Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận từ Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh năm 2015

08:15, 04/07/2015

Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh năm 2015 vừa được tổ chức đã quy tụ nhiều mô hình, thiết bị dạy nghề hữu ích trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu của các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã tạo cơ hội để các trường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sáng chế, cải tiến thiết bị dạy nghề, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với sử dụng thực tế.

Tạo “sân chơi” bổ ích, lý thú

Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh năm 2015 thu hút sự tham gia của 2 cơ sở dạy nghề trong tỉnh, trong đó, Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak có 16 mô hình thiết bị và Trung tâm Đào tạo nghề tại Dak Lak (thuộc Trường Cao đẳng Nghề số 5 – Bộ Quốc phòng) có 2 mô hình thiết bị thuộc các nhóm nghề cơ khí - động lực - lái xe; điện - điện tử - tin học do các giáo viên tự làm đã đoạt giải trong Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm cấp cơ sở hoặc được lựa chọn đăng ký tham gia hội thi bảo đảm các tiêu chí: tính sư phạm, tính khoa học, kỹ thuật sáng tạo, tính ứng dụng và trình bày. Tại hội thi, các tác giả, nhóm tác giả đã lần lượt thuyết trình các nội dung về thiết bị tự làm và vận hành thử nghiệm thiết bị theo yêu cầu của Hội đồng giám khảo. Giáo viên Trần Văn Dũng, Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak cùng đồng nghiệp đã tham gia hội thi với mô hình “Bàn thực hành trang bị điện mạch điện máy mài mặt phẳng” cho biết: xuất phát từ thực tế quá trình dạy học do thiếu thiết bị, mô hình học cụ nên các học viên chỉ được học lý thuyết và mô phỏng trên máy vi tính các chuyển động của máy. Vì vậy, nhóm đã chế tạo ra thiết bị này nhằm giúp học viên thuận lợi khi thực hành các bài tập liên quan đến điện mạch, điện máy, thành thạo các kỹ năng để áp dụng vào sản xuất tại doanh nghiệp mà không bỡ ngỡ. So với giá trị kinh tế ngoài thị trường để đầu tư mua một thiết bị cùng loại đưa vào giảng dạy, nhà trường phải tốn kém từ 300 - 500 triệu đồng thì sau khi thiết bị nghiên cứu thành công, giá thành chỉ khoảng 20 triệu đồng, giảm rất nhiều so với giá thị trường mà hiệu quả thiết thực. Mô hình này được đánh giá cao và là một trong hai thiết bị đã đoạt giải Nhất tại hội thi.

Mô hình thiết bị
Mô hình thiết bị "Bàn thực hành trang bị điện máy mài mặt phẳng" của giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak đoạt giải Nhất tại hội thi.

Với thiết bị “Mô hình tổng thành xe ôtô” của giáo viên Trần Văn Tuất, lại mang đến hiệu quả rất thiết thực trong nghề đào tạo công nghệ ôtô của Trung tâm Đào tạo nghề tại Dak Lak. Nếu trước đây các học viên chỉ được biết các bộ phận, cấu tạo động cơ của ôtô trên lý thuyết, nhờ có mô hình này đã có thể nhận biết, thực hành tháo lắp, sửa chữa ôtô thành thạo hơn. Không những vậy, mô hình này còn giúp người học biết các thao tác khi lái xe, thực hành lái ôtô tại chỗ. Còn về giá thành, thay vì phải chi phí cả trăm triệu đồng để mua động cơ cho học viên thực hành thì mô hình này chỉ tốn khoảng 25 triệu đồng mà hiệu quả giảng dạy vẫn rất cao, sát với thực tế các loại xe ôtô ngoài thị trường và ít hư hỏng… Mô hình thiết bị này đã đoạt giải Ba tại hội thi.

Vẫn còn nhiều điều cần bàn

Bà Phạm Thị Loan, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban tổ chức hội thi đánh giá: “Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh đã tạo “sân chơi” bổ ích, lý thú, góp phần khuyến khích phong trào học tập, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh trong việc tự làm thiết bị dạy nghề. Đồng thời, thông qua hội thi đã nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của các cơ sở dạy nghề trong việc chú trọng đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, dụng cụ, đồ dùng dạy học, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề. Các thiết bị tham gia hội thi đều có tính ứng dụng cao, áp dụng tốt trong giảng dạy, tạo hứng thú cho học viên. Kết thúc hội thi, đã có 14 mô hình thiết bị đoạt giải”. Tuy nhiên, cũng theo Ban tổ chức hội thi, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Số cơ sở dạy nghề và thiết bị tham gia hội thi còn ít, chỉ có 2/41 cơ sở (đạt 4,88%). Nhiều trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề cấp huyện và một số trung tâm dạy nghề ngoài công lập chưa tích cực tham gia hội thi. Không những vậy, với mục tiêu giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, Ban tổ chức hội thi đã mời tất cả các cơ sở dạy nghề cử giáo viên đến tham dự, nhưng số lượng tham gia chưa nhiều. Điều này chứng tỏ nhiều cơ sở dạy nghề chưa thực sự quan tâm đến việc tự làm thiết bị dạy nghề phục vụ cho công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, một số thiết bị tham gia dự thi tính khoa học, sáng tạo chưa cao, chưa bảo đảm tính sư phạm nên khả năng ứng dụng vào giảng dạy chưa nhiều; một số tác giả, nhóm tác giả chưa chuẩn bị chu đáo và đầu tư thỏa đáng trong việc tham gia hội thi. Hơn nữa, do công tác tuyên truyền còn hạn chế nên chưa thu hút được sự tham gia rộng rãi của các đơn vị dạy nghề.

Cũng theo bà Phạm Thị Loan, để việc tổ chức hội thi những năm sau đạt kết quả cao hơn, thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan trong việc lập kế hoạch tổ chức, tăng cường công tác hướng dẫn, triển khai đến các cơ sở dạy nghề nhằm thu hút thêm nhiều đơn vị tham gia. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, mời gọi doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp thiết bị, đồ dùng dạy học đến tham gia và hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức hội thi. Bên cạnh đó, đưa phong trào thi đua sáng tạo thiết bị dạy nghề thành tiêu chí xem xét thi đua của các đơn vị dạy nghề, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, phục vụ cho sự phát triển chung của tỉnh.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc