Multimedia Đọc Báo in

Những người thợ rèn cuối cùng ở Ea Wy

11:49, 22/10/2017

Người Nùng An ở xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) vốn nổi tiếng với nghề rèn độc đáo, kỹ thuật điêu luyện không nơi nào có được.

Khi di cư lên vùng đất Ea Wy (huyện Ea H’leo), họ lại tiếp tục “thắp lửa” nghề truyền thống của cha ông. Nhưng qua bao thăng trầm, những lò rèn nơi đây đang thiếu dần ánh lửa.

Về Ea Wy trong một chiều mưa, chúng tôi không khỏi thích thú khi nhìn thấy ông Nhan Văn Quảng (thôn 5A) đang tập trung làm việc với tiếng búa lên đe chí chát, tiếng thép nóng thả vào nước ì xèo. Nhìn từng đốm lửa nở bung sáng đỏ trong lò than rồi vỡ tan khiến tôi ngậm ngùi khi được biết đây là một trong hai lò rèn còn hoạt động thường xuyên của người Nùng An ở Ea Wy.

Lò rèn của ông Nhan Văn Quảng vẫn ngày đêm “đỏ lửa” với mong ước lưu giữ được nghề truyền thống.
Lò rèn của ông Nhan Văn Quảng vẫn ngày đêm “đỏ lửa” với mong ước lưu giữ được nghề truyền thống.

Theo cha học nghề từ năm 13 tuổi, ông Quảng đã có 50 năm gắn bó với nghề rèn. Các sản phẩm của ông chủ yếu là nông cụ như rựa, búa, lưỡi liềm, cuốc, các loại dao… Là thợ rèn được coi là giỏi nhất trong vùng, các sản phẩm ông Quảng làm ra đạt độ sắc, bền cao. Hằng ngày, ông làm khoảng 4 - 5 sản phẩm, thu nhập khoảng 120.000/ngày. Theo ông Quảng, công đoạn quyết định thành quả của sản phẩm là tôi thép. Người thợ rèn giỏi sẽ cảm nhận được nhiệt độ giới hạn qua màu hồng của thép, sau đó căn nhúng thép vào nước sao cho vừa đủ.

 
“Để tiếp tục phát triển nghề rèn ở thôn 5A, xã vẫn luôn động viên các hộ rèn giữ nghề và cần liên kết lại với nhau, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề của mình để nhiều người biết đến. Tuy nhiên trước thực trạng lớp trẻ không ai muốn học nghề truyền thống này thì việc phát triển sẽ rất khó khăn” 
 
Ông Võ Văn Sâm, Bí thư Đảng ủy xã Ea Wy

Cầm trên tay chiếc dao vừa hoàn thiện, ông Quảng trầm ngâm về nghề rèn của người Nùng An đang đứng trước nguy cơ mai một: “Mấy năm trở lại đây, công nghệ phát triển, nhiều người không còn dùng dao, cuốc làm nương rẫy mà sử dụng máy cắt, máy khoan. Trên thị trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm đại trà, giá rẻ nên sản phẩm nhà làm tiêu thụ khó, nhiều thợ rèn ở đây phải bỏ nghề, chuyển sang làm rẫy. Lò rèn nào có uy tín, được nhiều người biết đến thì may ra còn “đỏ lửa””.

Ông Quảng cho biết thêm, hiện xã Ea Wy chỉ có thôn 5A là còn có người giữ được nghề rèn. Tuy nhiên, nếu trước đây có gần 15 gia đình theo nghề thì nay chỉ còn 4-5 nhà, nhưng tần suất lò rèn hoạt động cũng rất ít. Nghề rèn nay trở thành nghề phụ, lớp thanh niên trong thôn không ai mặn mà học nghề. Ông Quảng buồn rầu nói: Nếu những người thợ rèn cuối cùng như ông không còn sức theo nghề, chắc nghề truyền thống này cũng sẽ đi vào lãng quên.

Tại nhà ông Nhan Văn Hậu (57 tuổi) ở thôn 5A, những đồ dùng phục vụ nghề rèn còn ngổn ngang trước sân, nhưng lò than thì nguội lạnh. Ông Hậu chia sẻ: Gia đình ông giờ chủ yếu sống nhờ 2 ha cà phê. Lò rèn giờ chỉ còn là nơi thỉnh thoảng ôn lại nghề cho đỡ nhớ. Khi có ai trong thôn đặt làm dao hay cuốc thì ông mới cầm lại kìm, búa… Lắng nghe ông nói chuyện, tôi cảm nhận ông còn yêu nghề lắm. Ánh mắt ông Hậu tươi vui khi nhớ về thời “hoàng kim” của nghề rèn những năm 90 của thế kỷ trước. Lò rèn của ông tấp nập khách ra vào, ngày làm đến dăm chục cái dao… “Khi tôi muốn truyền nghề cho đứa con trai thì nó xua tay liền. Nghề 3 đời của gia đình tôi giờ đến đây có lẽ thất truyền”, ông Hậu xót xa nói.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.