Multimedia Đọc Báo in

Theo dấu... COVID-19 (kỳ 1)

08:23, 29/06/2021

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, nhất là thời điểm làn sóng dịch thứ tư đang diễn biến phức tạp, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ ngành y tế tỉnh ngày đêm xông pha nơi tuyến đầu, xâm nhập vào ổ dịch, sẵn sàng đương đầu với nguy hiểm để bảo vệ an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Những “thợ săn” COVID-19

Đằng sau những thông báo có các ca bệnh COVID-19 khô khan hằng ngày là "cuộc đua" miệt mài thầm lặng, dũng cảm của đội ngũ cán bộ y tế. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, họ di chuyển liên tục và có khi là trắng đêm để làm việc.

Những bước chân thầm lặng

Đêm đã khuya, dược sĩ Nguyễn Phước An, nhân viên Trạm Y tế phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) cùng các đồng nghiệp trong bộ đồ bảo hộ kín mít vẫn tỏa đi các hướng để truy vết F1, F2 sau khi tiếp nhận thông tin có những trường hợp trên địa bàn đã tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19. Ngay trong đêm họ đã kịp thời khoanh vùng, truy vết được tất cả các trường hợp F1, F2 có liên quan và phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, phun hóa chất khử khuẩn tại các gia đình. Công việc hoàn tất khi đêm đã chuyển về sáng. Cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, mồ hôi ướt đẫm, về đến Trạm mỗi người tìm một chỗ ngả lưng chợp mắt để lấy sức tiếp tục công việc ngày mới.

Dược sĩ Nguyễn Phước An chia sẻ: Từ khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, cả Trạm đều làm việc với cường độ cao, không có ngày nghỉ. Quá trình làm việc, thường xuyên tiếp xúc F1, F2, đôi lúc cũng thấy lo lắng, nhưng rồi công việc cuốn phăng mọi lo ngại, chỉ tâm niệm làm thật nhanh, khoanh vùng thật gọn để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan. Và khi biết kết quả các F1, F2 âm tính với SARS-CoV-2 thì nỗi mệt nhọc tan biến hết, chỉ còn lại niềm vui.

Nhân viên Khoa Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh miệt mài trong labo làm xét nghiệm SARS-CoV-2.
Nhân viên Khoa Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh miệt mài trong labo làm xét nghiệm SARS-CoV-2.

Hơn 4 năm công tác tại Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, tròn một năm trong vai trò là Phó Trưởng Trạm Y tế phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), y sĩ Hoàng Minh Hải không xa lạ với việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để giám sát, điều tra dịch tễ các trường hợp liên quan đến dịch bệnh có khả năng lây nhiễm cao, nhưng vẫn cảm thấy "ngợp" trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư.

Công việc hằng ngày tiếp xúc nhiều người, đặc biệt là các trường hợp từ vùng dịch trở về địa phương, khó tránh khỏi những rủi ro về khả năng lây nhiễm, nhưng anh Hải và đồng nghiệp luôn động viên nhau rằng cứ phòng tốt thì sẽ an toàn cho mình, mọi người.

Cụ thể như trường hợp chiều 8-5-2021, khi cơ quan y tế cấp trên thông báo về trường hợp tạm trú ở hẻm 189/1 đường Mai Hắc Đế dương tính với SARS-CoV-2 (sau đó được Bộ Y tế công bố là ca bệnh 3237) – đây là trường hợp đã đến khai báo y tế và anh là người tiếp xúc gần vào chiều 7-5 và sáng 8-5 nên anh và 7 đồng nghiệp đang ở trạm đã chuẩn bị tâm thế, nhanh chóng thu xếp mọi việc để thực hiện cách ly theo quy định.

Chạy đua với thời gian

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ, kể từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát trên địa bàn, cả trung tâm chưa phút nào được ngừng nghỉ. Ai cũng phải gác lại cuộc sống riêng tư, sắp xếp việc nhà để tập trung chống dịch với mục tiêu đẩy lùi dịch COVID-19.

Nhận chỉ đạo của Ban Giám đốc về một trường hợp đi cùng chuyến bay với ca bệnh COVID-19 số 3836 cần được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, cử nhân Trần Thị Thu Thủy, nhân viên xét nghiệm thuộc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cùng các đồng nghiệp trong đội phản ứng nhanh tức tốc lên đường đến khách sạn H.G (trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) - nơi trường hợp này đang tạm trú.

Đến nơi, họ bắt đầu công việc một cách tỉ mỉ nhưng hết sức quen thuộc, từ mặc đồ bảo hộ, điều tra thông tin người bệnh, đến lấy mẫu, cất mẫu, hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn trong thời gian thực hiện cách ly y tế...

Chị Thủy kể, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, nhất là khi ca bệnh đầu tiên được ghi nhận trên địa bàn thành phố (8-5), chị và các đồng nghiệp không có được giấc ngủ trọn vẹn. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, bất kể thứ ngày, chỉ cần có trường hợp nghi ngờ hoặc liên quan đến các ca bệnh COVID-19 cần điều tra dịch tễ, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn là đội của chị lập tức lên đường. Nhiều lúc cũng sợ hãi vì nguy cơ lây lan rất cao, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhờ đã được đào tạo kỹ càng và tôi luyện qua thực tế, nên chị và các đồng nghiệp rất tự tin, luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột Nguyễn Văn Lý, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và có thể kéo dài, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm đều ý thức được trọng trách của mình và xác định luôn làm việc với quyết tâm cao nhất. Để đáp ứng nhiệm vụ phòng chống dịch, Trung tâm đã thành lập nhóm Zalo 24/24 giờ của 21/21 xã, phường; đồng thời thành lập đội đáp ứng nhanh trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và chi viện, hỗ trợ cho y tế cơ sở khi cần.

Cũng như Trung tâm Y tế thành phố, khi dịch diễn biến phức tạp, Khoa Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) luôn sáng đèn, các y bác sĩ và kỹ thuật viên làm việc không ngơi nghỉ.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện tại một chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện tại một chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Vừa xong một tua xét nghiệm, lại nghe thấy tiếng còi xe về đến dưới sân, ít phút sau, thùng mẫu bệnh phẩm nhanh chóng được thành viên đội phản ứng nhanh chuyển đến khu vực xét nghiệm, dù trời đã tối, cơm chiều chưa kịp ăn, song thạc sĩ sinh học Trần Thị Nguyên Hằng cùng các đồng nghiệp lại tiếp tục công việc bên labo xét nghiệm, tỉ mỉ và thận trọng trong từng thao tác. Chị Hằng cho biết, sau khi nhận mẫu bệnh phẩm, chị và đồng nghiệp phải tiến hành xét nghiệm ngay. Người thì ít mà công việc nhiều nên mọi người đều phải chạy đua với thời gian. Có những hôm quên ăn, làm việc hết cường độ, ngày đêm cần mẫn để có được những kết quả xét nghiệm nhanh chóng và chính xác, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19. Dù hằng ngày phải tiếp xúc với hàng trăm mẫu bệnh phẩm, song việc tiếp xúc với bệnh phẩm đều có nguyên tắc đảm bảo an toàn, nên mọi quy trình đều rất nghiêm ngặt. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế tại đây xác định công việc của mình không chỉ cần nhanh, chính xác mà còn phải bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Có thể thấy, khi công tác phòng chống dịch COVID-19 được đưa lên hàng đầu thì áp lực công việc càng tăng, bất kể là đêm khuya hay sáng sớm, dù ngày làm việc hay thứ bảy, chủ nhật, đội ngũ cán bộ, nhân viên của CDC vẫn luôn miệt mài, thậm chí nhiều trường hợp buổi sáng làm công việc xét nghiệm nhưng buổi chiều đã xông vào tâm dịch để truy vết, lấy mẫu. Bởi ngoài công tác xét nghiệm, với vai trò là đơn vị y tế dự phòng đầu ngành của tỉnh, CDC còn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trong toàn ngành nhanh chóng vào cuộc truy vết, điều tra hành trình đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân mắc COVID-19 để xác định người có nguy cơ, thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm nhằm khoanh vùng ổ dịch, khống chế dịch không lan rộng trong cộng đồng. Thế nhưng, khi được hỏi về những áp lực ấy, tất cả họ lại đều có chung một câu trả lời: “Chúng tôi quen rồi”.

Kim Hoàng

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.