Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn

10:06, 08/07/2015
Những năm qua việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII, về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, Tỉnh ủy chọn phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) và xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) để chỉ đạo điểm. Ngoài ra, cấp ủy các huyện và thành phố chọn từ 1 đến 2 xã điểm để chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở. Đảng ủy địa phương đã phân công các thành viên trong Đảng ủy phụ trách thôn, buôn, tổ dân phố triển khai thực hiện QCDC gắn với phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Bằng các hình thức công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp thôn, buôn để thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Việc lấy ý kiến của nhân dân về các vấn đề: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… được cấp ủy, chính quyền thường xuyên tổ chức, thực hiện thông qua các hội nghị, đối thoại trực tiếp, các buổi họp dân nhằm phát huy tính dân chủ gắn liền lợi ích của nhân dân…

Bà con buôn Krông Pak  (xã Ea Kly, huyện Krông Pak) chung sức xây dựng  đường nội buôn
Bà con buôn Krông Pak (xã Ea Kly, huyện Krông Pak) chung sức xây dựng đường nội buôn

Tại nhiều địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã phối hợp giám sát quy ước, hương ước; kết hợp hài hòa việc triển khai thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, xã hội. Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hoạt động từ thiện; xây dựng khu dân cư văn hóa; công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số… Nhờ đó, quá trình thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn từng bước nâng cao hiệu quả, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện… được nhân dân tích cực tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao. Tính đến nay, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện đóng góp hơn 750 tỷ đồng để làm mới và sửa chữa công trình giao thông, kênh mương thủy lợi; hiến trên 300.000 m2 đất, hơn 64.000 ngày công để xây dựng nông thôn mới. Đơn cử, ở huyện Krông Buk, nhờ thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân trong tham gia xây dựng, phát triển địa phương. Đặc biệt là việc huy động sức dân để phát triển hạ tầng, giao thông nông thôn; kéo mới, tu sửa đường điện chiếu sáng… Chỉ trong 4 năm (2010 – 2014) huyện đã huy động nhân dân đóng góp trên 72,7 tỷ đồng để xây dựng công trình phúc lợi, gần 8.000 ngày công, hiến 89.766 m2 đất để xây dựng nông thôn mới… Tiêu biểu là các xã: Cư Pơng, Cư Kpô, Pơng Drang. Bên cạnh đó, các thôn, xã còn thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình như: “Khu dân cư an toàn, bình yên không tội phạm” ở thôn 5, xã Tân Lập; “Buôn làng bình yên, không tội phạm” ở buôn Ea Sin, xã Ea Sin; “Thôn, buôn không tệ nạn ma túy” ở xã Cư Pơng…

Đoạn đường tự quản ở tổ dân phố 3A (thị trấn Quảng Phú)  được người dân giữ gìn sạch, đẹp.
Đoạn đường tự quản ở tổ dân phố 3A (thị trấn Quảng Phú) được người dân giữ gìn sạch, đẹp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn vẫn còn những hạn chế. Trong Hội nghị tổng kết Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị được tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Êban Y Phu thẳng thắn nhìn nhận: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu gương mẫu trong việc thực hiện QCDC. Việc giám sát của cơ quan dân cử và thực hiện QCDC của cơ quan công quyền ở một số nơi đôi lúc còn chưa chặt chẽ; việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành chủ trương, chính sách của chính quyền chưa thường xuyên; còn xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp về đất đai, đền bù, giải tỏa…”. Để thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở, cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đến cán bộ, đảng viên và nhân dân những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.