Multimedia Đọc Báo in

Những cuộc “hội ngộ”, nối kết đền ơn - đáp nghĩa

11:03, 27/07/2013

Được chứng kiến biết bao cuộc “hội ngộ”, tương phùng giữa người thân với các liệt sĩ chúng tôi cảm nhận được sự thiêng liêng, xúc động khó diễn đạt thành lời. Việc tìm được hài cốt liệt sĩ không chỉ mang lại niềm hạnh phúc cho những người thân của liệt sĩ mà còn là niềm vui lớn của những người làm công việc nghĩa tình, kết nối…

Nước mắt ngày “hội ngộ”

Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2013, một tin đáng mừng đã lan truyền khắp tỉnh khi 31 bộ hài cốt của các anh hùng liệt sĩ đã được tìm thấy ở Ea H’leo. Chiều ngày 1-1-2013 lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ đã diễn ra trang trọng với sự tham viếng của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành cùng hàng nghìn cán bộ, người dân trên địa bàn…

Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách - xã hội Việt Nam trong lễ truy điệu và an táng liệt sĩ tại Ea H'leo.
Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách - xã hội Việt Nam trong lễ truy điệu và an táng liệt sĩ tại Ea H'leo.

Lẫn trong rừng người ấy, cụ Nguyễn Văn Bút (82 tuổi) vẫn chưa hết xúc động, mặc dù đã theo đoàn quy tập suốt mấy ngày qua và tận mắt chứng kiến quá trình tìm mộ. Cụ Bút giấu mình vào một góc nghĩa trang để mặc cho những giọt nước mắt tràn trên khuôn mặt nhăn nheo. Không xúc động sao được khi trong số 31 hài cốt liệt sĩ cất bốc được lần này có 2 hài cốt xác định rõ danh tính mà 1 hài cốt chính là em trai cụ - liệt sĩ Nguyễn Văn Dùng. Cụ Bút kể trong nước mắt: “Em tôi nhập ngũ tháng 6-1968 khi tròn 18 tuổi, biền biệt đến ngày 20-11-1972 thì gia đình nhận được tin báo tử. Cha mẹ chúng tôi trước khi qua đời vẫn đau đáu một nỗi lòng đưa được hài cốt em trai về an táng tại quê nhà, nhưng sau bao năm trời tìm kiếm vẫn vô vọng, thậm chí không biết chính xác em tôi hy sinh ở tỉnh nào… Đến khi nhận tin báo của Đội công tác xã hội Ngân hàng Chính sách - Xã hội Việt Nam tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Dùng, chúng tôi vội vã vào Dak Lak trực tiếp tham gia quy tập hài cốt em cùng đồng đội, thật may mắn khi hài cốt của em tôi có đầy đủ thông tin tên, tuổi, quê quán và cả kỷ vật (chiếc bình tông đựng nước có khắc tên). Gia đình chúng tôi giờ đã mãn nguyện rồi, em tôi không còn phải nằm lạnh lẽo nữa mà được yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang)”.

Anh Trần Đời bên tấm bia mộ anh trai mình - liệt sĩ Trần Bề
Anh Trần Đời bên tấm bia mộ anh trai mình - liệt sĩ Trần Bề.

Anh Trần Đời ôm lấy tấm bia mộ có khắc đầy đủ thông tin của người anh trai mình - liệt sĩ Trần Bề mà vẫn bần thần chưa dám tin đây là sự thật. Bởi đã hơn 20 năm nay gia đình anh thay nhau đi khắp nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh vùng biên giới Campuchia với hy vọng mong manh tìm được mộ. Cũng có nhiều lần nhận được tin báo nhưng đều là những thông tin không chính xác. Giữa lúc vô vọng thì Tỉnh Đội Phú Yên báo tin tìm được mộ liệt sĩ Trần Bề và đề nghị gia đình cử người theo lên Dak Lak đón về an táng. Người cha là Trần Viết, 93 tuổi vui mừng đến lịm đi, cứ nằng nặc đòi trực tiếp lên đón con trai về. Gia đình thương cụ tuổi cao, sức yếu nên khuyên ở nhà và cắt cử 2 em trai của liệt sĩ đi. Khi nhìn thấy tấm bia mộ bằng xi măng khắc chìm dòng chữ: Liệt sĩ Trần Bề sinh năm 1958 tại xã An Ninh, huyện Xuân An, tỉnh Phú Khánh (nay là xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) -  hy sinh ngày 2-7-1978, cả 2 anh em của liệt sĩ đều ôm chầm òa khóc như gặp lại được chính anh trai mình. Liệt sĩ Trần Bề được Đội K51 tìm thấy ở khu rừng sâu thuộc tỉnh Muldulkiri (Campuchia) trong đợt tìm kiếm mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia mùa khô 2012-2013 và được quy tập về nước ngày 30-5-2013. Anh Trần Đời cứ lẩm bẩm rằng gia đình mình thật may mắn khi trong số 11 mộ liệt sĩ được quy tập đợt này, chỉ có mộ liệt sĩ Trần Bề đầy đủ thông tin. “Cha già, gia đình 9 anh em mình, bà con, chòm xóm và chính quyền, quân, dân trong xã, huyện đang nóng lòng chờ đón anh về yên nghỉ trong lòng quê hương anh ơi!”- anh Trần Đời cứ ôm lấy phần tiểu đựng hài cốt anh trai mà tâm sự…

