Multimedia Đọc Báo in

Người "bén duyên" với nghề làm trống Trung thu

15:51, 14/09/2016

Như một cơ may, tôi đã được gặp đôi vợ chồng trẻ đưa nghề làm trống Trung thu xứ Quảng lên phố núi nhằm duy trì bảo tồn nghề truyền thống cha ông để lại. Đó là anh Trương Ngọc Nhân (SN 1983) và vợ là Nguyễn Thị Hương (SN 1988, thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar).

Anh Nhân quê ở Quảng Nam, lên Đắk Lắk sinh sống được gần 10 năm nay. Anh kể: Nghề làm trống Trung thu đến với anh như một cơ duyên. Đó là, trong một lần đến nhà bạn gái chơi (sau này là vợ anh), anh đã được tận mắt thấy những người thợ (tại xưởng sản xuất trống nhà bạn gái) với đôi tay tài hoa làm nên những cái trống bé nhỏ, xinh xinh, âm thanh trầm bổng. Từ đó, đam mê nghề làm trống lúc nào không hay nên những lúc rảnh rỗi, anh xin làm thử, làm riết thành quen, sau này cưới cô con gái nhà chủ xưởng trống làm vợ và được bố vợ truyền nghề cho. Ngồi bên cạnh anh, chị Hương cho biết: “Tôi sinh ra ở Hà Nam. Làng tôi, đứa trẻ mới sinh ra đã được tiếp cận với dụng cụ làm trống rồi. Ngày đó, mỗi khi được nghỉ học, trẻ con trong làng như tôi đều phụ giúp bố mẹ trong việc sản xuất trống. Sau khi gia đình tôi vào Quảng Nam sinh sống, theo tục lệ ngày xưa, nghề này chỉ truyền lại cho con trai ruột mà không truyền cho con gái, con rể, người ngoài lại càng không, tuy nhiên vì thấy anh Nhân đam mê thực sự nên bố tôi đồng ý truyền nghề cho con rể. Sau khi cưới nhau, vợ chồng tôi vào Đắk Lắk và chọn mảnh đất Cư M’gar sinh sống, lập nghiệp bằng nghề làm trống. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này, cơ sở sản xuất trống của gia đình tôi hầu như bận tối ngày. Chỉ tính thị trường Đắk Lắk, từ đầu mùa Trung thu đến nay, gia đình tôi đã bán được hơn 600 cái trống lớn, nhỏ. Những ngày này, do cận kề ngày Tết Trung thu, gia đình tôi phải thuê thêm nhân công, làm cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng cho khách”.

Vợ chồng anh Nhân đang hoàn thành chiếc trống để kịp giao cho khách.
Vợ chồng anh Nhân đang hoàn thành chiếc trống để kịp giao cho khách.

Vợ chồng anh Nhân làm nhiều loại trống, từ loại có chiều cao khoảng 20 cm, rộng 20 cm cho đến những cái trống lớn hơn có đường kính từ 50 cm đến gần 2 mét, tất cả đều làm thủ công. Theo anh Nhân, để có những chiếc trống xinh xắn, màu sắc sặc sỡ phục vụ các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu hằng năm, vợ chồng anh đã phải tìm kiếm các nguyên vật liệu phù hợp. 

“Cũng như nhiều loại đồ chơi khác, trống Trung thu xuất hiện ngày càng nhiều, mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt, bởi vậy, để cạnh tranh được trên thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng, chúng tôi còn quan tâm cải tiến mẫu mã để trống luôn bền, đẹp, đáp ứng thị hiếu khách hàng” - anh Nhân tâm sự. 

Gỗ để làm thân trống thường là gỗ mít bởi nó rất bền và có âm vang. Gỗ mít được xẻ thành từng miếng (đường kính tùy kích cỡ của trống), sau đó ghép thành hình và được nẹp lại chắc chắn bằng sợi song mây hoặc bằng tre (đai trống). Sau đó lấy da bò hoặc da trâu đã phơi khô phủ lên và chọc thủng thành nhiều lỗ nhỏ xung quanh, nối thành từng sợi dây kéo căng bề mặt. Những lỗ nhỏ này được gia cố bằng loại tre (chốt tre) ngâm dưới nước 1 năm và phải mất ít nhất một ngày mới làm xong một cái trống. Trống Trung thu của gia đình anh Nhân hiện đã có mặt từ các tỉnh ở miền Tây, TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội và nhiều nơi khác khắp mọi miền đất nước. Trống nhỏ có giá từ 50 đến 100 nghìn đồng, có loại từ 1-2 triệu đồng và cũng có loại từ 600-800 triệu (loại này chủ yếu làm cho các nhà chùa).

Ông Nguyễn Tưởng, Trưởng thôn Tiến Đạt cho biết: “Đồ chơi cho trẻ em dịp Trung thu tương đối đa dạng, nhưng năm nay các loại đồ chơi, nhất là trống thủ công được nhiều phụ huynh lựa chọn mua. Hầu như trẻ em vùng này đều được bố mẹ chọn mua trống truyền thống do gia đình Nhân-Hương sản xuất bởi họ nghĩ trống này được làm từ nguồn nguyên liệu sạch, an toàn với sức khỏe”.        

hế Hùng


Ý kiến bạn đọc