Cho con!
Cảm ơn ba má đã sinh con ra trên cuộc đời, cho con vóc dáng, sức khỏe, tri thức và một gia đình êm ấm. Có những lúc con thầm trách ba má không công bằng, thiên vị, nhưng giờ đây khi đã có một tổ ấm riêng, trở thành vợ, là mẹ, con mới thấu hiểu nỗi lòng của đấng sinh thành.
Nhà nghèo, đông con, nên anh em chúng tôi không được ba má chăm bẵm như những đứa trẻ cùng trang lứa. Nhìn con hàng xóm cuối tuần xúng xính quần áo mới, được ba má đưa đi chơi ở công viên, đi ăn kem tôi thầm ước ao và ghen tị. Ngày tổng kết năm học, với thành tích học tập giỏi các bạn trong lớp hồ hởi khoe: Hè này tao được đi Đà Lạt, tao đi Nha Trang, còn tao được về quê ngoại ở Đà Nẵng… Đưa mắt nhìn tờ giấy khen của mình, tôi lặng lẽ ôm phần thưởng được tặng về nhà cất lên kệ sách. Ba má đầu tắt mặt tối với công việc, không có thời gian để xem giấy khen của tôi cũng như các anh, chị em khác. Mùa hè trôi qua thật nhanh với nhiều công việc không tên của con nhà nông, tôi quên béng chuyện được ba mẹ thưởng một chuyến đi du lịch như các bạn. Ngày tựu trường, bạn nào cũng “diện” quần áo mới và tôi-cũng có một bộ đồng phục mới do chính tay mẹ vừa chỉnh sửa từ quần áo cũ của chị gái. Tiết sinh hoạt đầu tuần, cô giáo chủ nhiệm đề nghị kể về kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày hè. Đến lượt tôi, đứng lên thật lâu vẫn không kể được. Thấy tôi ấp úng, cô giáo hỏi: “vậy suốt ba tháng hè em làm gì?” Tôi lí nhí đáp: “Thưa cô… em đi rẫy ạ!” Cả lớp cười ồ. Nhiều giọng nói vang lên: vậy mà cũng kể! Hai má tôi nóng bừng. Hiểu nỗi lòng của cô học trò đến từ phường vùng ven thành phố, cô giáo mời tôi ngồi xuống.
Cả ngày hôm ấy tôi trốn vào phòng khóc. Tối mịt má đi làm đồng về ngỡ tôi ốm vội vàng vào phòng, đưa tay rờ trán xem có sốt không? Tôi hất tay má ra, giọng dấm dẳn: “Tại ba má không cho con đi chơi trong dịp hè nên chẳng có chuyện gì để kể cho các bạn nghe nên bị chúng nó cười”. Chưa thỏa cơn ấm ức, tôi tiếp: “Lúc nào cũng đi làm, đi làm…” Má khẽ khàng”: “Dậy mau! Đi rửa mặt ăn tối rồi học bài nữa. Muốn ốm để phải uống thuốc à? Nhìn dáng má tất tả đi xuống bếp lo bữa tối cho cả nhà, tôi hối hận thật sự. Cuối cùng ước mơ của tôi cũng thành hiện thực, khi biết kết quả thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Buôn Ma Thuột, má cho tôi về quê ngoại ở Phú Yên chơi. Lần đầu tiên được đi xa, lại được về miền biển hằng ao ước, tôi vui ra mặt. Lâu nay, tôi chỉ được ngắm biển qua tranh ảnh, họa hoằn lắm mới được thấy biển qua ti vi; lần này được đi dọc bờ biển, đưa tay vốc nước biển, cát biển, thích nhất là bắt những chú còng biển còn ngái ngủ bỏ vào vỏ quả dừa đem về nhà nuôi. Không như năm học trước, lần gặp mặt đầu năm học, tôi tíu tít kể cho các bạn về kỳ nghỉ hè vừa rồi và không quên khoe: sang năm tớ sẽ xin má đi tiếp!
Các gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu trong tỉnh tham gia Chương trình giao lưu Mái ấm yêu thương. |
Ngày tôi đỗ đại học, ba má khóc thật nhiều. “Giữa 2 trường con nên học ở Đà Lạt cho có chị có em. Một thân một mình vào Sài Gòn thì biết làm sao?”. Giấu vào lòng nỗi buồn và ước mơ trở thành nữ luật sư, tôi biết ba má cũng rất khó khăn khi đưa ra quyết định này bởi điều kiện kinh tế gia đình không đủ để cùng lúc nuôi hai con gái học đại học. Hôm tiễn tôi đi học, má xoa đầu dặn dò: “Xa nhà, hai chị em phải chăm sóc, bảo ban nhau học hành!”. Nhìn mắt má rơm rớm, lòng tôi chùng xuống”…
Sinh ra ở miền Tây sông nước, chất Nam bộ ăn sâu vào máu thịt của ba tôi dù đã rời xa quê mấy chục năm. Ba có một tâm niệm thích các con quây quần bên mình dù các con đã có tổ ấm riêng. Ba nói: “Các con cứ lo công việc của mình, khi nào rảnh thì lên ăn cơm với ba cho vui. Không sợ thiếu gạo!”. Không mạnh mẽ, quyết đoán như má, nhưng ba lúc nào cũng tiếu lâm, hay kể những mẩu chuyện cười trong mỗi bữa ăn. Đôi lúc câu chuyện của mấy anh chị em hơi “căng thẳng” thì ba luôn là người chủ động giải hòa, vì vậy không khí gia đình luôn đầm ấm, yêu thương. Không ít hàng xóm khi đến nhà chơi tấm tắc khen và thèm muốn có được không khí vui vẻ ấy.
Cũng như nhiều bậc phụ huynh, tôi lo lắng, tất bật làm việc để lo cho con cái học hành, không thua kém bạn bè về vật chất. Ngoài giờ lên lớp, tôi sắp đặt cho con một thời khóa biểu dày đặc với đủ các môn phụ khác. Thấy vậy, ba má bảo: “Phải thuận theo tự nhiên. Thiên tính của trẻ con thích vui chơi, vì vậy đừng bắt trẻ dung nạp quá nhiều thứ, lợi bất cập hại”. Hiểu ý ba má, tôi đã điều chỉnh cách dạy dỗ con cái, cố gắng vun vén hạnh phúc gia đình để các con cũng có được tổ ấm yêu thương như ba má đã dành cho anh em chúng tôi.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc