Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động: Những "lỗ hổng" từ nhận thức (Kỳ I)
Nhận thức chưa đầy đủ và thực hiện chưa triệt để, nghiêm túc các quy định trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã tạo ra những “lỗ hổng” ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tính mạng của doanh nghiệp và người lao động. Để sự phát triển thực sự bền vững, cần bắt đầu từ chính việc khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác này.
Kỳ I: Xem nhẹ công tác an toàn vệ sinh lao động
Cả chủ sử dụng lao động và người lao động chưa thực sự coi trọng công tác bảo đảm ATVSLĐ đã tạo ra nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp và người lao động.
Chủ quan, lơ là
Theo báo cáo của Nhà máy tinh bột sắn Ea Kar (thôn 9, xã Ea Sar, huyện Ea Kar) với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh nhân Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ – Phòng chống cháy nổ lần thứ 18, năm 2016 thì tình hình thực hiện công tác này của đơn vị khá bảo đảm. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, Đoàn đã phát hiện rất nhiều vi phạm. Nhà máy có 184 lao động được ký kết hợp đồng không xác định thời hạn nhưng trong năm 2015 đều chưa được tổ chức huấn luyện về an toàn lao động. Tại các khu vực sản xuất chưa niêm yết nội quy an toàn lao động, chưa có bảng cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn quy trình vận hành máy móc, thiết bị, chưa thường xuyên thực hiện vệ sinh công nghiệp trong khu vực nhà máy. Ở khu vực xuống củ sắn, người lao động làm việc giữa trời nắng chang chang nhưng phương tiện bảo vệ cá nhân rất sơ sài, chủ yếu chỉ có quần áo, mũ do họ tự trang bị. Đi vào khu vực đóng bao, bốc xếp, môi trường làm việc rất rung, ồn, bụi mù mịt và không đủ ánh sáng nhưng người lao động không được trang bị quần áo, giày, mũ chứ chưa nói đến các phương tiện bảo vệ cá nhân khác như khẩu trang chuyên dụng, nút tai chống ồn. Đem vấn đề này trao đổi với ông Phạm Bá Sỹ, Giám đốc nhà máy được biết, đối với công việc xuống củ sắn tươi và bốc xếp hàng hóa, nhà máy chỉ ký hợp đồng kinh tế với 1 người đại diện. Người đó sẽ tự túc phương tiện và nhân lực thực hiện công việc theo hợp đồng. Vì vậy, đơn vị không có trách nhiệm phải trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân và thực hiện chế độ, chính sách đối với số công nhân lao động này.
Công nhân lao động Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su Đắk Lắk chưa sửa dụng đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc. |
Tại Công ty TNHH Một thành viên Thép Trường Sa (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc), khi được hỏi về việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với công tác ATVSLĐ, ông Hoàng Kim Tý, Giám đốc công ty tỏ ra rất bối rối. Bởi theo ông giải thích thì đơn vị mới chuyển đổi lên Công ty TNHH Một thành viên từ cuối năm 2014 để tiện giao dịch làm ăn nên hầu như chưa nắm được các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ. Ngoài giám đốc và 15 công nhân lao động, doanh nghiệp mới chỉ ký hợp đồng với một người đảm nhận tất cả các công việc còn lại. Chính vì vậy, hầu hết các công tác như xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, tổ chức huấn luyện an toàn, đo kiểm môi trường làm việc, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh, quy trình vận hành máy móc, thiết bị… doanh nghiệp đều chưa thực hiện. Hơn nữa, mặc dù làm việc trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm nhưng phần lớn người lao động đều không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân. Một công nhân làm việc ở đây được 3 năm cho biết, trước đây chủ doanh nghiệp cũng mua giày, quần áo, mũ, bao tay cho người lao động nhưng vì cảm thấy vướng víu, nóng nên anh em thường đi dép lê, mặc quần đùi cho tiện.
Công nhân Công ty Thép Trường Sa chưa được trang bị và sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân. |
Hay tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su Đắk Lắk (xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar), mặc dù làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn, rung và bụi vượt quá tiêu chuẩn nhưng nhiều công nhân vẫn không đeo bao tay, khẩu trang, nút tai chống ồn, một số lại đi cả dép lê trong khi làm việc. Bà Vũ Hoài Thân, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Công ty đã trang bị bảo hộ lao động và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người lao động sử dụng nhưng việc chấp hành như thế nào còn tùy thuộc vào ý thức của từng người, chứ thực sự, công ty cũng chưa có chế tài xử phạt”.
Hậu quả khó lường
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) trong 5 năm (2011-2015), trên địa bàn tỉnh xảy ra 82 vụ tai nạn lao động làm 89 người bị nạn, trong đó có 30 người chết. Bên cạnh đó, người dân bị chết do tai nạn lao động (qua điều tra từ sổ khai tử) là 145 người, trong đó số người làm việc không theo hợp đồng lao động là 112 người. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tấn Huy, chuyên viên phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTBXH thì đây chỉ phần nổi của “tảng băng” vì con số thực về các vụ tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn gây ra chấn thương, làm mất một phần cơ thể trên thực tế sẽ chênh lệch lớn so với thống kê, báo cáo của sở. Bởi, hằng năm, mặc dù sở đều gửi công văn yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo về tình hình ATVSLĐ nhưng chỉ khoảng 2% số doanh nghiệp chấp hành. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động là do người sử dụng lao động không quan tâm đến công tác huấn luyện về an toàn lao động, không có quy trình, biện pháp an toàn lao động, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ và đúng chủng loại cho người lao động, các máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn… Về phía người lao động đã vi phạm các quy trình, biện pháp an toàn lao động, không sử dụng các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân…
Điều kiện làm việc trong Nhà máy tinh bột sắn Ea Kar có nhiều tiếng ồn, rung và bụi vượt quá tiêu chuẩn cho phép. |
Ông Lê Hạnh, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy phần lớn chủ sử dụng lao động và người lao động đều chưa “mặn mà” với công tác ATVSLĐ, thậm chí có nơi chỉ làm theo hình thức đối phó và nhận thức rất mơ hồ về công tác này”. Tâm lý của người lao động là sợ bị mất việc làm nên mặc dù môi trường làm việc không an toàn hoặc chưa được huấn luyện an toàn lao động, không trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định, họ vẫn không có ý kiến gì. Trong khi đó, do lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra mỏng nên việc kiểm soát an toàn lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Ngay trong Tuần lễ Quốc gia về ATVSĐ - Phòng chống cháy nổ lần thứ 18 – năm 2016, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng chỉ có thể kiểm tra tại 26 doanh nghiệp, còn lại phải yêu cầu các sở, ngành, địa phương thành lập đoàn kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ nhằm góp phần chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm trong thực hiện công tác này. Việc tổ chức phúc tra lại kết quả thực hiện các kiến nghị của Đoàn thì vẫn chưa triển khai được do khó khăn về vấn đề kinh phí nên chỉ có thể trông chờ vào ý thức tự giác của doanh nghiệp và người lao động.
(Còn nữa)
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc