Multimedia Đọc Báo in

Nhìn lại sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ

10:21, 06/07/2011

Trước tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) năm sau luôn tăng so với năm trước, gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản, ngày 29-6-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ tháng 9-2007. Trên địa bàn tỉnh Dak Lak, sau 5 năm triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, công tác đảm bảo TTATGT có những chuyển biến tích cực, TNGT cơ bản được kiềm chế trên cả 3 tiêu chí và đạt được chỉ tiêu giảm 5-7 % số vụ theo chỉ đạo chung.

Ngay khi Nghị quyết 32 của Chính phủ ra đời, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tập trung thực hiện quyết liệt, nghiêm túc 7 giải pháp nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Vì vậy song song với công tác chỉ đạo kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban An toàn giao thông các cấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT đến mọi người dân. Đề nghị thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp có trách nhiệm giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu chấp hành Luật Giao thông đường bộ; xây dựng chương trình và thường xuyên tổ chức phổ biến các quy định của pháp luật TTATGT, đưa vào làm tiêu chí bình xét thi đua khen thưởng cuối năm. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng xây dựng kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu các trường học nghiêm cấm học sinh không có đủ điều kiện điều khiển xe máy đến trường, thường xuyên thông tin liên quan đến tình hình TTATGT vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, các buổi chào cờ. Tổ chức Đoàn thanh niên các cấp cũng tích cực vào cuộc, với nhiều hoạt động ra quân tuyên truyền, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về đề tài TTATGT; xây dựng mô hình câu lạc bộ, đoàn viên không vi phạm Luật Giao thông đường bộ… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức tự giác chấp hành các quy định khi tham gia giao thông của mọi tầng lớp nhân dân có chuyển biến đáng kể, nhiều quy định trong Nghị quyết đã đi vào cuộc sống như tỷ lệ người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm đạt trên 98%; những trường hợp vi phạm các quy định khác như sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, tránh vượt sai quy định cũng giảm đáng kể…

Học sinh cũng là một trong những đối tượng vi phạm Luật ATGT đường bộ cao.
Học sinh cũng là một trong những đối tượng vi phạm Luật ATGT đường bộ cao.

Đi đôi với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật TTATGT, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xem đây là giải pháp cơ bản vừa có ý nghĩa giáo dục răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức người tham gia giao thông vừa nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế TNGT. Bên cạnh việc nghiên cứu, phát hiện, xử lý, xóa bỏ những điểm “đen” trên các tuyến đường trọng điểm về TNGT, xây dựng kế hoạch phòng ngừa tai nạn đối với các loại phương tiện, phòng chống đua xe trái phép… lực lượng CSGT đã huy động tối đa lực lượng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thường xuyên tổ chức tuần tra khép kín, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tập trung vào những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn như: vi phạm tốc độ, chạy không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt sai quy định… Theo thống kê, nếu năm 2007 lực lượng CSGT phát hiện và lập biên bản 64.688 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thì đến năm 2008 đã tăng lên 107.768 trường hợp; năm 2009 là 128.674 trường hợp; 2010 là 125.346 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2011 là 69.746 trường hợp. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được duy trì thường xuyên đã góp phần quan trọng, hoàn thành mục tiêu kiềm chế TNGT. Vì vậy, mặc dù số lượng phương tiện đăng ký tăng nhanh, trong điều kiện kết cấu hạ tầng cơ sở chưa phát triển tương xứng với nhu cầu nhưng TNGT vẫn được kiềm chế, năm sau giảm hơn năm trước. Qua số liệu thống kê, năm 2007 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 402 vụ TNGT, làm chết 398 người, bị thương 367 người; năm 2008, xảy ra 345 vụ TNGT, làm chết 347 người, bị thương 274 người (giảm 14,18% số vụ, 12,81% số người chết và 25,34% số người bị thương). Đến năm 2009, xảy ra 301 vụ, chết 207 người, bị thương 232 người (giảm 44 vụ (12,75%), giảm 18 người chết (5,5%) và 38 người bị thương (13,8%); năm 2010 xảy ra 296 vụ, làm chết 317 người, bị thương 186 người (giảm 5 vụ, 12 người chết và 50 người bị thương). Tính riêng  6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 147 vụ, làm chết 155 người, bị thương 100 người (giảm 23 vụ, 29 người chết và 16 người bị thương).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, đó là công tác tuyên truyền, có lúc, có nơi vẫn còn chưa được chú trọng đúng mức; công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT chưa thật tập trung, có lúc điều hành thiếu quyết liệt hoặc không liên tục; việc xử lý vi phạm của lực lượng CSGT trong những thời điểm nhất định còn bị buông lỏng; chính quyền địa phương một số nơi có biểu hiện chủ quan… dẫn đến số vụ TNGT xảy ra vẫn còn cao. Để tiếp tục đạt được mục tiêu giảm thiểu từ 5-7% số vụ TNGT hằng năm, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì thực hiện đồng bộ 7 giải pháp mà Nghị quyết 32 đã đề ra, trong đó đặc biệt chú trọng đến 2 giải pháp được đánh giá có tính chất quyết định là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường xử lý vi phạm.

Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia