Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ từ mùa dịch

10:04, 27/03/2014
Như đã trở thành quy luật, cứ dịch bệnh là người chăn nuôi điêu đứng khi sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn. Thực tế này đã đặt ra vấn đề: cần có cái nhìn biện chứng, toàn diện hơn trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân…

Suốt từ khi có thông tin về dịch cúm gia cầm đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Cậy ở thôn 1, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar lại luôn phải lo toan việc tìm đầu ra cho sản phẩm của 500 con gà CP siêu trứng. Bình thường giá trứng dao động từ 18 đến 20 nghìn đồng, mỗi ngày trang trại nho nhỏ của bà cũng cho thu nhập trung bình 300 nghìn đồng, chẳng phải lo vận chuyển vì các mối đến tận trại gà lấy hàng. Nhưng từ khi có thông tin dịch cúm, giá trứng giảm nhanh chóng mà cũng khó bán. Bà Cậy cho hay, những bạn hàng thân quen, biết gia đình bà từ trước đến giờ tiêm phòng cho đàn gà đầy đủ, đều đặn  nên cũng tin tưởng và vẫn tiếp tục đặt hàng, dù số lượng không thể được như trước. Bà Cậy phải cất công tự mình đi tiêu thụ, bỏ mối hoặc bán lẻ khi ai có nhu cầu, với giá 15 nghìn đồng/chục trứng để lấy công bù lỗ, chứ nếu tư thương vào lấy tận trại thì chỉ được 13 nghìn đồng/chục. Vất vả với cách làm này, nhưng mỗi ngày thu nhập từ việc bán trứng của gia đình bà cũng chỉ bằng 1/3 so với trước đây. “Mình mới chăn nuôi quy mô nhỏ như thế này mà đã chạy ngược chạy xuôi trong mùa dịch, gia đình nào chăn nuôi lớn thì khỏi phải nói, như nằm đống lửa, như ngồi đống than, đang giai đoạn đầu tư cho thu hoạch, bỏ chuồng không được mà nuôi thì lỗ, nhất là giá thức ăn từ trước đến giờ hầu như chỉ tăng, chẳng mấy khi giảm, hoặc có giảm cũng không đáng kể”, bà Cậy than thở.
 
Khi dịch cúm gia cầm xảy ra là người chăn nuôi lại lao đao  khi sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.
Khi dịch cúm gia cầm xảy ra là người chăn nuôi lại lao đao khi sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.

 Ấy là với người chăn nuôi, còn những người làm nghề buôn bán các sản phẩm gia cầm cũng chịu ảnh hưởng. Ở chợ Tân Phong, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, con số những tiểu thương bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không nhiều. Gần như “một mình một chợ” với việc buôn bán loại hàng này nhưng chị Nguyễn Thị Thúy cũng không thể bán được. Mặc dù chị cam đoan bảo đảm lấy hàng đúng nguồn gốc, bảo đảm đã kiểm dịch nhưng ngay cả những khách hàng quen cũng không mấy mặn mà với lý do “đang dịch cúm gia cầm, ăn món khác cho khỏi băn khoăn”. Vậy là gần một tháng nay chị Thúy phải chuyển sang bán tôm, cá. Chị Thúy than thở: “Tạm thời chuyển sang bán tôm, cá để có thu nhập và khách hàng không quên mình thôi chứ thực tình bán hàng nào cũng quen hàng ấy, cạnh tranh sao nổi những tiểu thương buôn bán lâu năm mặt hàng này!”.

Thực tế, đây không phải là mùa dịch đầu tiên diễn ra tình trạng khó tiêu thụ các sản phẩm gia cầm dù những sản phẩm ấy tuân thủ các quy định trong chăn nuôi, vận chuyển, tiêu thụ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Câu chuyện này lặp đi lặp lại và dường như đã trở thành quy luật mang tính tác động kép của dịch. Theo đó không chỉ những người chăn nuôi có gia cầm phải tiêu hủy bị thiệt hại, thị trường gia cầm “lạnh giá” cũng khiến nhiều hộ dù may mắn có gia cầm không mắc bệnh cũng điêu đứng không kém khi khó xuất bán và cũng thật khó để thống kê thiệt hại ở những đối tượng này. Không ít chủ gia trại nóng lòng khi mỗi ngày bị lỗ tiền triệu đã suy nghĩ cực đoan đến mức, gia cầm mắc bệnh, chết, phải tiêu hủy có khi còn được hỗ trợ, cứ dở dở ương ương bán không được, nuôi thì lỗ mới gay.

Cũng từ mùa dịch, nhiều vấn đề được đặt ra và lộ rõ. Đó là tâm lý chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ của người chăn nuôi khi thiếu các biện pháp chủ động phòng chống dịch trong quá trình chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tuân thủ việc tiêm vắc-xin, lơ là trong khâu tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại cho gia cầm… Rất nhiều mùa dịch đã xảy ra nhưng dường như vẫn chưa đủ “cảnh tỉnh”, chỉ đến khi gia cầm mắc bệnh, người chăn nuôi mới tiếc hùi hụi. Thêm nữa, một câu chuyện khác cũng cần được nghiêm túc đưa ra không chỉ đối với dịch cúm gia cầm mà cả dịch lở mồm long móng trên gia súc, ấy là khi dịch bùng phát, có lẽ cũng nên có những góc nhìn đa chiều hơn trong công tác tuyên truyền. Tâm lý thông thường khi dịch xuất hiện, tất cả chỉ nhìn về một hướng, làm sao để ngăn ngừa dịch bùng phát bằng mọi cách. Nhưng rõ ràng thực tế đã lên tiếng: Ứng phó với dịch bệnh là cả một quá trình, phòng đi đôi với chống, phòng để sản xuất, sản xuất phải phòng bệnh. Điều ấy có nghĩa, không chỉ tuyên truyền tập trung mà tuyên truyền dài hơi, tuyên truyền có diện có điểm, tuyên truyền để người sản xuất và người tiêu dùng có cái nhìn đúng đắn về đề phòng dịch bệnh, không suy nghĩ cực đoan, khiến “thượng đế” quay lưng với sản phẩm an toàn, người chăn nuôi “khóc ròng”, còn tư thương thì lại có cơ hội ép giá.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.