Multimedia Đọc Báo in

Bằng cấp và câu chuyện việc làm (kỳ cuối)

08:54, 18/06/2014

Kỳ cuối: Để rộng mở cánh cửa việc làm

Để giải quyết vấn đề việc làm, nhất là tránh tình trạng càng học cao càng khó xin việc đã và đang diễn ra hiện nay, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh việc cần thiết đổi mới căn bản về đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho học sinh - sinh viên, còn cần cả sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cũng như bản thân mỗi người lao động...

Đào tạo gắn với thực tiễn

Theo ông Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo sản phẩm đào tạo, học sinh - sinh viên có chất lượng cao thì cần thiết phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý các cấp, cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng người lao động. Hiện Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak có mối quan hệ với hơn 50 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm phối hợp tổ chức các hoạt động thực hành, thực tập sản xuất, tạo điều kiện để học sinh - sinh viên rèn luyện tay nghề và liên hệ việc làm khi ra trường. Và thực tế cho thấy, phần lớn học sinh - sinh viên được thực tập ở các đơn vị, doanh nghiệp đều đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng, tỷ lệ học sinh-sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường chiếm 60-70%. Ông Cương đề xuất: trong quá trình đào tạo nghề nên áp dụng linh hoạt 2 mô hình: đào tạo theo tuần tự đồng thời với đào tạo song hành (đào tạo tích hợp – giảng dạy tích hợp). Các nội dung liên quan đến hoạt động thực tập thì ở giai đoạn cuối của quá trình đào tạo đưa học sinh - sinh viên đi thực tế làm quen với môi trường của doanh nghiệp hoặc mời chuyên gia báo cáo ngay sau kết thúc modun nghề để ôn luyện, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu của sản xuất để chuẩn bị cho việc thi tốt nghiệp.

Với quan điểm tạo sự gắn kết giữa các nhà (Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp), trong quá trình đào tạo nghề các trường nên thực hiện phương châm: không chỉ đào tạo nghề trường có mà trên cơ sở dự báo chính xác để điều chỉnh hợp lý, đúng quy định đào tạo nghề mà doanh nghiệp và xã hội đang cần. Bên cạnh việc tiếp nhận học sinh – sinh viên thực tập, đóng góp ý kiến, thông tin kịp thời về quá trình đào tạo nghề của nhà trường thì các doanh nghiệp cũng cần chủ động ký kết hợp đồng đào tạo, hợp đồng dịch vụ kỹ thuật, tuyển dụng tuyển sinh học nghề. Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng hệ thống dự báo thông tin về doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu trình độ và chất lượng đào tạo, tổng hợp nhu cầu nguồn nhân lực ngành/nghề trên địa bàn…

Rất đông sinh viên đến tham gia một buổi hội thảo tư vấn - giới thiệu việc làm  do Ngân hàng HDbank tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên.
Rất đông sinh viên đến tham gia một buổi hội thảo tư vấn - giới thiệu việc làm do Ngân hàng HDbank tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên.

Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nên đưa vào chương trình học chính khóa chuyên đề “kỹ năng xã hội cơ bản trong học tập” để học sinh - sinh viên có thể xin việc làm, tự tạo việc làm hoặc xác định xem có cần học lên cao nữa không. Các trường cần lồng ghép chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm vào giờ sinh hoạt chủ nhiệm hoặc trong chào cờ, sinh hoạt khoa; mời doanh nghiệp đến trường trực tiếp tư vấn, tuyển dụng lao động tại trường; khảo sát tình hình việc làm của học sinh - sinh viên đã ra trường để đánh giá, điều chỉnh chất lượng đào tạo đồng thời đây cũng là một kênh để tiếp tục giới thiệu việc làm cho những em chưa tìm được việc. Ông Y Trou Alêô, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cũng cho rằng, cần những dự báo, tính toán xa hơn nữa trong đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, theo hướng gắn với thực tiễn, nhu cầu xã hội, làm sao để biết được rằng xã hội cần lao động trong lĩnh vực chuyên môn nào để đào tạo nhân lực cho lĩnh vực đó.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Đào tạo (Trường Đại học Tây Nguyên): Để khắc phục tình trạng “lý thuyết nhiều hơn thực hành”, từ năm 2009 đến nay nhà trường đã chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ; và từ năm học 2012-2013 nhà trường đã tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng đào tạo từng ngành để có sự điều chỉnh chương trình theo hướng sát với thực tiễn, tăng học phần thực hành đồng thời yêu cầu các khoa, ngành chú trọng về đào tạo những kỹ năng mềm cho sinh viên. Đồng thời, nhà trường cũng chú trọng gắn kết và phối hợp chặt chẽ hơn các cơ quan, đơn vị có nhu cầu về nhân lực; chẳng hạn từ năm 2009 đến nay, Trường Đại học Tây Nguyên đã tổ chức đào tạo nhân lực ngành Y theo địa chỉ sử dụng cho các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên với số lượng 40-50 sinh viên mỗi năm.

Nỗ lực từ chính người lao động

Yếu kém về ngoại ngữ, tin học và thiếu những kỹ năng mềm như: giao tiếp, xử lý tình huống, quản lý công việc và thời gian, kỹ năng làm việc nhóm… là điểm yếu của rất nhiều cử nhân hiện nay. Trong khi đó, bên cạnh khả năng chuyên môn thì đây lại là những yêu cầu quan trọng hàng đầu của các nhà tuyển dụng đối với các ứng viên.

Ông Phan Ngọc Diễn, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần HDbank chi nhánh Dak Lak cho biết: Là một nhà tuyển dụng, HDbank luôn đánh giá cao và dành cơ hội cho những sinh viên tự tin, nhiệt huyết, mạnh dạn thể hiện năng lực của mình với những kỹ năng linh hoạt, chủ động dù họ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.

Dạy lắp đặt mạch điện tử - tin học tại Trường Cao đẳng nghề Dak Lak.
Dạy lắp đặt mạch điện tử - tin học tại Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak.

Để tìm kiếm những ứng viên như vậy, trong những năm qua HDbank thường phối hợp với các trường đại học, các địa phương tổ chức hội thảo tư vấn việc làm. Qua đó, đơn vị có dịp trao đổi – cũng là một kênh để phỏng vấn, đánh giá năng lực của sinh viên; sau khi trúng tuyển, hầu hết ứng viên đều được đưa đi đào tạo để bắt nhịp ngay với công việc. Trong các cuộc hội thảo như vậy, đại diện ngân hàng cũng tư vấn một số kỹ năng trong khi tìm việc cho sinh viên bởi đây đều là những kỹ năng còn thiếu và yếu ở hầu hết các tân cử nhân.

Để làm tốt công tác chắp nối cung cầu lao động, trong điều kiện phần lớn người tìm việc làm là sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm làm việc, thiếu kỹ năng làm việc, khả năng chuyên môn khó đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng, Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak cũng phải nỗ lực rất nhiều để tư vấn, giới thiệu việc làm. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Phòng Giới thiệu việc làm (Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak) cho biết: Trong các phiên giao dịch việc làm (tổ chức định kỳ vào ngày 15 hằng tháng và các phiên lưu động tại các địa phương trong tỉnh), Trung tâm không chỉ làm vai trò trung gian giới thiệu nhà tuyển dụng với người lao động mà còn làm thêm việc tư vấn về các kỹ năng cần có khi xin việc cũng như cung cấp cụ thể thông tin về đơn vị tuyển dụng cho người lao động nhằm giúp họ tăng thêm cơ hội được tuyển dụng.

Tuy nhiên, nỗ lực từ phía nhà trường, các cơ quan quản lý chưa đủ nếu không có sự nỗ lực rất lớn từ bản thân người lao động. Thực tế việc rơi vào tình trạng thất nghiệp có một phần nguyên nhân từ chính bản thân người lao động. Từng có ý kiến thẳng thắn cho rằng: các cử nhân thất nghiệp đừng chỉ đổ lỗi cho đào tạo mà nên xem lại chính bản thân mình để thấy nguyên nhân lớn nhất không thể tìm được công việc là từ đâu. Trường đại học là môi trường tốt để sinh viên rèn luyện và trau dồi kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống, quản lý công việc và thời gian... thông qua các hoạt động Đoàn, Hội, công tác tình nguyện... Nhưng thay vì tham gia các hoạt động bổ ích này, không ít sinh viên lại dành thời gian rảnh rỗi cho những cuộc vui chơi vô bổ mà tốn kém.

Lê Thị Ánh Tuyết, một cử nhân tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng của Trường Đại học Tây Nguyên năm 2013 đã tìm được việc làm với vai trò là chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng HDbank ngay sau khi tốt nghiệp nhờ có nhiều kỹ năng tốt. Ông Phan Ngọc Diễn, Giám đốc HDbank chi nhánh Dak Lak nhận xét: Tuyết được nhận làm việc không chỉ vì có khả năng chuyên môn mà còn bởi sự linh hoạt, chủ động, tự tin khi tìm việc. Tuyết không chỉ nắm bắt thông tin qua thông báo tuyển dụng mà còn chủ động trực tiếp đến gặp ban lãnh đạo ngân hàng hỏi rõ về yêu cầu vị trí công việc. Cô cũng đã thể hiện rất xuất sắc khi được phỏng vấn trực tiếp. Tuyết bộc bạch: “Cơ hội việc làm phụ thuộc rất lớn vào mỗi bạn sinh viên. Các bạn phải tự tin vào chính bản thân mình, không nên dựa dẫm vào người khác nhất là qua sự quen biết. Thành công hay không không chỉ do may mắn mà còn do luyện tập kỹ năng mềm, mạnh dạn và chủ động trong học hỏi”.

Đàm Thuần – Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc