Multimedia Đọc Báo in

Tâm tình chiến sĩ qua những cánh thư tay

20:10, 29/11/2014

Trong thời buổi hiện đại, khi liên lạc với nhau người ta thường dùng điện thoại, mạng xã hội E-mail, Yahoo, Facebook…, vì vậy mà việc viết thư tay trở nên xa lạ với rất nhiều bạn trẻ. Thế nhưng, với các chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 8 (Trung đoàn Bộ binh 95, Sư đoàn Bộ binh 2) thì thư tay chính là nhịp cầu nối liền yêu thương giữa hậu phương và người lính trẻ…

Chỉ cần có thời gian rảnh rỗi là Binh nhì Châu Anh Huy, Trung đội 5 (Đại đội 6) lại ngồi viết thư cho bố mẹ, người thân. Huy là con trai út trong gia đình có 3 anh em, nên cả nhà thường rất cưng chiều. Mặc dù, nhà ở tận huyện Đăk Hà (tỉnh Gia Lai), nhưng gần 2 tháng nhập ngũ, mẹ Huy đã lặn lội đường xa lên thăm út cưng 3 lần. Huy tâm sự: “Gặp bạn bè, em huyên thuyên đủ thứ chuyện, nhưng khi ở gần gia đình, em thực sự chẳng biết nói như thế nào, đặc biệt là những lời quan tâm, động viên bố mẹ giữ gìn sức khỏe, em cứ ấm ớ mãi mà chẳng thể thốt lên được. Vừa rồi mẹ lên thăm, em chẳng nói được gì nhiều, vì vậy em gửi vội lá thư tay chưa kịp ráo mực cho mẹ. May mắn là mẹ hiểu mọi cảm xúc, suy nghĩ. Mẹ động viên em nhiều, còn khen em đã mạnh dạn hơn trước”… Lúc mẹ về, Huy lại chuyển những cánh thư tay đậm sâu tình cảm để gửi mẹ, gia đình thay cho lời muốn nói mà không thể cất lời…
 Binh nhì Đặng Ngọc Thành  vui mừng khi nhận thư hồi âm từ bạn gái.
Binh nhì Đặng Ngọc Thành vui mừng khi nhận thư hồi âm từ bạn gái.

Với Binh nhì Phạm Văn Nhất, Trung đội 2 (Đại đội 5) ngày cuối tuần là lúc anh tranh thủ hồi âm cho bạn gái đang học năm 4, Trường Đại học Y Huế. Sau khi tốt nghiệp ngành Xây dựng Dân dụng Công nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, chàng kỹ sư trẻ liền đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự, bởi từ bé cậu đã thích môi trường quân đội. Lúc còn đi học, Nhất hay viết thư tâm sự với cô bạn “đồng hương”, nhà gần cạnh, sau nhiều cánh thư, hai người yêu nhau từ lúc nào không hay biết. Nay, dù xa cách gần 700 km, nhưng tình cảm mà Nhất giành cho bạn gái chưa bao giờ thay đổi. Mới ngày đầu nhập ngũ, bạn gái Nhất lo lắng cho cậu vì từng nghe khẩu hiệu “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”. Tuy vậy, qua nhiều cánh thư, Nhất kể cho bạn gái về những ngày huấn luyện trên thao trường, về người chỉ huy tâm lý, những đồng đội mới quen nhưng rất tốt bụng, kể về những chiều tăng gia sản xuất cùng mọi người… khiến cô nàng an tâm, vui vẻ và háo hức mong thời gian vào đơn vị thăm người thương. Nhất thổ lộ: “Lúc viết thư mình luôn sống thật với những tâm tư, tình cảm của bản thân. Mình đã gửi những điều đó cho bạn gái phương xa, mong sao cô ấy hiểu và cảm nhận được. Gần 2 tháng quân ngũ, mình nhận được hơn 5 lá thư bạn gái và đã kịp hồi âm 4 lá. Cánh thư đến và đi chắc chắn còn nhiều hơn nữa, đây sẽ là những kỷ vật thiêng liêng, lâu bền của mình và cô ấy”…

Cũng như Nhất, Binh nhì Đặng Ngọc Thành, Trung đội 5 (Đại đội 6), cho biết, cảm giác gửi và chờ hồi âm thư rất hồi hộp. “Mặc dù đơn vị có dịch vụ điện thoại; gia đình, bạn bè, người yêu cũng có điện thoại, nhưng em vẫn thích viết thư tay hơn. Bởi qua những dòng thư, tâm trạng bản thân được bộc bạch thoải mái. Có những điều trên điện thoại em không thể nói được, nhưng có thể bày tỏ dễ dàng hơn trên thư” - Thành tâm sự. Qua trò chuyện với Thành, tôi được nghe chuyện tình của em và bạn gái đang học nghề ở Đà Nẵng. Vốn yêu nhau gần 2 năm, “nhà nàng sát cạnh nhà chàng” nên hai người gặp nhau và giận hờn nhau mỗi ngày. Giờ, Thành đi bộ đội, bạn gái học cách nhà hơn 500 km nên cánh thư trở thành cầu nối yêu thương cho 2 người. Tháng trước, bạn gái Thành tranh thủ vượt đường xa lên đơn vị thăm cậu. Gặp nhau gần cả ngày, nhưng nói mãi chuyện chẳng hết, lấy đâu thời giờ để hờn dỗi, vậy nên chàng lính trẻ bèn gửi lại người yêu 2 cánh thư đã viết sẵn từ trước… và không quên động viên người yêu cố gắng học hành, hẹn ngày hội ngộ. Thành chia sẻ thêm: “Cuối tuần, được đơn vị tạo điều kiện nên chúng em thường xuyên liên lạc qua điện thoại, nhưng không hiểu sao em vẫn mong những cánh thư tay mà cô ấy viết cho mình mỗi ngày. Từ ngày vào quân ngũ, em nhận được hơn 10 lá thư cô ấy gửi, nhưng lần nào nhận thư tâm trạng em cũng hồi hộp, xen lẫn cảm giác yêu thương, gần gũi, nhớ nhung. Cánh thư từ cô ấy là động viên lớn đối với em sau những giờ rèn luyện, học tập…”.

Sống trong môi trường quân ngũ với nhiều nét đặc thù, các chiến sĩ có điều kiện rèn luyện bản thân, nhưng cũng thiếu thốn tình cảm gia đình, bạn bè, người yêu… nhất là với những tân binh lần đầu tiên xa nhà. Vì vậy mà cánh thư tay trở thành cầu nối, gắn kết yêu thương giữa hậu phương với chiến sĩ, góp phần tăng động lực, niềm tin để chiến sĩ thêm yêu đời, vui tươi, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm tháng trôi qua, cánh thư có thể đổi màu, nhưng tâm tư, nỗi niềm trong đó vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Nó trở thành kỷ niệm đẹp, gắn liền đời quân ngũ của nhiều chiến sĩ…

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc