Multimedia Đọc Báo in

Thư viện tỉnh nỗ lực đưa sách đến bạn đọc

07:25, 21/04/2017

Nhiều mô hình, chương trình nhằm đưa sách đến bạn đọc được Thư viện tỉnh nỗ lực thực hiện trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiểu biết và từng bước làm giàu tri thức cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Bà Phạm Thị Kim - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, đến nay cơ sở dữ liệu (sách, địa chí, báo và tạp chí) của thư viện đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Có thể nói, với gần 40.000 đầu sách bao gồm  các lĩnh vực, thể loại phong phú được đơn vị huy động, tuyển chọn và bổ sung hằng năm là kho tri thức khá đồ sộ giúp bạn đọc lựa chọn, tiếp nhận thông tin, kiến thức nhằm nâng cao vốn hiểu biết cho mình. Tuy nhiên, theo Phòng Phục vụ bạn đọc, mỗi ngày Thư viện chỉ đón hơn 100 lượt người. Để mở rộng, thu hút độc giả ngày càng nhiều hơn, Thư viện tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều mô hình, chương trình thiết thực và có ý nghĩa nhằm đưa sách đến với bạn đọc ở hầu khắp các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu sách nhằm thu hút độc giả.
Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu sách nhằm thu hút độc giả.

Bên cạnh việc phối hợp với Bưu điện Đắk Lắk, Sở GD – ĐT đưa sách, báo, tạp chí đến 108 điểm Bưu điện – Văn hóa xã và 10 điểm trường học trên địa bàn, Thư viện tỉnh còn luân phiên tổ chức hoạt động “Thư viện xanh” tại 15 huyện, thị và thành phố, mang lại hiệu quả tích cực. “Thư viện xanh” là mô hình thư viện lưu động, tổ chức trong thời gian nhất định tại một địa điểm thuận tiện giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng. Mô hình này được triển khai từ đầu năm 2017 và đến nay đã nhận được sự ủng hộ, chia sẻ tích cực của đông đảo bạn đọc nhờ tính năng động của nó. Ông Phan Ngọc Muộn - Trưởng Phòng VH-TT huyện Krông Năng đánh giá “Thư viện xanh” là cách làm sáng tạo, chủ động phục vụ độc giả. Hoạt động này đã thật sự tạo ra “ngày hội văn hóa đọc” cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Chỉ với 500 - 700 đầu sách, báo, tạp chí cho một đợt lưu động (từ 2 – 3 ngày), mô hình trên đã góp phần nâng cao dân trí cho cộng đồng cư dân ở nhiều địa phương.

Để mở rộng thêm đối tượng bạn đọc, Thư viện còn phối hợp với Công an tỉnh đưa sách, báo, tạp chí vào phục vụ tại hai trại giam Đắk Trung (huyện Cư M’gar) và Đắk Tân (huyện M’Đrắk), mỗi trại có hơn 500 bản ấn phẩm các loại đáp ứng nhu cầu giải trí, sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa cho trại viên. Sự phối hợp này được đánh giá, ghi nhận sự thay đổi tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, giáo dục tại hai trại giam trên.

Thời gian tới, hệ thống thư viện tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao tần suất phục vụ bạn đọc thông qua mô hình “Thư viện xanh” nhiều và rộng hơn trên địa bàn, tạo nên không khí “văn hóa đọc” thường xuyên hơn cho người dân. Theo bà Kim, hoạt động này vừa sử dụng có hiệu quả kho sách hiện có gần 40.000 bản của Thư viện, vừa góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa quốc gia đặt ra cho các địa phương giai đoạn 2016-2020. 

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.