (NLĐ) sau khi TTP dừng hoạt động đang là bài toán hóc búa đối với bản thân họ và các cơ quan chức năng.

Gian nan con đường tìm việc
Tiếp chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ với tâm trạng buồn bã, chị Mai Thị Thanh, ngụ tại TP.Buôn Ma Thuột (trước đây là công nhân thu phí ở TTP số 4 thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Dak Lak) cho hay, chị gắn bó với nghề đã 14 năm nay, mặc dù thu nhập không cao nhưng cũng đủ để chị trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Giờ mất việc nửa chừng, chị cảm thấy hụt hẫng, lo lắng vì không biết sẽ tìm việc ở đâu. Để không phải ngồi không ở nhà trong thời gian mất việc, chị Thanh đã xin vào làm thủ quỹ tại một công ty tư nhân trên địa bàn thành phố, nhưng do yêu cầu của công ty mới quá khắt khe nên làm được nửa tháng chị đành bỏ việc giữa chừng. Chị Thanh lại chân ướt chân ráo đi khắp các tiệm may nhận hàng về khâu ráp, kiếm 50 đến 70.000 đồng/ngày. Với nguồn thu nhập ít ỏi đó, mặc dù rất chật vật, nhưng chị Thanh còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác vì còn có việc mà làm. Trường hợp của chị Tạ Thị Cẩm Ngọc (TP. Buôn Ma Thuột) cũng gặp không ít khó khăn trên con đường tìm việc mới, bởi chị đã bước qua tuổi ngũ tuần. Chị tâm sự: sau khi nghỉ việc công ty có bố trí công việc mới cho chị ở hạt quản lý đường bộ để làm công nhân bốc đá vá đường, nhưng do sức khỏe không bảo đảm nên chị không thể đảm nhận công việc, mặc dù vẫn biết ở độ tuổi của mình, chị không dễ gì tìm kiếm một việc làm mới. Cũng như nhiều công nhân khác (đặc biệt đối với những người ở độ tuổi như chị Ngọc) đều rơi vào tình cảnh “đi chẳng nỡ, ở chẳng đành”, thế là chấp nhận ngậm ngùi, nuối tiếc bao nhiêu năm đóng góp, cống hiến công sức, tuổi trẻ cho ngành giao thông. Còn trường hợp chị Trần Thị Hoa (TP. Buôn Ma Thuột), sau khi nghỉ việc chị đầu quân làm nhân viên cho một công ty bảo hiểm, nhưng cũng không mấy khả quan, bởi công việc này phải đi nhiều, trong khi đó con còn nhỏ nên chị gặp không ít khó khăn để tiếp cận với khách hàng. Bởi vậy, đến nay chị vẫn chưa nhận được đồng lương nào từ công ty do chưa ký được hợp đồng bán bảo hiểm với khách hàng nào. Có phần may mắn hơn chị Thanh, chị Ngọc, anh Nguyễn Văn Đởm, đội trưởng TTP số 4 được công ty bố trí bảo vệ cơ sở vật chất do trạm chưa bàn giao cho các cơ quan quản lý, nhờ vậy anh vẫn được hưởng lương và được công ty đóng bảo hiểm như thường lệ.

Công nhân các trạm thu phí sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới
Công nhân các trạm thu phí sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới

Mòn mỏi chờ chế độ
Để chủ động trong việc sắp xếp, giải quyết chế độ cho người lao động và xử lý tài sản các TTP ngừng hoạt động, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các Khu quản lý đường bộ, các Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị có TTP rà soát lực lượng lao động đang làm việc tại các trạm theo định biên được duyệt, cố gắng bố trí lao động về các hạt, đội và các bộ phận khác của đơn vị. Trong đó ưu tiên, sắp xếp công việc cho NLĐ có thời gian công tác lâu năm, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trường hợp không sắp xếp, bố trí được việc làm, đơn vị lập danh sách, tính trả phụ cấp mất việc làm cho người lao động. Theo đó, đối với NLĐ làm việc tại các TTP từ 31-12-2008 trở về trước, Tổng cục sẽ trình Bộ GTVT, Bộ Tài chính bố trí từ nguồn thu phí đường bộ để chi trả trợ cấp mất việc làm và trợ cấp chấm dứt hợp đồng lao động cho công nhân. Từ 1-1-2009 đến khi trạm dừng thu phí đường bộ, bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc cho NLĐ từ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đến thời điểm này hầu hết những người lao động mất việc làm khi trạm dừng thu phí chưa hề nhận được một khoản trợ cấp, phụ cấp nào từ các cơ quan có trách nhiệm. Trong khi chưa tìm được việc làm mới, đa số người lao động đều mong mỏi khoản tiền trợ cấp đến sớm để có chút vốn liếng học nghề. Chị Nguyễn Thị Hải Vân, công nhân TTP Một dừng Buôn Hồ bộc bạch: sau khi mất việc chị dự định đi học nghề may để kiếm kế sinh nhai, nhưng học nghề ít nhất cũng mất khoảng 4-5 tháng nên chi phí khá tốn kém, trong khi kinh tế gia đình lại không dôi dư nên chị đành gác lại việc học nghề. Còn chị Thanh cũng đang nóng lòng chờ khoản tiền trợ cấp thất nghiệp để trang trải cuộc sống hằng ngày và tiền trợ cấp mất việc làm để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại gia đình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Kỳ, Trưởng phòng tổ chức Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Dak Lak cho biết: đa số NLĐ làm công tác thu phí là lao động phổ thông, không có bằng cấp chuyên môn nên chuyện bố trí công việc ở các phòng, ban của đơn vị là điều không hề dễ dàng, bởi công ty đã đủ người. Để đáp ứng nguyện vọng về việc làm của NLĐ, công ty có bố trí họ về các hạt quản lý đường bộ và các đội thi công công trình, nhưng do đặc thù công việc nặng nhọc và phải đi làm xa, nay đây mai đó, không phù hợp với sức khỏe, nhất là chị em phụ nữ nên nhiều lao động không mặn mà với công việc này.

Theo định biên được Tổng cục Đường bộ Việt Nam duyệt năm 2007, tổng số công nhân viên ở 17 TTP trên các tuyến quốc lộ lên tới 1.251 người. Riêng Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Dak Lak và Công ty Cổ phần Quản lý và sửa chữa đường bộ 26 quản lý 2 trạm trên địa bàn Dak Lak gồm Trạm Một dừng Buôn Hồ, Trạm M’Drak và Trạm số 4 (thuộc tỉnh Dak Nông) là 188 người.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.