Multimedia Đọc Báo in

Báo chí góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

08:54, 26/06/2020

Đắk Lắk có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Làm gì để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo ấy là vấn đề đang được quan tâm, trong đó báo chí đóng vai trò quan trọng.

Mỗi nét văn hóa truyền thống, từ ẩm thực, lễ hội đến trang phục hay tâm linh… đều có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của xã hội hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị  biến dạng, mai một. Tiếng cồng, chiêng dần vắng bóng trong các chương trình lễ hội, những ngôi nhà dài truyền thống giờ còn lại không nhiều…

Thực trạng đó báo chí đã có cái nhìn đa chiều, cẩn trọng trong phản ánh vấn đề. Trước hết, báo chí đã tích cực chuyển tải giá trị văn hóa đến với đông đảo công chúng. Nhiều bài báo phản ánh một cách tích cực, có chiều sâu về những nét đẹp trong các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống; giới thiệu các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; các ngành nghề cổ truyền; các nghi thức, nghi lễ truyền thống; các hương ước, quy ước của bản, làng, dòng họ gắn liền với tín ngưỡng, tâm linh trong đời sống hằng ngày, mang đặc trưng riêng của từng dân tộc.

Các phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk: Y Nin (thứ hai từ trái sang)  và Thu Hương (bìa phải) trải nghiệm làm rượu cần truyền thống của người Êđê.
Các phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk: Y Nin (thứ hai từ trái sang) và Thu Hương (bìa phải) trải nghiệm làm rượu cần truyền thống của người Êđê.

Có những bài viết "dài hơi", tôn vinh những người đang lưu giữ, bảo tồn những loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một như nhạc cụ bằng tre nứa của người Êđê, điệu múa của người Thái…; tuyên truyền đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ để các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tham gia, đóng góp kinh phí, tạo điều kiện cho công cuộc bảo tồn văn hóa được phát huy; tôn vinh những cơ quan, tổ chức và cá nhân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk... Qua đó, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, đưa nét đẹp văn hoá truyền thống lan rộng trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, báo chí cũng đã có những bài viết phản biện kịp thời về những chính sách, những hạn chế, bất cập trong quản lý di sản văn hóa, giúp các địa phương cũng như các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục những bất cập trong xây nhà cộng đồng, xâm lấn di tích; phê phán mạnh mẽ những hiện tượng lợi dụng lễ hội truyền thống để hoạt động mê tín, dị đoan, đồng thời tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn nhân dân tham gia lễ hội một cách lành mạnh, bài trừ các tệ nạn xã hội trong các lễ hội…

Để có thể làm tốt được những vấn đề trên, đòi hỏi người viết không chỉ có nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp mà còn phải có sự đam mê, chịu dấn thân. Phóng viên Lê Bình (Chương trình truyền hình Văn hoá và Du lịch của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk) cho biết: “Làm phóng viên đã bận thì làm phóng viên văn hóa còn bận hơn. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ cũng như đam mê, tôi luôn sắp xếp công việc cho phù hợp. Được chứng kiến, tìm hiểu về lĩnh vực văn hóa càng bồi đắp cho tôi tình yêu với mảnh đất, con người và văn hóa nơi đây. Từ đó, khi có cơ hội tôi luôn chia sẻ với mọi người những nét văn hóa hay, độc đáo từ những vùng, miền mình đã đi qua”.

Còn theo phóng viên Thu Hương (Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk) thì với các phóng viên theo mảng văn hóa như chị, làm sao để hiểu đúng, viết đúng về văn hóa các dân tộc là một điều không dễ dàng. Vì vậy, chị phải thường xuyên cập nhật, tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh, từ sách báo đến những nhà nghiên cứu, những người làm công tác chuyên môn, nhất là những nghệ nhân lớn tuổi, vốn kiến thức của họ được tích lũy qua nhiều năm, đó là một kho tàng kiến thức vô cùng lớn... Có những vấn đề chưa hiểu nhất định phải hỏi kỹ vì nếu truyền tải sai có thể gây phản tác dụng. Trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân, nhiều người dân chưa có ý thức tự giác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Chị Hương cùng đồng nghiệp luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm chất lượng, có nội dung sâu sắc, hình ảnh đẹp thông qua đó giúp họ có ý thức và tình yêu với những giá trị về văn hóa truyền thống của dân tộc. Như vậy, việc bảo tồn và phát huy mới thật sự có giá trị.

Vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành liên quan, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Báo chí sẽ là cầu nối, chất xúc tác để công việc này lan tỏa và hiệu quả hơn.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.