Khó diễn tả hết những nỗi niềm xúc động khi thân nhân liệt sĩ tìm được hài cốt người thân của mình. Nhưng quả thật, phải may mắn lắm mới có thể tìm được đúng khi hầu hết các liệt sĩ đều đã hy sinh cách đây 30 năm và nằm sâu trong lòng đất, mà cảnh vật lại thay đổi nhiều, đồng đội hầu hết đã ra đi hoặc ốm yếu khó có thể đi tìm. Tỷ lệ hài cốt xác định được danh tính qua những lần quy tập mộ chỉ đạt khoảng 5% đến 10%. Chính vì vậy, tìm được một bộ hài cốt dù có hay không rõ danh tính đều là điều may mắn, hy vọng không chỉ với những thân nhân liệt sĩ mà còn là niềm vui vô bờ của những người đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Những người làm công việc kết nối nghĩa tình

Thật cảm phục khi tận mắt chứng kiến những nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội tay cuốc tay xẻng, ướt đẫm mồ hôi vẫn reo lên hạnh phúc mỗi lần tìm được di cốt, di vật của liệt sĩ như tìm được chính người thân của họ vậy. Ngoài việc cử người trực tiếp tham gia khai quật, quy tập, đơn vị còn đứng ra lo liệu từ khâu thông tin đến tổ chức đưa các liệt sĩ trở về.Đây cũng là một trong những hoạt động xã hội đầy ý nghĩa của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cuộc tìm kiếm đầu tiên được tổ chức cuối năm 2012 tại xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) đã thành công với 31 bộ hài cốt liệt sĩ được tìm thấy. Điều đó đã tạo thêm động lực cho đoàn công tác mở những đợt tìm kiếm tiếp theo như đợt 2 ngày  21-2-2013 tại Bình Phước tìm được 15 hài cốt liệt sĩ; ngày 9-3-2013 quy tập được 42 hài cốt tại Ea H’leo (trong đó có 16 hài cốt xác định được danh tính).

Thấu hiểu nỗi niềm của những thân nhân liệt sĩ khi chưa tìm được hài cốt các thành viên Đội K51 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), đã trải qua biết bao gian khổ, trèo đèo, lội suối, băng rừng, đào bới hàng trăm mét hào, hàng nghìn khối đất đá, lần theo những dấu vết dù là nhỏ nhất để tìm kiếm mộ liệt sĩ. Suốt 7 tháng trời mùa khô, các anh xem rừng là nhà, có những đợt tìm kiếm kéo dài cả tuần, lương thực, thực phẩm, nước uống cạn kiệt, cả Đội lại ăn rau rừng, bắt cá, uống nước suối… Nhưng khó khăn lớn nhất của Đội là nguồn tin ngày càng hiếm, nhiều dấu vết phai mờ theo thời gian hoặc do rừng đã bị phá để làm rẫy, trồng cao su. Vì vậy khi tìm được một hài cốt liệt sĩ hay chỉ còn lại các di vật như lọ penicillin đựng các thông tin về liệt sĩ, bình tông đựng nước, cái lược, đôi dép cao su, bàn chải đánh răng… anh em cũng vui mừng, nhiều người bật khóc...

Đội K51 được thành lập ngày 27-12-2000, đến nay trải qua 12 mùa khô, Đội đã tìm kiếm, quy tập, hồi hương được 582 bộ hài cốt, riêng mùa khô 2012-2013, Đội đã quy tập được 11 hài cốt liệt sĩ. Hơn 12 năm tìm kiếm, cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ trong lòng đất Mẹ, cán bộ, chiến sĩ Đội K51 đã chứng kiến biết bao niềm hạnh phúc trào dâng khi nhiều gia đình tìm được hài cốt người thân, nhưng vẫn day dứt, canh cánh trong lòng bởi còn không ít đồng đội mình đang nằm lại nơi đất bạn. Để rồi vào mỗi mùa khô, các anh lại tiếp tục lên đường, thực hiện hành trình đưa những người con thân yêu về với đất Mẹ...

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc