Multimedia Đọc Báo in

Ba năm ấp ủ... một đề tài

18:46, 20/06/2020

Bên cạnh các bài viết phản ánh thông tin nóng, mang tính thời sự cao về các vấn đề kinh tế - xã hội, hơn 10 năm gắn bó với nghề báo, tôi cũng có một số bài viết mà đề tài ấp ủ cả tháng trời, thậm chí kéo dài đến ba năm.

Đó là loạt bài 5 kỳ “Gian nan hành trình bảo tồn voi”, tôi và đồng nghiệp Minh Thông cùng thực hiện vừa được đăng tải vào hồi cuối tháng 5-2020 trên Báo Đắk Lắk.

Còn nhớ, dịp cuối năm 2017, khi đang mang bầu đứa con thứ hai được 8 tháng, tôi về địa bàn huyện Lắk thực hiện đề tài "Nghề nuôi voi bên hồ Lắk". Một ngày dạo quanh hồ Lắk và trò chuyện cùng một số chủ, nài voi nơi đây, ngoài đề tài "đinh" hẹn trước, tôi bị lôi cuốn bởi rất nhiều câu chuyện xoay quanh loài vật này.

Việc đầu tiên là tôi lấy điện thoại ra, gạch đầu dòng những ý tưởng đề tài đang tồn tại trong suy nghĩ lúc ấy rồi lưu vào kho dữ liệu của máy. Trong chuyến tác nghiệp ấy, ngoài câu chuyện về nguồn thức ăn, hình thức du lịch đối với voi mà chủ voi chia sẻ, tôi còn được nghe thêm những trăn trở về môi trường sống, hành trình đầy gian nan, khó khăn để voi mang bầu, sinh con…

Để thực hiện được chủ đề này phải trèo rừng, lội suối, qua nhiều đồi dốc nguy hiểm và cần sự phối hợp nhóm, trong khi đó bản thân đang mang bầu không thể thực hiện được nên tôi đành “ủ” đề tài. 

Phóng viên Minh Thông tác nghiệp tại cánh rừng hồ Ring.
Phóng viên Minh Thông tác nghiệp tại cánh rừng hồ Ring.

Đến đầu tháng 3-2020, tôi có trao đổi với phóng viên Minh Thông về việc phối hợp để triển khai đề tài này, do vừa là đồng môn bốn năm đại học, lại là đồng nghiệp cùng cơ quan hơn 10 năm nay nên khi phác thảo về nội dung, chúng tôi nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Dự định ban đầu của chúng tôi thực hiện loạt bài 3 kỳ, các tít chính, tít phụ được vạch ra, hoàn thiện dần qua nhiều lần góp ý, trao đổi cho nhau. Cuối tháng 4 tôi và Thông bắt tay vào việc thâm nhập thực tế, địa bàn đầu tiên là huyện Lắk. Tôi chủ động hẹn nài voi Y Vinh Êung (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn) để tìm hiểu về nội dung môi trường ăn, ở của loài voi. May mắn với chúng tôi, cuộc hẹn hôm ấy đúng dịp Y Vinh lên rừng lấy máu kiểm tra chu kỳ rụng trứng của voi – một đề tài mới lóe lên trong đầu tôi ngay sau khi cuộc gọi kết thúc.

5 giờ sáng hôm sau tôi và Minh Thông phóng xe máy từ TP. Buôn Ma Thuột xuống huyện Lắk như lịch hẹn. Theo Y Vinh, chúng tôi di chuyển từ thị trấn Liên Sơn đến xã Đắk Liêng bằng xe máy, rồi qua sông Krông Ana bằng đò, tìm đến cánh rừng hồ Ring thuộc xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana). Quãng đường vừa đồng ruộng vừa rừng núi nên chúng tôi phải bỏ xe máy ở cạnh cánh đồng rồi cuốc bộ tầm ba cây số. Sau khi tìm được vị trí voi Bắk Nang để Y Vinh thực hiện lấy máu, chúng tôi nhanh chóng ghi lại hình ảnh về quá trình thực hiện công việc này của anh. Tạm xa hồ Ring, voi Bắk Nang, theo chân Y Vinh chúng tôi tiếp tục ngược ra xã Đắk Liêng để đi về một cánh rừng thuộc địa phận xã Yang Tao.

Dù đã lường trước được sự vất vả, khó khăn khi lên rừng tác nghiệp, nhưng đến giờ tôi vẫn không tưởng tượng được chuyến đi “có một không hai” này. Gần mười cây số đường rừng, nói là đường nhưng chỉ là những lối mòn do người dân địa phương hay đi lại nên thành đường. Đi bộ được tầm năm cây số, chân tôi như bị vật gì níu giữ phía dưới, không thể bước những bước tiếp theo. 12 giờ trưa, tôi, Thông và Y Vinh vẫn ở giữa lưng chừng rừng Hà Hăng, vừa mệt, vừa đói, tôi đã có ý định bỏ cuộc, bảo hai người tiếp tục đi.

Thấy tôi thấm mệt, Y Vinh lại động viên: "Chị cố gắng đi tiếp, mệt thì nghỉ, chứ ngồi đây bao nhiêu nguy hiểm rình rập". Minh Thông cũng nhanh chóng đưa cho tôi một thanh cây để chống trơn trượt khi lên, xuống dốc rừng. Được mọi người khích lệ, tôi tiếp tục đứng dậy và đi, cuối cùng đỉnh Hà Hăng hiện ra trước mắt, Y Vinh chỉ tay về vị trí voi một ngà Khăm Sen đang dừng chân ở đó. Khi đó, "máu nghề" trỗi dậy như xua tan bao mệt mỏi, tôi tiếp cận Khăm Sen và ghi lại hình ảnh của chú voi đang mải mê nghịch nước bên dòng suối nhỏ, vòi khuơ khuơ tìm mấy ngọn le lót dạ.

Chia tay Khăm Sen là hành trình cuốc bộ di chuyển sang cánh rừng kế bên tìm đến voi H’Mong Sen của một chủ voi trú tại xã Yang Tao. 14 giờ ngày hôm đó, nước mang theo đã hết, thực phẩm không mang theo do nghĩ rằng chỉ đi đến trưa là xong việc. Đến đây coi như đã đi được 2/3 quãng đường, tư liệu cho bài viết cũng tương đương quãng đường đã trải qua nên tôi quyết tâm không bỏ cuộc và tiếp tục theo chân các nài voi để lấy đủ thông tin và hình ảnh cho bài viết.

Chuyến thâm nhập thực tế tại rừng Hà Hăng của phóng viên Báo Đắk Lắk.
Chuyến thâm nhập thực tế tại rừng Hà Hăng của phóng viên Báo Đắk Lắk.

Bữa cơm trưa hôm ấy của chúng tôi đúng 4 giờ chiều tại một quán ăn nhỏ ở thị trấn Liên Sơn. Dù mệt phờ nhưng ai cũng thấy vui, bởi đều hoàn thành nhiệm vụ của mình. Với tôi đó không chỉ là một chuyến tác nghiệp thông thường, nó còn là chuyến trải nghiệm, thâm nhập thực tế để tôi cảm nhận được những đặc tính, môi trường sống của loài voi và cả những trăn trở của chủ, nài voi hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi voi bên hồ Lắk khi rừng ngày càng ít, môi trường sống của voi theo đó bị thu hẹp dần…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc