Multimedia Đọc Báo in

Tết của những người giữ rừng

09:08, 30/12/2016
Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, người đi xa cũng chuẩn bị về đoàn tụ với gia đình. Trong khi đó, đa phần các kiểm lâm trên địa bàn tỉnh vẫn phải bám rừng để bảo vệ bình yên cho những cánh rừng.

Nghe tôi hỏi năm nay nghỉ Tết Nguyên đán thế nào, ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin cười: “Cũng giống như mọi năm thôi! Đa phần anh em sẽ ăn tết tại rừng. Đơn vị chỉ giải quyết chế độ nghỉ tết cho 30% quân số, còn lại phải túc trực để bảo vệ rừng. Tính ra cứ khoảng 3 năm thì một cán bộ kiểm lâm mới được nghỉ một cái tết trọn vẹn”. Ngoài việc ngăn chặn các hành vi phá rừng trái phép, trong dịp tết đơn vị còn phải tăng cường công tác phòng chống cháy rừng, vì đây là giai đoạn cao điểm của mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất cao. Tết nhất ai cũng muốn về nhà, nhưng với những người giữ rừng thì ngày thường cũng khó chứ đừng nói là Tết. Không được sum vầy với gia đình, các kiểm lâm trực ở Trạm Kiểm lâm số 10 xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) nằm giữa rừng không có sóng điện thoại, muốn điện về hỏi thăm người thân dịp này cũng chịu - ông Nghĩa cho biết.

Bữa cơm giữa rừng của Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin.
Bữa cơm giữa rừng của Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin.

 

 

Đã chọn nghề này thì phải phải chấp nhận ăn, ngủ giữa rừng, và tạm “quên” đi ngày lễ, tết để giữ bình yên cho rừng.

 

 

 

Ông Phạm Tuấn Linh,

Phó Giám đốc VQG Yok Đôn 

Với ông Nguyễn Minh Đức, kiểm lâm VQG Chư Yang Sin, gần 20 năm nay, tính đi, tính lại cũng chỉ mới dăm cái tết được sum họp cùng gia đình. Ông bày tỏ: “Cứ gần tết thấy người dân xung quanh Vườn tất bật chuẩn bị đón tết, vui xuân, cha mẹ dẫn con đi sắm tết, mình cũng nôn nao muốn về với gia đình nhưng biết làm sao được, nghề của mình là vậy. Để rừng bình yên thì phải có người giữ. Nếu may mắn trong thời gian nghỉ tết không có vụ việc gì xảy ra thì còn được đón tết ở trạm, chứ nếu không lại phải khăn gói vào rừng, có năm mùng 3 Tết đã gói gém đồ đạc đi tuần rừng dài ngày rồi”.

Tương tự, tại VQG Yok Đôn, năm nay 70% quân số đảm bảo trực thường xuyên. Nhắc đến Tết, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Vườn có chút bùi ngùi: “Đặc thù công việc của bọn mình là giữ rừng. Mà rừng thì mênh mông nên một vài người không thể bảo vệ được, do đó phần lớn lực lượng phải ở lại trực tết. Anh em cũng quen với việc không có tết nhiều năm rồi nên giờ không có gì bất ngờ cả. Dịp Tết rơi vào thời kỳ đỉnh điểm mùa khô – lúc này, các con đường dẫn vào rừng khô ráo thuận lợi cho lâm tặc vào xâm nhập. Tết mình nghỉ chứ lâm tặc có chịu nghỉ đâu, không cảnh giác tuần tra thường xuyên là chúng sẽ xâm nhập vào “ăn” rừng liền. Chỉ thiệt thòi cho anh em kiểm lâm, kinh phí của đơn vị có hạn nên không hỗ trợ thêm được gì để động viên họ”.

Dù vất vả, nhớ nhà đến nao lòng nhưng những người ở lại trực Tết đôi khi cũng đón nhận những niềm vui bất ngờ. Như dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, lực lượng kiểm lâm Trạm 6 của VQG Yok Đôn phát hiện một con voi rừng tách đàn đi theo voi nhà tại Tiểu khu 471 có dấu hiệu bị thương. Thế là trong những ngày tết, lực lượng kiểm lâm Vườn và Trung tâm Bảo tồn voi phải lặn lội bám rừng, theo dõi voi di chuyển, đưa thức ăn, nước uống cho voi. Đến ngày mùng 3 Tết lực lượng chức năng dùng voi nhà khống chế đưa con voi bị thương về khu vực rừng gần với trụ sở Vườn để điều trị vết thương. Nhờ đó, voi rừng bị dính bẫy dần phục hồi sức khỏe. Nếu không phát hiện điều trị kịp thời, với vết thương đang hoại tử ở chân và vòi, voi rừng khó giữ được tính mạng.

Vạn Tiếp

 

 


Ý kiến bạn đọc