Multimedia Đọc Báo in

Lũ lụt ở Tây Nguyên - Những dự báo trong năm 2021

08:21, 29/06/2021

Lũ lụt ở Tây Nguyên có những nét khác biệt so với các vùng đồng bằng. Với đặc điểm chiều dài dòng sông ngắn, độ dốc lòng sông lớn, diện tích lưu vực nhỏ, khả năng tập trung dòng chảy nhanh nên lũ lụt trên các sông suối trong khu vực thường xảy ra nhanh, với tốc độ dòng chảy và cường suất lũ rất lớn; các vùng trũng thấp ở Tây Nguyên thường hẹp, có độ sâu ngập lụt lớn.

Mặt khác, diễn biến các con lũ thường lên nhanh, xuống nhanh, có sườn lũ rất dốc và lũ thường xuất hiện vào ban đêm nên việc phòng tránh gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, chỉ cần một lượng mưa vừa hoặc mưa to, không phải trên diện rộng cũng có thể làm mực nước trên các sông suối lên cao đột ngột. Diễn biến của các con lũ trong những năm gần đây phổ biến là thời gian lên nhanh, sườn dốc, tạo ra những trận lũ quét đột ngột, gây ra những tác hại nhất định đối với các hồ chứa, giao thông vận tải và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người…

Với các sông chính ở Tây Nguyên thường trùng với mùa có các nhiễu động mạnh như bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông hoặc đổ bộ vào vùng bờ biển từ Trung Trung bộ đến Nam Trung bộ, kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trong thời kỳ tháng 8, tháng 9 và không khí lạnh tăng cường trong thời kỳ tháng 10, tháng 11. Phần nhiều những cơn bão, áp thấp nhiệt đới này tạo nên dải hội tụ có trục đi ngang qua Trung bộ. Do vậy, đa phần Tây Nguyên nằm ở phần phía Nam dải hội tụ này nên mưa lũ thường xuất hiện trong thời gian này. Đặc biệt, nếu bão hoặc áp thấp đổ bộ vào vùng bờ biển từ Bình Định đến Nha Trang thì hoàn lưu của nó thường gây mưa lũ lớn ở Tây Nguyên.

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, mùa mưa bão năm 2021 có khả năng diễn biến không phức tạp như năm 2020. Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có khả năng ít hơn năm 2020 và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Số cơn bão hoạt động trên biển Đông từ 12 – 14 cơn, trong đó số cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam khoảng từ 5 - 7 cơn (đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực biển Đông). Một nửa trong số đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và đó cũng là số cơn bão, áp thấp nhiệt đới có tác động đến tình hình thời tiết, thủy văn các tỉnh Tây Nguyên, tập trung chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 11, với mức độ ảnh hưởng chủ yếu là gây các đợt mưa vừa, mưa to hoặc rất to trên diện rộng sinh lũ, lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Quốc lộ 26 (đoạn qua đèo M’Drắk) bị sụt lún, đứt đoạn trong đợt mưa lũ cuối năm 2020.  Ảnh: Hoàng Tuyết
Quốc lộ 26 (đoạn qua đèo M’Drắk) bị sụt lún, đứt đoạn trong đợt mưa lũ cuối năm 2020. Ảnh: Hoàng Tuyết

Mực nước đỉnh lũ dự kiến năm 2021 sẽ thấp hơn năm trước (năm 2020) và xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, mực nước trên các sông suối thuộc các huyện phía Tây bắt đầu từ tháng 6, cần đề phòng những trận mưa lớn sinh lũ (lũ tiểu mãn), gây ngập ở một số vùng trũng thấp, ven sông. Dự báo số trận lũ khoảng từ 7 - 10 trận, lũ lớn tập trung chủ yếu vào các tháng 8 và tháng 9. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất phổ biến đạt từ báo động 1 đến báo động 2, một số nơi đạt từ báo động 2 đến trên báo động 3, xuất hiện vào tháng 9. Các huyện phía Đông, mùa lũ sẽ bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 11. Dự báo có khoảng từ 3 - 6 trận lũ, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất đạt từ báo động 2 đến báo động 3, một số nơi trên báo động 3, xuất hiện vào tháng 11. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất ở mức xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm và thấp hơn đỉnh lũ năm 2020.

Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa lũ, mực nước trên các sông suối sẽ có dao động đáng kể. Chính vì vậy, Ban Phòng chống lụt bão các tỉnh, các huyện và các địa phương cần quan tâm và có biện pháp kiểm tra lại dung tích thiết kế, cao trình các đập nước, độ rộng của tràn xả lũ, kết cấu và biện pháp thi công đập, thấm ngấm và rò rỉ qua thân đập… Thường xuyên quản lý, điều hành, sử dụng dung tích hồ chứa một cách có hiệu quả và thích hợp; tăng cường các công tác kiểm tra, giám sát công trình khi có mưa to, lũ lớn xảy ra trên diện rộng. Bên cạnh đó cần có các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn một cách tốt nhất, nhằm hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy; có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác dự báo khí tượng thủy văn, nhất là dự báo mưa và dòng chảy nhằm chủ động hơn trong việc quyết định đến thời điểm đóng, mở cống hợp lý…

Võ Duy Phương

Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.