Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi bản thân bằng… chạy bộ

13:42, 24/04/2021

Câu lạc bộ (CLB) Dak Lak Runners được xem là lá cờ đầu về phong trào chạy bộ trên địa bàn tỉnh. Các thành viên trong câu lạc bộ có nhiều cách để lan tỏa phong trào chạy bộ, chia sẻ năng lượng, đam mê để cùng nhau chinh phục mục tiêu mới của bản thân.

Anh Phạm Văn Vương Quốc, kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Yok Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) - người lập nên CLB Dak Lak Runners cho biết, chạy bộ đã giúp bản thân anh thay đổi từ ngoại hình cho đến suy nghĩ theo hướng tích cực. Anh bắt đầu chạy bộ từ năm 2016, với những bước chạy ở cự ly ngắn, sau đó tăng tốc và đến nay anh đã chinh phục nhiều đường đua chuyên nghiệp ở cự ly tối đa (42,195 km), trong đó có Giải Vô địch Quốc gia Marathon và Cự ly dài Báo Tiền Phong. Để lan tỏa phong trào đến các đồng nghiệp, anh Quốc lập CLB Yok Don Runners vào ngày 27-6-2018. Về sau, anh kết nối thêm một số bạn tại TP. Buôn Ma Thuột có cùng đam mê và tìm được tiếng nói chung nên quyết định đổi tên CLB Yok Don Runners thành Dak Lak Runners.

Các thành viên CLB Dak Lak Runners khởi động trước khi chạy bộ.
Các thành viên CLB Dak Lak Runners khởi động trước khi chạy bộ.
"Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay CLB Dak Lak Runners có 380 người trên trang Facebook, trong đó trên 30 người tham gia thường xuyên. Chỉ cần muốn thay đổi bản thân để có suy nghĩ và lối sống tích cực thì bạn đã đủ điều kiện để làm thành viên của CLB”.
Chủ nhiệm CLB Dak Lak Runner Phạm Văn Vương Quốc

Mỗi thành viên có một công việc, thời gian rảnh rỗi khác nhau nên CLB tổ chức chạy chung một buổi vào ngày cuối tuần. Để tạo sự gắn kết, duy trì “lửa” đam mê cho các thành viên, anh Quốc tạo một thử thách. Theo đó, mỗi người sẽ đăng ký tổng số km chạy trong một tuần; ai không đạt, tự nguyện đóng phạt vào quỹ. Mỗi tháng một lần, CLB tổ chức sinh nhật cho các thành viên có ngày sinh trong tháng, đây là dịp để chia sẻ kinh nghiệm chạy bộ và những câu chuyện trong cuộc sống. Ngoài ra, anh Quốc cùng một số thành viên tích cực trong nhóm tổ chức các sự kiện nhỏ như: Chạy bộ kết hợp du lịch, thư giãn cuối tuần; chạy bộ chinh phục những cung đường mới hoặc tổ chức các giải nhỏ nội bộ như 30-4, 1-6 và các hoạt động thiện nguyện khác.

Chị Trần Thị Hải Yến, Chủ hiệu bánh Yến Trần Cake, TP. Buôn Ma Thuột - thành viên CLB tâm sự, áp lực công việc, gia đình… khiến chị muốn tìm một môn thể thao để giải tỏa. Đặc biệt, sau khi sinh con thứ hai, chị nhận thấy sức khỏe kém đi, cơ thể “sồ” ra. Chị tìm đến gym (tập thể hình) nhưng chỉ được thời gian ngắn vì bộ môn này phụ thuộc nhiều vào huấn luyện viên, giờ giấc mở cửa phòng tập... Chị Yến bắt đầu đi bộ, nhưng có một mình dễ chán. Tình cờ qua người bạn, chị biết đến CLB Dak Lak Runner và tích cực tham gia từ đó đến nay.

Anh Phạm Văn Vương Quốc (đội mũ) chạy bộ cùng những người bạn.
Anh Phạm Văn Vương Quốc (đội mũ) chạy bộ cùng những người bạn.

Mỗi ngày, chị Yến đều sắp xếp thời gian chạy bộ 5 - 6 km, lúc rảnh rỗi thì chạy hơn 10 km. “Thứ tôi lời nhất khi chạy bộ chính là sức khỏe. Ngoài ra, tôi có cơ hội biết thêm nhiều người bạn, cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Có những lúc trời mưa, chúng tôi vẫn hẹn nhau chạy, ký ức tuổi thơ quay về, thật ấm áp”, chị Yến nhớ lại.

Kỷ niệm chị Yến nhớ và xúc động nhất là cùng các thành viên CLB Dak Lak Runner tham gia chạy tiếp sức “tuổi 36 mãi xanh” vào ngày 18-10-2020 để tưởng nhớ 100 ngày mất của người bạn X.A trong nhóm. Anh là thành viên năng nổ và rất dễ mến, sự ra đi của X.A khiến nhiều thành viên tiếc nuối. Do đó, từ sáng sớm, các thành viên CLB thay nhau chạy nhiều vòng ở TP. Buôn Ma Thuột rồi chạy xuống huyện Cư Kuin (nơi an nghỉ của X.A) cho đủ 100 km. Cuộc chạy thành công, cán đích sớm hơn dự kiến, các thành viên đến mộ viếng X.A.

Thanh Thủy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.