Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc của người thầy

09:48, 20/11/2020

Trong Chương trình tôn vinh và tri ân thầy cô giáo toàn quốc được Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức vừa qua, những "người đưa đò" thầm lặng trên khắp mọi miền Tổ quốc đã có dịp gặp gỡ, chia sẻ những câu chuyện xúc động về nghề.

Tùy hoàn cảnh, điều kiện, tùy trải nghiệm mà mỗi người có quan niệm khác nhau về hạnh phúc, nhưng đều gặp nhau ở một điểm là cố gắng làm những gì tốt nhất cho học sinh.

Với giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Bố Trạch - trường thuộc địa bàn biên giới vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Bình, thì trong đợt bão lũ vừa qua, việc bảo đảm cho học sinh được an toàn, đủ cái ăn là điều hạnh phúc nhất. Thầy Hoàng Đức Hòa, Hiệu trưởng nhà trường kể rằng, mưa lũ làm sạt lở tuyến đường độc đạo về xuôi, toàn trường với gần 300 học sinh hoàn toàn bị cô lập suốt hơn 2 tuần khiến thức ăn dự trữ dần cạn kiệt, các thầy đã đưa ra quyết định táo bạo là kết bè chuối bơi vượt lũ đoạn qua hang Tám Cô để ra bên ngoài vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho học sinh. Vì đường sá đi lại khó khăn, năm nào cũng bị chia cắt do mưa lũ nên việc kết bè chuối vượt lũ đã không còn xa lạ, với giáo viên nơi đây, bên cạnh nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để truyền thụ kiến thức cho học sinh dân tộc thiểu số thì kỹ năng không thể thiếu là bơi lội và kết bè chuối để có thể lo cho các em một cách thiết thực như vậy.

Hạnh phúc còn là sự gắn kết tình người, tình đồng nghiệp trong đời thường cũng như lúc nguy nan. Khi mưa ngớt, nước rút nhưng mối nguy sạt lở vẫn cận kề, Ban Giám hiệu nhà trường quyết định rút toàn bộ thầy cô đang cắm bản về xuôi, các thầy cô ở xuôi ngược rừng lên đổi ca, đến đoạn đường sạt lở thành vực sâu, họ để xe máy lại, lội bộ mang vác tư trang, lương thực, thực phẩm băng rừng hàng tiếng đồng hồ mới đến điểm đồng nghiệp đang chờ phía bên kia bờ vực. Gặp lại nhau sau cả tháng bị cô lập giữa đại ngàn Trường Sơn đã là điều xúc động; xúc động hơn nữa là ban đầu có 15 thầy cô cắm bản trước đó ra điểm chờ giao ca để về xuôi, nhưng rồi sau đó có 6 người quyết định không về nữa mà quay lại hỗ trợ cho những đồng nghiệp mới lên vì tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp.

Với nhiều giáo viên ở các bản làng xa xôi, nơi đời sống đồng bào vẫn còn nghèo khó, lạc hậu, thì hạnh phúc đơn giản chỉ là học sinh đến trường, được học chữ, được ăn no. Để có được điều đơn giản ấy, thầy cô đã phải cố gắng rất nhiều. Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, việc duy trì sĩ số học sinh đã khó, việc tổ chức học 2 buổi/ngày theo quy định càng khó hơn vì nhiều em nhà rất nghèo, bố mẹ đi làm rẫy xa cả ngày không về nên các em thường nhịn đói đi học, có em nhỏ nhịn cả bữa sáng, bữa trưa, lội bộ mấy cây số đến trường thì lả đi. Trước thực trạng đó, giáo viên không chỉ vào tận bản tìm và vận động học sinh đến lớp mà còn tự nguyện đóng góp nấu bữa trưa ở trường để giữ học sinh ở lại học cả ngày. Cô Hồ Thị Thúy Vân - nguyên Hiệu trưởng nhà trường, người khởi xướng bữa trưa tại trường cho học sinh chia sẻ rất chân tình rằng, hạnh phúc nhất là nhìn thấy các con mạnh khỏe mỗi sáng đến trường và nở nụ cười tươi.

Nhọc nhằn đường đến trường của học sinh xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum).     Ảnh: baokontum.com.vn
Nhọc nhằn đường đến trường của học sinh xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). Ảnh: baokontum.com.vn

Hạnh phúc lớn nhất của người thầy là thấy học trò mình trưởng thành, làm những điều có ích cho xã hội. Với thầy Hoàng Đức Mạnh, giáo viên Trường THCS Lê Thanh Mỹ Đức (Hà Nội), niềm vui như lớn hơn khi trong số học sinh đã trưởng thành ấy, nhiều em đã từng bị xem là học sinh cá biệt, bị gia đình bỏ mặc, bạn bè tránh xa. Để đưa các em trở lại lớp học, thầy cho rằng, phải bắt đầu từ nhận thức, không có học sinh cá biệt, chỉ có học sinh khác biệt, mà học sinh khác biệt thì cách giáo dục cũng phải khác biệt mới có hiệu quả.

Hơn 20 năm trong nghề, chuyên nhận lớp, nhận học sinh được xếp vô diện cá biệt, thầy hiểu hơn giá trị của niềm tin và sự thấu hiểu, chia sẻ. Thầy có niềm tin vào sự hướng thiện trong mỗi học sinh, luôn đặt mình vào hoàn cảnh những trường hợp được xem là “nổi loạn” để hiểu một cách tường tận ngọn nguồn dẫn đến sự nổi loạn ấy, từ hoàn cảnh gia đình đến đặc điểm bản thân, tâm tư nguyện vọng, điểm mạnh điểm yếu của chính học sinh, từ đó tìm ra cách tốt nhất giúp các em tháo gỡ khúc mắc, vượt qua mặc cảm để trở nên tiến bộ. Với thầy, hạnh phúc lớn nhất không phải là đào tạo được nhiều học sinh giỏi, có danh hiệu, giấy khen, mà tạo cho các em hứng thú học tập, truyền cho các em ngọn lửa đam mê, ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Có thể nói, với thầy cô giáo, hạnh phúc chính là những điều đơn giản mà thấm đượm nhân văn như vậy. Luôn cố gắng làm những gì tốt nhất cho học sinh, thầy cô giáo ở khắp mọi miền Tổ quốc đã góp phần quan trọng vào thành tựu của ngành giáo dục thời gian qua.

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.