Multimedia Đọc Báo in

Cần chấn chỉnh nạn "cò" nộp phạt!

08:52, 08/08/2014
Mới đây, tôi có anh bạn điều khiển xe ôtô vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ “tuýt còi”, lập biên bản vi phạm, thu giữ Giấy phép lái xe và hẹn 5 ngày sau lên Phòng CSGT (Công an tỉnh) giải quyết .
 
Đúng hẹn, tôi và anh bạn lên Phòng CSGT, được cán bộ ở đây đưa biên bản vi phạm và hướng dẫn đến Kho bạc Nhà nước TP. Buôn Ma Thuột nộp phạt, mang biên lai về nộp lại để lấy Giấy phép lái xe bị tạm giữ trước đó. Khi vừa bước ra khỏi phòng làm việc, có một người đàn ông trung tuổi chạy tới hỏi han và ngỏ ý muốn giúp đỡ chúng tôi nộp phạt nhanh chóng trong vòng 5-10 phút, với điều kiện “bồi dưỡng” cho ông ta vài chục nghìn đồng để uống nước, xăng xe đi lại! Mặc dù chúng tôi đã giải thích rõ là có phương tiện riêng, biết đường đi đến Kho bạc và có thể tự nộp phạt được, song người đàn ông này vẫn đeo bám dai dẳng; kỳ kèo mãi biết không thuyết phục được chúng tôi, ông ta đành bỏ đi tìm “con mồi” khác và không quên buông ra những lời lẽ thô tục. Không riêng gì chúng tôi mà đa số những người vi phạm Luật GTĐB khi đến làm thủ tục nộp phạt tại Phòng CSGT đều cảm thấy bức xúc khi có hàng chục người thường xuyên tiếp cận muốn “giúp đỡ”. Qua tìm hiểu được biết: đa số “cò” là cánh xe ôm, thường tụ tập trước Phòng CSGT tìm cách “giúp đỡ” người vi phạm để kiếm thêm thu nhập! Đối với những người dân sinh sống trên địa bàn thành phố, hiểu rõ đường đi lối lại thì việc nộp phạt ở Kho bạc là điều dễ dàng, bởi khoảng cách từ Phòng CSGT đến Kho bạc Nhà nước thành phố khá gần (khoảng 4km). Tuy nhiên, với nhiều người nông dân chân lấm tay bùn ở các huyện tới, do không biết đường và muốn tiết kiệm thời gian đi lại, tránh thủ tục rườm rà nên đành ngậm ngùi chi thêm vài chục nghìn đồng cho “cò”.

Từ lâu, việc nộp tiền vi phạm Luật GTĐB được thực hiện theo một nguyên tắc “bất di bất dịch”, đó là tài xế điều khiển phương tiện bị lực lượng chức năng xử lý sẽ phải đến cơ quan Công an nơi xử phạt để lấy biên bản, sau đó nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước và lấy biên lai quay trở lại cơ quan Công an lấy giấy tờ hoặc phương tiện bị tạm giữ. Chính từ những thủ tục hành chính có phần chậm chạp và lòng vòng này đã vô tình tạo cơ hội cho đội quân “cò” lợi dụng nộp phạt thuê để trục lợi. Mới đây, Bộ Công an vừa ban hành Dự thảo lần 1 Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB”. Theo đó, Bộ Công an đưa ra dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền. Việc làm này nhằm đơn giản thủ tục hành chính, giúp người vi phạm đỡ phiền hà do phải đi lại nhiều lần. Tuy nhiên, đề xuất này cũng đang còn nhiều vướng mắc do nhiều người cho rằng việc nộp phạt trực tiếp sẽ gây nên tình trạng tham nhũng và tiêu cực trong lực lượng CSGT, và hiện vấn đề này đang được Quốc hội xem xét…

Thiết nghĩ, khi vi phạm phải bị phạt là lẽ đương nhiên và không ai kêu ca, thắc mắc về điều đó. Chỉ có điều sự xuất hiện của “cò” nộp phạt thuê đã làm xấu đi môi trường văn hóa nơi công sở, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết công việc của người dân. Đề nghị, các ngành chức năng cần có biện pháp chỉ đạo để khắc phục tình trạng trên, tránh làm ảnh hưởng tới môi trường làm việc chung của nhiều người.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.