Multimedia Đọc Báo in

Ea Chai cần lắm những chuyến đò an toàn

14:18, 03/01/2014
Để phục vụ việc dạy và học của con em đồng bào thôn Ea Chai, những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Krông Ana đã chủ động xây dựng một tuyến đò qua sông Krông Ana. Tuy nhiên sau một thời gian, chuyến đò đã xuống cấp và đã được thay thế bằng một chiếc đò khác, nhưng không bảo đảm an toàn.
Thôn 6, xã Bình Hòa - thường gọi là thôn Ea Chai - (huyện Krông Ana)  cách trung tâm xã chỉ  gần 1km theo đường chim bay, nhưng phải đi vòng vèo qua chiếc cầu phao với quãng đường dài hơn 4 km. Thế nhưng muốn vào được Ea Chai, phải đi trên con đường độc đạo do Nông trường Tháng 10 thi công cách đây hàng chục năm mà theo người dân thì con đường này đã lún thấp hơn so với trước gần 1m. Vì vậy, mùa nắng đã khổ, khi mưa xuống, Ea Chai như một ốc đảo giữa mênh mông nước, cuộc sống người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Cùng với công cuộc mưu sinh của người dân, hiện thôn Ea Chai có 57 học sinh đang theo học tại các trường THPT tại thị trấn Buôn Trấp và Trường THCS Lê Văn Tám tại trung tâm xã; 86 học sinh tiểu học và 22 học sinh mầm non học tại điểm Trường Mầm non Sao Mai và điểm Trường Tiểu học Trần Quốc Toản trong thôn. Đi kèm với đó, để phục vụ cho hai điểm trường này là 12 cán bộ giáo viên mầm non và tiểu học ở phân hiệu chính phía trung tâm xã thường xuyên qua lại phân hiệu Ea Chai để giảng dạy (chưa kể các hoạt động chuyên môn thường xuyên của Ban giám hiệu các trường trên). Trước những khó khăn vất vả mà thầy và trò thôn Ea Chai phải đối mặt, qua kiến nghị của chính quyền địa phương và người dân, từ năm 2011 đến nay, Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một tuyến đò quyết tâm “chở” chữ vượt sông Krông Ana. Phòng GD-ĐT đã đứng ra hợp đồng với một chủ đò chuyên nghiệp, có thuyền máy lớn, có đầy đủ điều kiện chuyên chở khách đường thủy nội địa để thực hiện ý tưởng này. Cùng với 5 triệu đồng hỗ trợ ban đầu để chủ đò tu sửa lại phương tiện theo tiêu chuẩn quy định, mỗi tháng, Phòng GD-ĐT còn trả cho người lái đò 2 triệu đồng trong 10 tháng/năm và 40 triệu đồng kinh phí nhiên liệu trong suốt quá trình phục vụ. Như vậy, với 65 triệu đồng, Phòng GD-ĐT huyện đã giải quyết được việc dạy và học của 177 con người, bảo đảm an toàn và hiệu quả. Bên cạnh việc chuyên chở thầy và trò, chiếc đò trên cũng phục vụ đắc lực cho việc di chuyển qua sông Krông Ana của 176 hộ dân với 734 nhân khẩu, nhất là trong những trường hợp đặc biệt như người dân ốm đau, bệnh tật cần qua sông để đến bệnh viện…
Học sinh thôn Ea Chai đang phải đến trường bằng những chuyến đò  không bảo đảm  an toàn.
Học sinh thôn Ea Chai đang phải đến trường bằng những chuyến đò không bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên sau mấy năm đưa vào sử dụng, chiếc đò ban đầu đã xuống cấp và không thể chuyên chở người một cách an toàn. Do đó, từ đầu năm học 2013-2014, chủ đò Phạm Văn Sỹ đã phải sử dụng đò chở lúa để vận chuyển người qua lại trên sông Krông Ana. Do thiết kế là đò chở lúa nên không có ghế ngồi, không mái che và đương nhiên là không thể dùng để chở người qua sông một cách an toàn. Ông Phạm Văn Sỹ chia sẻ, sợ nhất là chở các em học sinh qua sông vì các em còn nhỏ, chưa rành sông nước, nếu gặp sự cố rất nguy hiểm. Hiện tại khúc sông này ngày một rộng và sâu hơn do biến đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông. Giao thông trắc trở, đời sống của người dân càng chồng chất khó khăn. Điều đáng nói là trong những năm qua, nhiều người phải bỏ mạng tại khúc sông oan nghiệt này. Trưởng thôn Ea Chai Phạm Xuân Phận cho biết, vào mùa mưa, các hộ dân nơi đây chỉ biết quẩn quanh trên một vùng đất hẹp giữa mênh mông nước. Cuộc sống ấy cứ kéo dài năm này qua năm khác. Mấy năm qua, đã có nhiều người tử nạn tại khúc sông này. Cách đây khoảng 2 tháng, do vội đến trường đã có một em học sinh bị chết đuối khi đi “quá giang” trên một chiếc thuyền đánh cá. Đây quả là cái giá quá đắt cho hành trình tìm chữ của trẻ em nơi đây… Trước thực trạng trên, Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana đã nhiều lần đề xuất lên các cấp, các ngành sớm trang bị một chiếc đò bảo đảm an toàn nhưng chưa được hồi đáp.

Hình ảnh con đò nhỏ lênh đênh giữa dòng nước chảy xiết, đưa hàng chục em học sinh sang sông Krông Na mỗi ngày để đến trường đã khắc sâu trong nỗi lo âu của người dân nơi đây. Với những gì được thấy, được nghe trên con đò vượt sông Krông Na cùng các em học sinh, các thầy cô giáo càng thấu hiểu niềm mong ước có một chuyến đò an toàn đến cháy lòng của người dân nơi “ốc đảo” này. Mong rằng, chính quyền và các cơ quan chức năng sớm quan tâm tạo điều kiện trang bị một chiếc đò bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn để việc đi lại của bà con và việc đến trường của thầy và trò được thuận tiện, an toàn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.