Trợ lực để phụ nữ khởi nghiệp (kỳ 1)
Sau 4 năm triển khai thực hiện, Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" giai đoạn 2017 - 2025 đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, từng bước thay đổi nhận thức,khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo, giúp phụ nữ khởi nghiệp.
Những hướng đi mới trong khởi nghiệp
Khởi nghiệp trong thời đại 4.0, nhiều người đã xác định rõ cơ hội, thách thức, tự tin ứng dụng những thành quả của khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Bắt nhịp xu thế phát triển
Từng khởi nghiệp thành công với sản phẩm tiêu đa sắc, năm 2018, chị Huỳnh Thị Nga (TP. Buôn Ma Thuột) quyết định đầu tư xây dựng thương hiệu Ripe coffee theo mô hình liên kết gia tăng giá trị với đầu ra là cà phê đặc sản. Để thực hiện dự án, chị Nga liên kết với 10 hộ dân sản xuất cà phê hữu cơ tại huyện Cư M'gar, tổng diện tích 10 ha, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, tỷ lệ cà phê chín khi thu hoạch bảo đảm đạt trên 90%. Cà phê cung cấp ra thị trường được rang mộc hoàn toàn để lưu giữ hương vị tinh khiết của cà phê Buôn Ma Thuột. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất cung cấp hơn 1,5 tấn cà phê bột cho các quán cà phê, hệ thống quà đặc sản.
Năm 2020, chị Nga tham gia Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc với dự án “Mô hình liên kết gia tăng giá trị cà phê với đầu ra là cà phê đặc sản tại tỉnh Đắk Lắk” và đã đoạt giải “Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường”, được tài trợ trực tiếp 230 triệu đồng để phát triển. Để quảng bá sản phẩm đến nhiều đối tượng khách hàng, bên cạnh việc bán hàng truyền thống, tham gia hội chợ, chị Nga còn quảng bá sản phẩm qua các trang mạng xã hội, website giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu, tối ưu hệ thống bán hàng, chăm sóc khách hàng.
Chị Huỳnh Thị Nga (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp. |
Chị Lưu Thúy Vân (TP. Buôn Ma Thuột) khởi nghiệp thành công từ kinh doanh online, hiện nay sản phẩm giày cói Valosi của chị đang được phân phối ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mỗi tháng trung bình chị Vân xuất bán từ 100 - 200 đôi giày, thu về lợi nhuận từ 20 - 40 triệu đồng. Chị Vân cho biết: “Ý tưởng khởi nghiệp của tôi xuất phát từ một lần tình cờ lướt mạng Internet để mua hàng. Và cũng chính từ các khóa học online về khởi nghiệp, tôi đã tìm tòi, phát triển mẫu mã, kiểu dáng phù hợp để cạnh tranh được với các sản phẩm khác. Bắt đầu với các đơn hàng nhỏ lẻ từ các trang mạng xã hội, tôi đẩy mạnh marketing lên các sàn thương mại điện tử và nhận được kết quả khá tích cực. Việc quảng bá sản phẩm qua kênh này khá dễ dàng, không cần nhiều nhân lực, tiết kiệm được chi phí đầu tư”.
Tìm cơ hội tiếp cận công nghệ
“Ngoài sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, mỗi phụ nữ cũng cần phải chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng kịp với những thay đổi, từng bước làm chủ khoa học, công nghệ để nắm bắt cơ hội và thành công”.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Phong
|
Cách mạng công nghiệp 4.0 được xác định là “chìa khóa” để phụ nữ nâng cao năng lực, sự sáng tạo và có thêm cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp. Tại chương trình "Tôn vinh nữ doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021" do Hội LHPN tỉnh tổ chức, rất nhiều nữ doanh nhân của tỉnh đã chia sẻ kiến thức khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh; kỹ năng marketing trực tuyến, tạo trang Facebook doanh nghiệp; tạo nội dung và chiến lược tương tác hiệu quả trên mạng xã hội để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh...
Từ những chia sẻ đó có thể thấy, cách mạng 4.0 đã làm giảm đáng kể chi phí khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh so với trước đây. Nhiều doanh nghiệp ngày nay hoạt động, điều hành thông qua mạng Internet; hoạt động marketing cũng dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn trước. Đa số các doanh nghiệp đều đang sử dụng kênh tiếp thị qua mạng xã hội. Đẩy mạnh tiếp cận công nghệ vào sản xuất kinh doanh đã giúp nhiều mô hình hợp tác xã kinh doanh, sản xuất của chị em quảng bá được đến người tiêu dùng trong cả nước và mạnh dạn đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Lazada…
Đồng hành cùng hội viên, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như: đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho lao động nữ; phát triển đa dạng mạng lưới các loại hình dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm để mở rộng cơ hội cho lao động nữ tiếp cận với việc làm trên thị trường lao động; truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động nữ về cách mạng 4.0 ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh.
Giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp. |
Chị Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana chia sẻ: “Ngày nay, chỉ cần ngồi tại nhà với một máy vi tính hay đơn giản là chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, chị em đã có thể lập một trang bán hàng miễn phí trên mạng, dễ dàng tiếp cận với khách hàng mà không phải mất quá nhiều thời gian, công sức, tài chính như trước đây. Từ các chương trình tập huấn khởi nghiệp ở địa phương, chúng tôi nhận thấy đa số chị em mong muốn được nâng cao kiến thức, kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu, thiết kế trang bán hàng trên mạng xã hội”.
Tuy nhiên, việc tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ với hội viên phụ nữ còn nhiều khó khăn, bởi hầu hết chị em phụ nữ nông thôn chưa mạnh dạn xây dựng, phát triển mô hình kinh tế, thiếu kỹ năng sản xuất, tổ chức kinh doanh, đặc biệt là kỹ năng về tiếp thị và làm chủ công nghệ trong thời đại 4.0. Bên cạnh đó, do đặc thù về giới và quan niệm xã hội, chị em còn gặp không ít rào cản trong quá trình khởi nghiệp.
Vân Anh