Multimedia Đọc Báo in

Nghề giao bưu mùa dịch

07:55, 21/07/2021
Những tưởng làm bưu tá là công việc đơn giản, chỉ cần nhận hàng rồi giao gửi đến tay khách hàng, nhưng ít ai biết được rằng, công việc này rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Do đặc thù riêng của công việc, ngoài làm việc giờ hành chính, hầu hết các bưu tá phải làm thêm ngoài giờ. Thời gian mọi người nghỉ ngơi ở nhà chính là lúc họ bận rộn hơn với hành trình chuyển phát bưu phẩm cho khách hàng. Thời gian gần đây, Bưu điện tỉnh có thêm dịch vụ chuyển phát căn cước công dân (CCCD) với tầm quan trọng hơn cả những thư từ, bưu phẩm khác mà bưu tá từng giao nên trách nhiệm chuyển phát đến tay khách hàng lại càng được đặt nặng.

Bưu tá Nguyễn Văn Tuấn (Bưu điện huyện Lắk) giao căn cước công dân cho khách hàng.
Bưu tá Nguyễn Văn Tuấn (Bưu điện huyện Lắk) giao căn cước công dân cho khách hàng.

Bước vào nghề đã hơn ba năm nhưng mất gần hai năm xảy ra dịch bệnh, công việc giao hàng trong mùa dịch của bưu tá Lê Văn Gia Hải (Bưu điện tỉnh Đắk Lắk) có phần khó khăn hơn. Những ngày này, CCCD về nhiều, anh phải tận dụng các khung giờ người dân nghỉ ngơi (từ 11 giờ đến 13 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ) để giao kịp cho khách hàng.

Công việc của anh có phần cực nhọc phần vì thời tiết nắng mưa thất thường, phần vì đi lại trên nhiều tuyến đường hư hại nặng, vừa tiếp xúc với nhiều người trong bối cảnh dịch bệnh. Thế nhưng khi được hỏi về khó khăn với nghề anh vẫn niềm nở tâm sự: “Tuy vất vả, nhưng sau mỗi bưu phẩm được giao, thấy khách hàng niềm nở nhận hàng là mọi mệt nhọc dần tan biến trong tôi. Bạn bè, người thân thấy công việc của tôi phải đi lại, gặp gỡ nhiều người, nguy cơ mắc dịch bệnh rất cao, có đôi lần họ khuyên tôi hãy tìm một công việc nào đó đỡ vất vả, an toàn hơn. Nhưng ai cũng có công việc, đam mê riêng của mình. Bởi vậy, dù có nguy hiểm hay gian khổ thế nào, tôi cũng cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Theo cái nghề “làm dâu trăm họ” này ngoài chiều lòng khách hàng ra còn phải có tinh thần không ngại khó, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 bùng phát nhanh, số ca mắc mới không ngừng tăng lên khiến nhiều người lo lắng.

Thế nhưng, vào những ngày vừa xuất hiện ca mắc mới trên địa bàn huyện Lắk, bưu tá Nguyễn Văn Tuấn làm việc tại Bưu điện huyện vẫn chạy chiếc xe Wave qua từng ngóc ngách, buôn làng để kịp thời mang CCCD đến tay khách hàng.

Với tinh thần không ngại khó, không ngại khổ của người làm nghề giao bưu, anh luôn nỗ lực hết mình để chuyển phát đơn hàng nói chung, CCCD nói riêng đến tay người dân. Anh kể lại: “Đây là lần đầu tiên huyện Lắk có ca nhiễm COVID-19 nên mọi người có phần lo lắng. Hiểu được tâm lý của họ nên tôi đã giải thích tường tận là khi vận chuyển đơn hàng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch mới được phép di chuyển. Nhờ vậy mà khách hàng cũng vơi bớt được lo lắng và yên tâm nhận hàng.

Cũng có những lúc mệt mỏi và lo lắng về nguy cơ lây dịch bệnh, nhưng khi nghĩ đến việc rất nhiều khách hàng đang cần bưu phẩm, đặc biệt là CCCD để giải quyết công việc, tôi lại rong ruổi đến từng địa chỉ cụ thể để giao hàng cho mọi người”.

Bưu tá Lê Văn Gia Hải (Bưu điện tỉnh Đắk Lắk) chạy xe giao hàng qua đoạn đường nham nhở ổ gà giữa trưa.
Bưu tá Lê Văn Gia Hải (Bưu điện tỉnh Đắk Lắk) chạy xe giao hàng qua đoạn đường nham nhở ổ gà giữa trưa.

Ông Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc Bưu điện tỉnh Đắk Lắk cho biết, mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng lực lượng bưu tá trên địa bàn tỉnh vẫn đảm nhiệm việc chuyển phát bưu phẩm đều đặn đến khách hàng với tinh thần “nhanh chóng - chính xác – an toàn”. Đặc biệt, từ đầu tháng 3-2021 đến nay, có thể khẳng định, ngành bưu điện nói chung, những người làm nghề giao bưu nói riêng đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển phát CCCD đến tay khách hàng, giảm bớt gánh nặng cho cơ quan công an trong khâu trả lại giấy tờ quan trọng này và hạn chế thấp nhất việc tập trung đông người trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Khánh Huyền

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.