Multimedia Đọc Báo in

Quản lý hành nghề y, dược tư nhân: Vẫn còn nhiều lỗ hổng

14:47, 05/04/2013

Trong sự phát triển nhanh chóng của hệ thống y, dược tư nhân trên địa bàn, bên cạnh những cơ sở đủ điều kiện hành nghề thì vẫn còn tồn tại không ít những trường hợp hành nghề không đủ điều kiện. Làm thế nào để hệ thống này hoạt động chất lượng hơn, vấn đề đặt ra là công tác quản lý của các cơ quan chức năng phải tạo được hiệu quả…

Thanh tra Sở Y tế kiểm tra hoạt động của một nhà thuốc trên địa bàn huyện Cư M'gar.
Thanh tra Sở Y tế kiểm tra hoạt động của một nhà thuốc trên địa bàn huyện Cư M'gar.

Theo Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.368 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân được cấp phép, phân bố rải rác từ thành phố đến thị trấn và các xã. Không thể phủ nhận thời gian qua, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân cùng với y tế Nhà nước hình thành một mạng lưới khám chữa bệnh, cung cấp thuốc trong phạm vi toàn tỉnh, góp phần đáng kể trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe. Dẫu vậy, bên cạnh những cơ sở thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân thì vẫn còn tồn tại không ít những cơ sở hành nghề không đủ điều kiện. Qua các đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành, Thanh tra Sở Y tế đều phát hiện nhiều cơ sở vi phạm. Chỉ tính riêng năm 2012, ngành chức năng thực hiện thanh tra về hành nghề dược tư nhân đối với 130 cơ sở trên địa bàn đã phát hiện 12 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 6 cơ sở với tổng số tiền 23,5 triệu đồng. Các vi phạm thường gặp là: quầy thuốc, nhà thuốc không đủ điều kiện về diện tích, cơ sở vật chất, vệ sinh kém; không đủ điều kiện hành nghề; thực hiện việc niêm yết giá thuốc không đầy đủ… Song, điều đáng nói có những sai phạm cố ý, chẳng hạn như việc không thực hiện đúng quy chế kê đơn thuốc. Trên thực tế, chỉ cần dạo qua một số nhà thuốc tư nhân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, điều dễ nhận thấy là đa số người bệnh đến mua thuốc (kể cả các loại thuốc bắt buộc kê theo đơn) đều không cần trình toa của bác sĩ. Người mua chỉ cần nói tên thuốc, triệu chứng của bệnh, dược sĩ sẽ nhanh chóng thay thế luôn vai trò của bác sĩ mà bán thuốc cho bệnh nhân. Nguyên nhân của việc cố tình sai phạm này theo lý giải của một chủ nhà thuốc thì: “Đa số người bệnh thường tìm đến phòng khám tư nhân khi có bệnh, tại đây họ sẽ được bác sĩ khám và bán thuốc ngay tại chỗ, chỉ một số ít người có thu nhập thấp và trung bình mới ra hiệu thuốc để mua thuốc uống nhằm tiết giảm chi phí khi đau ốm. Vì vậy nếu cứ thực hiện đúng quy định thì chúng tôi biết bán thuốc cho ai(?!)…”.

 

Đối với những cơ sở hành nghề y tư nhân, qua tìm hiểu được biết, mặc dù đã có quy định bác sĩ khám chữa bệnh kê đơn, không được trực tiếp bán thuốc nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến ở hầu hết các phòng khám chuyên khoa trên địa bàn. Với đa số người bệnh, khi có bệnh chỉ cần tìm đến phòng khám nào có tiếng một chút và được bác sĩ khám bệnh, bán thuốc nhanh chóng là tốt rồi, đâu cần quan tâm đến chuyện phòng khám đó có thực hiện đúng quy định hay không. Còn với các bác sĩ thì tiện cho người bệnh, lợi cho mình, có sai luật một chút chắc cũng chẳng ai để ý (?!). Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Cao Minh Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Theo Luật quy định, các phòng khám y học cổ truyền và phòng khám của những người có bài thuốc gia truyền thì có quyền cung ứng thuốc cho người bệnh. Còn đối với các cơ sở tây y, nếu là phòng khám đa khoa đương nhiên được phép có quầy thuốc, nhưng phòng khám chuyên khoa thì không được phép bán thuốc. Song trên thực tế, nhiều phòng khám chuyên khoa vẫn bán thuốc, mà người bệnh lại không tố cáo nên  ngành Y tế rất khó quản lý”. 

Rõ ràng, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thì rất cần thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Hiện nay, việc phân cấp quản lý các cơ sở hành nghề y dược tư nhân đã được quy định rất cụ thể. Theo đó, Sở Y tế chỉ thực hiện kiểm tra các cơ sở có quy mô lớn như bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa, cơ sở thuốc bán buôn. Các cơ sở còn lại thì chịu sự quản lý và kiểm tra trực tiếp của các phòng y tế địa phương. Thế nhưng, theo bác sĩ Toàn thì: “lực lượng thanh tra, kiểm tra rất mỏng, trong khi số cơ sở hành nghề lại quá lớn, thành thử ở đâu đó, chính quyền địa phương, người hành nghề không tự giác thì cũng không phải lúc nào cũng phát hiện được sai phạm của các cơ sở. Bên cạnh đó, ở một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng nể nang lẫn nhau giữa đơn vị quản lý và cơ sở nên dẫn đến tình trạng cơ sở hành nghề biết sai mà vẫn không sửa”. Một nguyên nhân khác ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề quản lý hành nghề y, dược tư nhân là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, vai trò tham mưu của phòng y tế về công tác này ở các địa phương còn chưa thường xuyên, chưa quyết liệt.

Thiết nghĩ, để đưa hoạt động hành nghề y dược tư nhân đi vào nề nếp hơn trong thời gian tới, ngoài trách nhiệm của ngành Y tế, rất cần có sự vào cuộc tích cực của tất cả cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp đồng bộ, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề và hướng cho các cơ sở này tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân. Có như vậy mới giúp cho những hạn chế nêu trên sớm được khắc phục, đưa các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động đúng pháp luật, cùng với hệ thống y tế Nhà nước chăm lo sức khỏe nhân dân.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc