Multimedia Đọc Báo in

Luyện tập thể thao mùa COVID-19

14:58, 05/06/2021

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, TP. Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách xã hội, các trung tâm, câu lạc bộ, phòng tập thể thao phải đóng cửa.

Để tự bảo vệ, giữ gìn thể lực, tăng cường sức đề kháng, nhiều người đã chủ động lựa chọn môn thể thao phù hợp để tập luyện tại gia đình hoặc những địa điểm thoáng mát, ít tập trung đông người. Hoạt động thể thao phong trào do đó vẫn diễn ra khá sôi động.

Có thể nhận thấy kể từ khi dịch bệnh COVID-19 lần thứ nhất bùng phát, ý thức rèn luyện, tự bảo vệ sức khỏe của người dân theo khuyến cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế đã được nâng lên đáng kể. Những lợi ích không thể phủ nhận của việc tập luyện thể thao có tác dụng như một liều “doping” kích thích, thu hút người dân tham gia tập luyện nhiều hơn, đưa phong trào thể thao quần chúng phát triển.

Người dân tập luyện thể thao tuân thủ nghiêm quy tắc 5K trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Người dân tập luyện thể thao tuân thủ nghiêm quy tắc 5K trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người đã chủ động lựa chọn môn thể thao phù hợp để tập luyện tại gia đình hoặc những địa điểm thoáng mát, ít tập trung đông người.

Hơn 1 năm nay, anh Phan Văn Tâm (xã Hòa Thuận) đều đặn mỗi sáng chạy bộ 30 phút. Anh chia sẻ, mình lựa chọn môn thể thao này bởi nó phù hợp, không phải đầu tư chi phí về sân bãi, dụng cụ tập luyện như một số môn thể thao khác. Hơn nữa, theo thực tế trải nghiệm của anh thì đây có lẽ là môn thể thao rất có lợi cho sức khỏe, giúp kiểm soát cân nặng, ổn định tim mạch, cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng.

Một số người chọn luyện tập môn cầu lông, bởi chi phí đầu tư vừa phải, hợp túi tiền, đồng thời môn thể thao đối kháng này có cự ly giãn cách hợp lý, đảm bảo tuân thủ một trong những quy tắc 5K trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Còn với những người theo học các môn thể thao đòi hỏi có kỹ thuật, cần huấn luyện viên hướng dẫn như yoga thì lại lựa chọn cho mình hình thức tập luyện trực tuyến, xem và thực hành các bài tập, động tác qua livestream trên mạng xã hội. Đơn cử như trên trang Facebook của Huấn luyện viên, vận động viên yoga tên tuổi của Đắk Lắk Khổng Thị Xuân đang có rất đông người theo dõi, học trực tuyến theo những tài liệu, bài tập do cô hướng dẫn.

Tương tự, môn thể thao đạp xe cũng đang thu hút đông người tập luyện. Có thể thấy mỗi sáng sớm, nhiều nhóm, câu lạc bộ xe đạp từ TP. Buôn Ma Thuột đi về các vùng ngoại ô tập luyện thể lực, mọi người đều ý thức giữ khoảng cách an toàn theo quy định.

Xe đạp là môn thể thao được nhiều người chọn lựa luyện tập trong mùa dịch.
Xe đạp là môn thể thao được nhiều người chọn lựa luyện tập trong mùa dịch.

Theo Trưởng Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Võ Đình Đoài thì mỗi đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Phòng tăng cường phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch của các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao. Đồng thời, thực hiện hướng dẫn của Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Phòng cũng đã xây dựng kế hoạch, khuyến cáo người dân tập luyện thể dục thể thao phù hợp trong mùa dịch bệnh kết hợp với ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, giúp cơ thể khỏe mạnh, nâng cao khả năng miễn dịch, phòng chống COVID-19.

Theo đó, người dân có thể chọn lựa cho mình những môn thể thao yêu thích, phù hợp với điều kiện, không gian, tích cực tập luyện như: đi bộ, nhảy dây, đánh cầu lông, bóng bàn... Bên cạnh đó, Phòng cũng khuyến cáo người dân khi đeo khẩu trang thì chỉ thực hiện khối lượng, cường độ bài tập khoảng 60 - 70% so với khối lượng và cường độ thông thường để tránh tình trạng thiếu oxy khi vận động, vừa đảm bảo sức khỏe vừa đáp ứng được yêu cầu an toàn cho cộng đồng.

Đăng Triều


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.