Multimedia Đọc Báo in

Tổ chức Đoàn xung kích trong tuyên truyền phòng, chống ma túy

13:57, 20/12/2018

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực làm giảm nguy cơ phát sinh, đẩy lùi tội phạm và tình trạng nghiện ma túy, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội tại cơ sở, từng bước xây dựng nếp sống văn hóa, có trách nhiệm trong thanh thiếu niên.

Nhiều hoạt động thiết thực

Tại huyện Krông Pắc, các tổ chức cơ sở Đoàn lấy nòng cốt chi đoàn Công an ở xã, thị trấn để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác, phòng ngừa phát hiện, tố giác tội phạm của các cơ quan, đơn vị và người dân; đồng thời tổ chức các cuộc thi sáng tác tiểu phẩm, thi tìm hiểu, giao lưu văn nghệ, tổ chức hội trại... thu hút thanh thiếu niên tham gia. Bên cạnh đó, các đơn vị còn triển khai xây dựng “Chi đoàn 3 không với ma túy”; chủ động phối hợp với lực lượng chức năng nắm số lượng thanh thiếu niên nghiện ma túy trên địa bàn để tuyên truyền, vận động cai nghiện theo nhiều hình thức và giúp đỡ họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Tiểu phẩm tuyên truyền về tác hại của ma túy của Đoàn xã Ea Wy, huyện Ea H'leo.
Tiểu phẩm tuyên truyền về tác hại của ma túy của Đoàn xã Ea Wy, huyện Ea H'leo.

Anh Nguyễn Văn Cương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Krông Pắc cho biết: “Thời gian qua, Huyện Đoàn đã giới thiệu việc làm, giúp học nghề cũng như hỗ trợ vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ khởi nghiệp để xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế giúp đỡ thanh niên sau cai; giao chỉ tiêu cho các Đoàn xã, thị trấn nhận giúp đỡ từ 1-2 thanh niên sau cai nghiện tại địa phương. Giai đoạn 2017-2018, các tổ chức cơ sở Đoàn trong huyện đã giúp đỡ được 15 thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng”.

Hưởng ứng phong trào phòng, chống ma túy trên địa bàn, đồng thời cụ thể hóa các nội dung tuyên truyền về tác hại của ma túy đến đoàn viên thanh niên trong khối, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh đã tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ “Thắp sáng niềm tin” với cán bộ, học viên tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh. Bên cạnh phần giao lưu văn nghệ với nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, gia đình... các cán bộ, đoàn viên, thanh niên còn lắng nghe những tâm sự và nguyện vọng của học viên tại đây. Anh Nguyễn Quang Dương, Bí thư Chi đoàn Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh cho hay: “Đây là hoạt động ý nghĩa phát huy vai trò chủ động của tổ chức Đoàn trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự; nâng cao nhận thức cho các đoàn viên thanh niên về công tác phối hợp giáo dục những người nghiện ma túy để các học viên sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội”.

Nỗ lực đẩy lùi tệ nạn ma túy

Hiện nay, tình hình tội phạm ma túy xảy ra ở hầu hết các địa bàn, tính chất ngày càng nghiêm trọng, hình thành một số điểm phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều dạng ma túy mới xuất hiện như ma túy đá, bóng cười, nấm thần… đang gây những hệ lụy không nhỏ cho gia đình và xã hội. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong năm 2018, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 185 vụ, 230 đối tượng phạm tội về ma túy; khởi tố 178 vụ, 216 bị can. Hiện số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là 1.734 người.

 
“Hiện nay, các tổ chức cơ sở Đoàn đang truyền thông theo hình thức sân khấu hóa với những tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống tội phạm, ma túy gắn liền với thực tế tại các địa phương, đơn vị. Hình thức này góp phần nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên và người dân về các vấn đề pháp luật”.
 
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Bí thư  Tỉnh Đoàn

Thực hiện Kế hoạch liên tịch 01/2010/KHLT giữa Tỉnh Đoàn và Công an tỉnh về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên”, Đề án 90 của UBND tỉnh về "Hỗ trợ thanh thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020", hằng năm, các cấp bộ Đoàn chủ động phối hợp với lực lượng chức năng, các tổ chức, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống ma túy cũng như tác hại của tệ nạn ma túy đến cộng đồng, xã hội. Trong năm 2018, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Công an tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức 9 hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, đảm bảo an toàn giao thông trong thanh thiếu niên tại các huyện và Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên thu hút hơn 2.700 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Tuy nhiên công tác này vẫn còn những hạn chế, ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có sự phối hợp thường xuyên với các ngành liên quan để nâng cao hiệu quả tuyên truyền; nguồn vốn hỗ trợ thanh niên tái hòa nhập cộng đồng còn hạn hẹp. Ngoài ra, không tìm được việc làm ổn định, tâm lý tự ti, mặc cảm cũng là nguyên nhân khiến những người sau cai nghiện trở về địa phương khó hòa nhập cộng đồng, từ đó dễ tái nghiện...

Đại diện Huyện Đoàn Krông Pắc chia sẻ kinh nghiệm công tác hỗ trợ thanh niên sau cai ở địa phương tại buổi Tọa đàm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong đoàn viên thanh niên năm 2018.
Đại diện Huyện Đoàn Krông Pắc chia sẻ kinh nghiệm công tác hỗ trợ thanh niên sau cai ở địa phương tại buổi Tọa đàm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong đoàn viên thanh niên năm 2018.

Thiết nghĩ, bên cạnh những hoạt động tuyên truyền, tổ chức Đoàn thanh niên rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội để xây dựng mô hình phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, tạo điều kiện cho thanh niên mắc nghiện được đi cai. Đồng thời, quản lý, giúp đỡ sau khi họ cai nghiện trở về với việc mở các lớp dạy nghề miễn phí, tạo cơ hội việc làm, hỗ trợ các suất vốn vay khởi nghiệp giúp thanh niên sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.