Vòng loại thứ ba World Cup 2022:
Nhận diện các đối thủ Việt Nam tại bảng B
Tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022, khu vực châu Á, những lá thăm may rủi đã đưa đội tuyển Việt Nam vào bảng B cùng các đội bóng rất mạnh, gồm: Nhật Bản, Australia, Ả rập Xê út, Trung Quốc và Oman.
Theo điều lệ, thể thức thi đấu thì chỉ có 2 đội xếp nhất, nhì mỗi bảng giành suất trực tiếp vào chung kết, trong khi 2 đội xếp thứ ba của mỗi bảng sẽ tranh vé đá play-off với đại diện của một châu lục khác. Trên cơ sở phân tích, so sánh tương quan lực lượng, trình độ giữa các đội bóng, có thể phần nào nhận diện cơ hội đi tiếp của từng đội tại bảng đấu này.
Chắc chắn, Nhật Bản sẽ là cái tên phải được nhắc đến đầu tiên cho một suất trực tiếp vào vòng trong. Đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc khẳng định được đẳng cấp trình độ của mình trên bản đồ bóng đá khu vực và thế giới khi 6 lần liên tiếp góp mặt trong danh sách những đội bóng mạnh nhất dự Vòng chung kết FIFA World Cup, trong đó có 3 lần lọt vào vòng 2 ở các năm: 2002, 2010 và 2018. Đội quân có biệt danh “Samurai xanh” cũng đang giữ kỷ lục 4 lần vô địch Cúp bóng đá châu Á, khi đăng quang vào những năm 1992, 2000, 2004 và 2011. Đội hình tuyển Nhật Bản đang sở hữu những cầu thủ có chất lượng, trình độ, đang thi đấu ở các giải vô địch hàng đầu châu Âu như: Yuto Nagatomo (Marseille, Pháp), Maya Yoshida (Sampdoria, Ý), Genki Haraguchi (Hannover, Đức), Daichi Yamada (Frankfurt, Đức), Yuya Osako (Bremen, