Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm: Tăng cường phối hợp để giải quyết khó khăn, vướng mắc
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2016 quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH ra Tòa án Nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía.
Đụng đâu cũng thấy vướng
Theo BHXH tỉnh, đến ngày 20-3-2017, số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp là 1.430.982 người, tăng 190.208 người so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT những tháng đầu năm tiếp tục gia tăng, với tổng số tiền trên 96,6 tỷ đồng (tăng 44,2 tỷ đồng so với cuối năm 2016); trong đó, nợ BHXH hơn 72,6 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên 6,2 tỷ đồng, nợ BHYT 17,7 tỷ đồng.
LĐLĐ tỉnh tập huấn về thang, bảng lương cho giảng viên kiêm chức công đoàn. |
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ năm 2016, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh có trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Mặc dù đã có hiệu lực hơn 1 năm và LĐLĐ tỉnh cũng tích cực phối hợp với BHXH tỉnh triển khai công tác này nhưng việc khởi kiện doanh nghiệp vẫn rất khó thực hiện. Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho biết, sở dĩ việc khởi kiện doanh nghiệp gặp khó khăn là do năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay chưa thể thực hiện được việc khởi kiện, tham gia tố tụng. Trong khi đó, chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về quy trình, điều kiện pháp lý để công đoàn cơ sở có thể đại diện khởi kiện một vụ tranh chấp lao động tập thể ra tòa án. Hơn nữa, công đoàn cấp trên cơ sở chỉ được khởi kiện khi có giấy ủy quyền của công đoàn cơ sở hoặc người lao động và phải theo quy trình của tranh chấp lao động tập thể, tức là phải qua hòa giải, không hòa giải được thì Chủ tịch UBND cấp huyện đứng ra giải quyết, nếu không giải quyết được hoặc quá hạn thì bắt đầu tiến hành thủ tục tố tụng. Mặt khác, hiện các quy định của Luật BHXH năm 2014, Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn về vấn đề này vẫn chưa đồng bộ, thống nhất.
Một vướng mắc nữa là trước khi khởi kiện, công đoàn phải gửi văn bản nhắc nhở doanh nghiệp về việc đóng BHXH nên dễ dẫn đến đơn vị này sẽ đối phó bằng cách đóng một khoản BHXH nhỏ dẫn đến số liệu nợ đọng BHXH thay đổi khiến cơ quan chức năng phải làm lại toàn bộ hồ sơ. Cùng với đó, số đơn vị cần khởi kiện nhiều, thời gian theo đuổi các vụ kiện lâu dài và tốn kém, sẽ liên quan đến vấn đề kinh phí nên tổ chức công đoàn rất khó xoay xở. Hơn nữa, do tâm lý sợ mất việc làm nên người lao động không dám tự nguyện viết đơn ủy quyền khiến công đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH ra tòa.
Phối hợp tháo gỡ
Tháng 10-2016, LĐLĐ tỉnh đã ký kết với BHXH tỉnh quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời tiếp nhận, thẩm định hồ sơ khởi kiện nhưng đến nay, chưa có vụ kiện nào về nợ đọng BHXH do công đoàn đứng ra là nguyên đơn.
Theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, để công đoàn có thể khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm theo luật định thì trước hết cần sửa đổi, bổ sung, tạo sự đồng bộ trong Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật BHXH, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, để giảm nợ đọng BHXH, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát và nâng cao ý thức chấp hành của doanh nghiệp và đơn vị tham gia BHXH.
BHXH TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN tại Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Thái Vinh. |
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, sắp tới, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp liên ngành nhằm đánh giá, tổng kết công tác phối hợp, bàn phương hướng giải quyết những vấn đề tồn tại. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh cũng mong muốn Tòa án Nhân dân tỉnh quan tâm hỗ trợ, tổ chức tập huấn kỹ năng tố tụng, trình tự, thủ tục khởi kiện cho cán bộ công đoàn các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh sự vào cuộc, phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan thì mỗi doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai thông tin đóng BHXH để người lao động và công đoàn cơ sở nắm bắt, có cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Và điều quan trọng là mỗi người lao động cần mạnh dạn lên tiếng, ủy quyền khi đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về BHXH thì mới hỗ trợ công đoàn thực hiện công tác khởi kiện được thuận lợi và đạt hiệu quả.
Trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, LĐLĐ tỉnh đã nhận được 26 hồ sơ của BHXH tỉnh về việc khởi kiện đối với các doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng BHXH kéo dài từ 6 tháng trở lên. Hiện LĐLĐ tỉnh đang tổng hợp, xem xét hồ sơ, tìm hiểu thông tin và ban hành văn bản nhắc nhở doanh nghiệp đóng BHXH nhằm đôn đốc thu hồi nợ chứ chưa khởi kiện được doanh nghiệp nào. Trên cả nước, trong số 144 hồ sơ công đoàn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, có 12 hồ sơ bị Tòa án trả lại, số còn lại vẫn chưa được đem ra xét xử. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc