"Rào chắn" nào bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn đuối nước?
Là địa bàn đặc biệt khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước trẻ em, xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) đã nỗ lực triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Trong các năm 2016, 2018, 2019, trên địa bàn xã Ea Hiu xảy ra 5 vụ đuối nước thương tâm khiến 7 trẻ em tử vong. Năm 2016, cả buôn Tà Rầu rúng động bởi vụ đuối nước làm 3 trẻ em tử vong, trong đó, có 2 em là họ hàng. Các em đều là học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, hôm được nghỉ học rủ nhau đi chơi ở khu vực hục nước của mương dẫn nước đập Krông Búk Hạ thì gặp nạn.
Hệ thống mương dẫn nước của đập Krông Búk hạ đi qua các thôn, buôn trên địa bàn xã Ea Hiu hầu như không có rào chắn, biến cảnh báo nguy hiểm. |
Tháng 5-2019, cháu Ai Chi Hô (SN 2011, dân tộc Vân Kiều) ở buôn Tà Rầu qua nhà bà ngoại ở buôn Mò Ó chơi, rồi cùng bạn đi tắm ao của người dân tự đào thì không may bị đuối nước. Mặc dù sự việc đau lòng đó đã xảy ra được 2 năm nhưng anh Ai Thông, bố của cháu Ai Chi Hô vẫn luôn dằn vặt: “Giá như tôi cương quyết không cho cháu đi, giá như tôi dặn dò, nhắc nhở cháu kỹ hơn, giá như cháu biết bơi hoặc ở đó có rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm thì có lẽ tai nạn đã không xảy ra”.
“Nỗi đau đớn, dằn vặt về những vụ đuối nước chỉ được hạn chế khi ý thức về phòng, tránh tai nạn thương tích và sự quan tâm, bảo vệ con trẻ được nâng lên. Không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm nào có thể thay được ý thức tự bảo vệ mình của chính các em và gia đình”.
chị Đào Thị Hải, cán bộ Văn hóa – Xã hội kiêm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em xã Ea Hiu
|
Ông Nguyễn Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hiu thông tin: Trên địa bàn xã có rất nhiều ao, hồ, suối, hục chứa nước, giếng tự đào. Một số đã có biển cảnh báo nhưng sau một thời gian cũng mất, số còn lại hầu như không có hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm đề phòng nguy hiểm theo quy định vì khó khăn về kinh phí. Hệ thống mương dẫn nước của công trình đập Krông Búk Hạ đoạn qua địa bàn xã Ea Hiu có chiều dài khoảng 4 km với nhiều hục thoát nước, nước sâu nhưng không có rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm nên đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm.
Xã Ea Hiu có trên 1.420 hộ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn trên 33,8%, nhiều người phải đi làm ăn xa để con cho ông bà, người thân chăm sóc. Thêm vào đó, xã chưa được đầu tư xây dựng hồ bơi; hệ thống hồ, ao, suối, kênh mương tuy nhiều nhưng không bảo đảm an toàn để có thể dạy bơi cho trẻ.
Chị Đào Thị Hải, Cán bộ Văn hóa – Xã hội kiêm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em xã Ea Hiu cho biết: Xã có diện tích rộng gần 1.200 ha nhưng mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chỉ có 12 người. Việc phổ cập bơi lội và dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ còn nhiều khó khăn do chưa bảo đảm cơ sở vật chất. Hơn nữa, nhận thức của người dân còn hạn chế, chủ quan, lơ là trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ.
Khu vực hục chứa nước trên địa bàn xã Ea Hiu - nơi từng xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm. |
Để hạn chế tai nạn thương tích trẻ em, nhất là tình trạng đuối nước, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các trường học trên địa bàn xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho người dân. Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; lồng ghép công tác tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trong các cuộc họp, qua hệ thống loa truyền thanh xã.
Thầy Nguyễn Văn Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh cho biết, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống đuối nước; nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không tắm, chơi, đùa gần ao, hồ, sông, suối, hố công trình, nhất là trong thời gian nghỉ hè và tạm nghỉ phòng, chống dịch COVID-19. Trường cũng đã bố trí quỹ đất và phối hợp cùng chính quyền địa phương làm tờ trình đề xuất xin kinh phí xây dựng hồ bơi nhằm phổ cập kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn xã.
Yến Ngọc