Multimedia Đọc Báo in

Bằng cấp và câu chuyện việc làm (Kỳ II)

14:31, 17/06/2014

Kỳ II: Nghịch lý “thừa - thiếu” trong đào tạo*

Có nhiều lý do khiến tình trạng “ùn ứ” sinh viên ra trường khó kiếm được việc làm, trong đó bất cập trong công tác đào tạo là một trong những nguyên nhân chính…

Thừa “thầy” thiếu “thợ”

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Phòng Giới thiệu việc làm (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh) cho biết: Đánh giá cung – cầu lao động trong những năm gần đây cho thấy có sự chênh lệch khá lớn trong cung-cầu lao động về trình độ đào tạo và ngành nghề. Các vị trí việc làm liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ nghề, lao động có tay nghề có nhu cầu rất lớn mà nguồn cung không đủ đáp ứng; trong khi đó, rất nhiều người tốt nghiệp đại học, cao đẳng muốn tìm kiếm việc làm mà nhu cầu tuyển dụng lại rất ít. Số liệu về việc tiếp nhận hồ sơ tìm việc của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng thể hiện rõ điều này. Trong quý I năm nay, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tăng 13,28% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó đại học 242 hồ sơ, cao đẳng 181 hồ sơ, trung cấp 113 hồ sơ, trong khi bằng nghề chỉ có 42 hồ sơ, lao động phổ thông 96 hồ sơ. Riêng số lượng hồ sơ ứng viên nộp tại Trung tâm có trình độ đại học so với cùng kỳ tăng gần 14%. Còn về nhu cầu tuyển dụng, trong quý I vừa qua, có 236 đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình đăng ký tuyển dụng với tổng nhu cầu tuyển là 1.875 vị trí, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2013 và chủ yếu ở những nhóm ngành nghề như nhân viên dịch vụ cá nhân, lao động đơn giản, chuyên môn kỹ thuật bậc trung… Trong đó, chỉ có 51 nhu cầu tuyển dụng đối với các công việc liên quan đến trình độ đại học; 80 nhu cầu tuyển dụng người lao động có trình độ cao đẳng. Ngược lại, nhu cầu tuyển dụng lao động có bằng nghề/tay nghề là 90 mà số ứng viên chỉ có 42. Cũng theo đánh giá của Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak, chênh lệch cung cầu lao động ở một số ngành khá cao. Đơn cử như ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin…, người tìm việc vượt so với nhu cầu tuyển dụng ở mức trên 30%, thậm chí là trên 60% đối với ngành Kế toán. Trong khi đó, các nghề cơ khí, hàn… nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng các đơn vị, doanh nghiệp không thể tuyển dụng đủ người mặc dù không yêu cầu quá cao về tay nghề và trình độ.

Với tâm lý “chuộng đại học”, các kỳ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng hằng năm đều thu hút rất đông sĩ tử tham gia. (Trong ảnh: thí sinh dự thi vào Trường Đại học Tây Nguyên trong kỳ tuyển sinh năm 2013.)
Với tâm lý “chuộng đại học”, các kỳ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng hằng năm đều thu hút rất đông sĩ tử tham gia. (Trong ảnh: Thí sinh dự thi vào Trường Đại học Tây Nguyên trong kỳ tuyển sinh năm 2013.)

Đánh giá trên đồng thời cũng phản ánh rõ nét một nghịch lý trong đào tạo hiện nay là thừa “thầy”, thiếu “thợ”. Tâm lý “trọng đại học, coi thường trường nghề” ở đa số các gia đình hiện nay khiến các tú tài sau khi tốt nghiệp THPT đổ xô đăng ký thi vào đại học, bất kể năng lực có phù hợp hay không. Đáp ứng nhu cầu ấy là việc “nở rộ” các trường đại học, cao đẳng cũng như mở thêm nhiều ngành đào tạo ở các trường bất chấp thực tế, nhu cầu của thị trường, xã hội. Nhiều người cho rằng việc ra đời quá nhiều trường đại học là căn nguyên của việc cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều. Tình trạng học đại học, cao đẳng tới mức “đại trà” như bây giờ khiến chất lượng, kết quả đào tạo một số trường không bảo đảm là tất yếu. Nhà trường cũng gần như trở thành đơn vị kinh doanh về giáo dục nên có nhu cầu thì họ tuyển sinh, còn vấn đề “đầu ra” sau khi sinh viên tốt nghiệp chắc chắn chẳng trường nào coi đó là trách nhiệm của riêng mình, mà cho rằng đó là việc của sinh viên và gia đình, là “vấn đề xã hội”.

Tỷ lệ thí sinh đăng ký thi đại học, cao đẳng ngày càng tăng đồng nghĩa với việc giải quyết bài toán việc làm đặt ra cho các nhà quản lý
Tỷ lệ thí sinh đăng ký thi đại học, cao đẳng ngày càng tăng đồng nghĩa với việc giải quyết bài toán việc làm đặt ra cho các nhà quản lý

Dak Lak hiện có 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp, 24 trung tâm dạy nghề và 16 cơ sở có dạy nghề khác. Tuy nhiên hầu hết các cơ sở dạy nghề đều chưa thu hút được học sinh, chưa đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh; tình trạng học sinh bỏ học nghề cũng còn khá phổ biến. Trong khi đó, các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, nới rộng công tác xét tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 nên càng tạo tâm lý cho học sinh thích học đại học, cao đẳng hơn học nghề.

 Thừa lý thuyết, thiếu thực hành

Theo nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động, điểm yếu của nhiều cử nhân hiện nay là “thừa lý thuyết, thiếu thực hành”. Một nhà tuyển dụng nhận xét: Các kỹ năng làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp với khách hàng, với lãnh đạo, báo cáo của các tân cử nhân đều có vấn đề. Không ít cử nhân có khả năng lướt web rất nhanh nhưng trình bày bản chuẩn trên Word, Excel thì lại không làm được. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), có tới 26,2% cử nhân được khảo sát chưa hoặc không tìm được việc làm. Trong số này, có tới 58,2% không biết xin việc ở đâu, 42% còn lại cho hay bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được yêu cầu. Ngay cả những cử nhân đã đi làm cũng gặp không ít thách thức, khi 61% nói mình thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm và có tới 32% thiếu kiến thức chuyên môn. Còn theo đánh giá của Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak, không ít người lao động khi được giới thiệu phỏng vấn xin việc chưa đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm của nhà tuyển dụng về năng lực, kỹ năng mềm... Bên cạnh đó, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động đều phải đào tạo lại thì người lao động mới đảm nhiệm được công việc được giao.

Đại diện một số trường đại học, cao đẳng và trường nghề cũng thừa nhận tình trạng “thừa lý thuyết, thiếu thực hành” đã và đang tồn tại trong thực tế đào tạo hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: Qua khảo sát tình hình việc làm của sinh viên nhà trường sau tốt nghiệp, một số đơn vị có tuyển dụng có phản hồi rằng không ít cử nhân còn thiếu một số kỹ năng và cần phải đào tạo lại thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Tại Hội thảo “Việc làm, xuất khẩu lao động và dạy nghề” được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Thạc sĩ Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak cũng thừa nhận: chất lượng đào tạo dạy nghề của nhà trường còn những hạn chế cần khắc phục như: hoạt động thực hành, thực tập còn ít; học sinh-sinh viên mới chỉ đáp ứng phần nào kỹ năng về nghề và thiếu kỹ năng làm việc độc lập, giao tiếp cộng đồng, khả năng chịu áp lực công việc, ý thức kỷ luật cũng như tác phong công nghiệp. Ông Cương cho rằng: Nghịch lý “thừa lý thuyết – thiếu thực hành” có nguyên nhân từ việc thiếu sự liên kết hoặc phối hợp chưa chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo và đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động. Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý dạy nghề (Nhà nước) với cơ sở đào tạo dạy nghề (nhà trường) và cơ sở tuyển dụng (nhà doanh nghiệp) được quy định trong văn bản pháp luật song trong thực tiễn sự gắn kết chưa đầy đủ và mới chỉ thể hiện ở hình thức tổ chức thực tập tại doanh nghiệp.

Dạy sửa chữa động cơ ô tô tạiTrtường Cao đẳng nghề Dak Lak.
Dạy sửa chữa động cơ ô tô tạiTrtường Cao đẳng nghề Dak Lak.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak và các cơ sở dạy nghề khác trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đào tạo dạy nghề theo quá trình gồm 2 giai đoạn: học lý thuyết và thực hành cơ bản tất cả các modun nghề tại trường; thực hành sản xuất, thực tập tốt nghiệp theo từng công việc và thực hành tốt nghiệp được thực hiện tại cơ sở sản xuất trong một thời gian nhất định (4-6 tuần). Mô hình đào tạo này có ưu điểm là đơn giản trong việc tổ chức quá trình đào tạo kết hợp và tận dụng được ưu thế của các bên. Tuy nhiên, ông Cương cũng thẳng thắn cho rằng nhược điểm của nó là học lý thuyết và thực hành cũng như thực hành cơ bản và thực hành sản xuất diễn ra không cùng một thời gian nên việc nối tiếp giữa lý thuyết và thực hành, giữa thực hành cơ bản và thực hành sản xuất bị gián đoạn. Điều đó dẫn đến việc học sinh, sinh viên dễ quên kiến thức và người hướng dẫn phải nhắc lại, làm cho thời gian thực hành thí nghiệm bị ít đi, ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo nghề.

Trên thực tế, nhiều sinh viên ra trường đi làm đã tự chiêm nghiệm và nhận thấy có một phần không nhỏ những kiến thức học trên ghế nhà trường chưa và không vận dụng, không phát huy được hiệu quả trong làm việc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng chỉ cần đưa lao động đi đào tạo, tập huấn một khóa khoảng 3-6 tháng là các ứng viên đã có thể tiếp cận và làm được việc.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận có trách nhiệm của Bộ trong việc để số lượng lớn cử nhân thất nghiệp. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đưa ra nhiều nguyên nhân để lý giải cho tình trạng này như trong một thời gian dài, giáo dục đại học chỉ chú trọng quy mô số lượng chưa chú ý đến đảm bảo chất lượng, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi cử xuất phát từ khả năng hiện có của các nhà trường và chưa chú ý đáp ứng nhu cầu xã hội, quy định mở trường còn thiếu quy định chặt chẽ, các chương trình đào tạo chưa theo kịp chương trình tiên tiến của thế giới; các trường đại học chưa chú trọng kỹ năng mềm, ngoại ngữ, hoạt động xã hội…

(còn nữa)

Đàm Thuần – Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc