Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực hoàn thiện pháp luật về trẻ em theo tinh thần Công ước Liên hiệp quốc

09:36, 19/11/2016

Ngày 20-2-1990, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em năm 1989.

Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em là văn bản quốc tế đầu tiên đề cập đến quyền trẻ em theo hướng tiến bộ, bình đẳng, toàn diện và mang tính pháp lý cao. Công ước đã quy định 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em gồm quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được tham gia và quyền được phát triển.

Kể từ khi phê chuẩn Công ước, nước ta đã nỗ lực hoàn thiện các quy định pháp luật về trẻ em theo tinh thần của Công ước. Quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục kế thừa tại các bản Hiến pháp tiếp theo. Tuy nhiên, chỉ đến Hiến pháp 1992 (thời điểm sau khi đã phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em) thì quyền trẻ em mới được quy định cụ thể, rõ ràng và trở thành một chế định hoàn chỉnh. Theo đó, quyền trẻ em được quy định tại các Điều 40, Điều 50, Điều 59, Điều 63, Điều 65 với các nội dung khẳng định các quyền cơ bản, thiêng liêng của trẻ em gồm quyền được học tập, chăm sóc, bảo vệ về mặt thể chất và tinh thần. Đến Hiến pháp 2013 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung “quyền được tham gia của trẻ em” nhằm thực hiện đầy đủ điều ước quốc tế về quyền trẻ em.

Các em học sinh tham dự buổi sinh hoạt ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh.  Ảnh: H. Gia
Các em học sinh tham dự buổi sinh hoạt ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: H. Gia

Pháp luật chuyên ngành về trẻ em cũng từng bước hoàn thiện theo tinh thần Công ước quốc tế. Cụ thể, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành lần đầu tiên vào ngày 12-8-1991,  sau một thời gian thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót và được thay thế bằng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15-6-2004 theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em, phù hợp hơn với tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều thay đổi, có những vấn đề chính liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần được nghiên cứu, sửa đổi. Vì vậy, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đã được sửa đổi bằng Luật Trẻ em ngày 5-4-2016 (có hiệu lực ngày 1-6-2017), qua đó thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện quyền trẻ em trong tình hình mới; ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền trẻ em; thể chế hóa Điều 37 Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội; bảo đảm hội nhập quốc tế, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người, quyền trẻ em, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước về quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình cũng từng bước được hoàn thiện. Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ trẻ em. Sau một thời gian thi hành, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ra đời đã khắc phục những thiếu sót, bất cập của Luật năm 2000, đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền lợi của trẻ em. Theo đó, ngay trong các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, Luật đã nhấn mạnh về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nhằm hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; bảo vệ tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; ghi nhận quyền được bày tỏ ý kiến của trẻ em mong muốn được sống chung với cha hoặc mẹ trong trường hợp cha mẹ ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Ngoài ra, Luật còn có những quy định mới nhằm thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc cho trẻ em một cách tốt nhất như: chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quy định về việc xác định cha mẹ con… Những quy định mới này là sự cụ thể hóa quyền được tham gia, quyền được phát triển của Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em.   

Ngoài ra, các quy định pháp luật về trẻ em trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính… cũng từng bước hoàn thiện theo tinh thần Công ước Liên hiệp quốc. Luật Hình sự bảo vệ trẻ em trên hai phương diện: khi trẻ em cùng với các quyền trẻ em là đối tượng bị xâm hại và cả khi bản thân trẻ em có hành vi phạm tội. Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi năm 2009 đã có những quy định được sửa đổi theo tinh thần Công ước quốc tế nhằm bảo vệ tốt nhất cho trẻ em. Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới theo hướng bảo đảm tốt nhất lợi ích cho người chưa thành niên. Bộ luật Dân sự cũng trải qua các thời kỳ với nhiều thay đổi gồm: Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và hiện nay đã ban hành Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực ngày 1-1-2017) với các quy định pháp luật về trẻ em ngày càng hoàn thiện theo tinh thần Công ước quốc tế, nhất là việc ghi nhận các quyền tham gia của trẻ em trong quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Cũng như các ngành luật khác, ngành luật hành chính coi trẻ em là một đối  tượng đặc biệt. Vì vậy, từ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi năm 2008), đến Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đều có những quy định áp dụng riêng đối với trẻ em khi vi phạm hành chính, các quy định này ngày càng hoàn thiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người chưa thành niên.

Trong hệ thống pháp luật nước ta còn có nhiều văn bản pháp luật có chứa các quy định nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ quyền trẻ em như: Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi, Luật Hộ tịch, Luật Bảo hiểm xã hội (quy định nghỉ thai sản 6 tháng); quy định về công nhận nghề công tác xã hội; cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi…

Phan Hiền

(Sở Tư pháp)   


Ý kiến bạn đọc