Multimedia Đọc Báo in

Để "con tàu" bóng đá Việt Nam không bị "trật ray"

08:47, 25/07/2021

Mới đây, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có thông báo tiếp tục tạm dừng tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp mà nguyên nhân là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương trên cả nước.

Đây có thể xem là quyết định gây nhiều tranh cãi của đơn vị tổ chức các giải bóng đá hàng đầu của Việt Nam. Bởi khi những giải đấu này không được tiến hành theo đúng kế hoạch, hệ lụy kéo theo sẽ rất lớn.

Trước mắt đó là những thiệt hại về kinh tế đối với các câu lạc bộ. Bình thường, các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam đến tháng 8, tháng 9 là xong, nếu các giải đấu bị hoãn, các câu lạc bộ vẫn nuôi quân sang tận tháng 2 năm sau.

Bên cạnh chuyện lương, thưởng cho cầu thủ, nhiều câu lạc bộ còn “vướng” cả chuyện đàm phán hợp đồng với các cầu thủ, bởi đa số đội bóng thường ký hợp đồng với cầu thủ đến hết mỗi mùa giải (tháng 8, tháng 9 hằng năm), sau đó tùy tình hình thực tế để đàm phán tiếp.

Thành công của đội tuyển quốc gia trên đấu trường quốc tế có phần đóng góp không nhỏ từ sự vận hành các giải đấu trong nước trước dịch bệnh bùng phát. (Ảnh Internet)
Thành công của đội tuyển quốc gia trên đấu trường quốc tế có phần đóng góp không nhỏ từ sự vận hành các giải đấu trong nước trước dịch bệnh bùng phát. (Ảnh Internet)

Ngoài ra, việc hoãn các giải đấu chuyên nghiệp sẽ kéo theo việc vi phạm những hợp đồng tài trợ của các câu lạc bộ. Nhiều đội sẽ khó khăn là điều chắc chắn, thế nhưng không chắc được là đến lúc đấy có đá tiếp được hay không vì chẳng có gì đảm bảo bóng đá Việt Nam sẽ trở lại vào tháng 2-2022. Nghi hoặc này là hoàn toàn có cơ sở, bởi nếu VPF quyết định dừng, các giải bóng đá ở Việt Nam sẽ khó tránh được “vết xe đổ” khủng hoảng giống như tại Indonesia.

Bắt đầu từ việc Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) quyết định hoãn các giải bóng đá chuyên nghiệp vào tháng 3-2020 để chờ cho dịch COVID-19 lắng xuống, đến nay các giải đấu đã "treo" đến 16 tháng và chưa có dấu hiệu khả quan nào trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng ở đất nước vạn đảo. “Ngồi chơi xơi nước” quá lâu khiến nhiều cầu thủ, huấn luyện viên có tên tuổi ở đất nước này đã phải “tháo chạy” để tìm bến đỗ mới mà các câu lạc bộ không thể có biện pháp thuyết phục nào giữ chân họ.

Bên cạnh sự thiệt hại nặng về kinh tế là những lo ngại về mặt chuyên môn. Sau nhiều năm loay hoay với việc “lên chuyên”, bóng đá Việt Nam đã từng bước hình thành được những giải đấu cơ bản có tính chuyên nghiệp hơn. Các đội bóng của Việt Nam đã dần đáp ứng được yêu cầu của một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp từ khâu đào tạo, huấn luyện cầu thủ và tổ chức thi đấu bóng đá, đến kinh doanh, dịch vụ… trong lĩnh vực bóng đá. Một số câu lạc bộ đã bắt đầu có những bước đi để vươn tầm ra khu vực, châu lục và thế giới thông qua việc tham gia các giải đấu, liên kết đào tạo, tiếp thị hình ảnh.

Đặc biệt, ở các cấp độ đội tuyển, bóng đá Việt Nam đã liên tục tạo nên những kỳ tích. Điều đó có được là nhờ nền tảng vững chắc từ các câu lạc bộ và giải đấu trong nước. Điều này thể hiện rõ nét nhất khi mà trong năm 2020, các cấp độ đội tuyển không có nhiều hoạt động vì ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhưng nhờ các giải đấu trong nước vẫn được vận hành nên đội tuyển quốc gia vẫn bảo đảm được tính ổn định và có được tấm vé đi tiếp ở Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.

Nói vậy để thấy, việc tiếp tục các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước có tầm quan trọng như thế nào. Thế nhưng cũng phải thừa nhận, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc vận hành các giải đấu này là không đơn giản. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chúng ta đã từng trải qua ba đợt dịch trước đó, và có một số trận đấu đã được tổ chức mà không có khán giả vào sân. Nhìn rộng hơn, rất nhiều giải bóng đá, nhất là ở châu Âu cũng đã được tổ chức thành công trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Đó là những gợi ý quan trọng để những người làm bóng đá Việt Nam có thể tham khảo, tránh làm sao để “con tàu” bóng đá Việt Nam không bị “trật ray” vào lúc quan trọng này.

Giang Nam


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.