Multimedia Đọc Báo in

Phát triển BHXH tự nguyện ở thị xã Buôn Hồ: Cần sự vào cuộc đồng bộ

07:58, 10/05/2021

Những năm gần đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thị xã Buôn Hồ đã chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của loại hình bảo hiểm này nên số người tham gia BHXH tự nguyện rất ít…

Tham gia BHXH tự nguyện góp phần giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động cho đối tượng tham gia. Thế nhưng, hiện nay ở thị xã Buôn Hồ số người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động đã đóng BHXH bắt buộc nay đóng thêm một lần để hưởng lương hưu, còn lao động tự do, người dân tự nguyện tham gia loại hình BHXH này thì rất ít. Chính vì thế, việc phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thị xã đang gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến cuối tháng 4-2021, toàn thị xã chỉ có 474 người tham gia BHXH tự nguyện, con số này qua các năm tuy có tăng nhưng rất chậm; đặc biệt trong năm 2020, BHXH thị xã không đạt được kế hoạch giao.

Cán bộ BHXH thị xã Buôn Hồ hỗ trợ người dân giải quyết các chính sách BHXH.
Cán bộ BHXH thị xã Buôn Hồ hỗ trợ người dân giải quyết các chính sách BHXH.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Toàn, Phó Giám đốc BHXH thị xã Buôn Hồ, loại hình BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người dân. Trước hết là do họ chưa quan tâm và nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chính sách này. Mặt khác, để đóng BHXH tự nguyện đòi hỏi người lao động phải có mức thu nhập tương đối ổn định; trong khi đó, đời sống của đa số người dân trên địa bàn thị xã còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp và không ổn định, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần chi phí, nhưng mức hỗ trợ còn thấp; thời gian đóng BHXH tự nguyện tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài đến 20 năm đòi hỏi người tham gia phải kiên trì; cùng với đó, phạm vi quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế (hiện chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất) nên người dân chưa mặn mà.

Nhân viên thu bảo hiểm xã Ea Drông giới thiệu chính sách khi tham gia bảo hiểm cho nguười dân địa phương.
Nhân viên thu bảo hiểm xã Ea Drông giới thiệu chính sách khi tham gia bảo hiểm cho nguười dân địa phương.

Một nguyên nhân nữa là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa đến với tất cả người dân ở các thôn, buôn bởi qua các buổi đối thoại, tuyên truyền, số lượng người dân đến tham gia rất ít. Công tác thu BHXH tự nguyện được thực hiện thông qua bưu điện, đại lý thu, cán bộ đại lý kiêm nhiệm nên kiến thức, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân về chính sách BHXH tự nguyện hạn chế, chưa sâu rộng… Đơn cử như ở xã Ea Drông hầu như không có người dân tham gia BHXH tự nguyện mà chủ yếu là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Điều này ngoài nguyên nhân do đặc thù địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế thì việc tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân dường như chưa sâu rộng, chưa thường xuyên và liên tục.

 
Để gỡ khó cho công tác phát triển BHXH tự nguyện ở thị xã Buôn Hồ, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chúng tôi rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện".
 
Phó Giám đốc BHXH thị xã Buôn Hồ Nguyễn Trọng Toàn

Chị H’Loa Kanul, một cán bộ giảm nghèo xã kiêm nhiệm công tác thu bảo hiểm chia sẻ, dù có kinh nghiệm hơn 5 năm làm nhân viên thu BHYT nhưng đến nay bản thân chị chưa phát triển được đối tượng nào tham gia BHXH tự nguyện. Theo chị thì một phần do công việc chuyên môn và việc giải quyết thủ tục cấp thẻ cho đối tượng được Nhà nước hỗ trợ BHYT quá nhiều nên không có thời gian tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Mặc khác, bản thân chị cũng chưa hiểu rõ những chính sách, quyền lợi khi tham gia loại hình bảo hiểm này.

Có thể nói, công tác khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ngày càng trở nên khó khăn hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Do đó, nếu như không có các giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện thì khó đạt chỉ tiêu giao. Thiết nghĩ, để đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện trong thời gian tới, ngành BHXH thị xã Buôn Hồ cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân về lợi ích việc tham gia đóng BHXH tự nguyện, nhất là đối với người lao động ở khu vực thị xã, những tiểu thương, nông dân sản xuất kinh doanh có thu nhập ổn định. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với ngành bưu điện tổ chức hội nghị tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH và BHYT nhằm nâng cao nhận thức cho đông đảo người dân, ở cả các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo, tập huấn nâng cao kinh nghiệm, kiến thức cho các đại lý, nhân viên thu ở cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân tham gia...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.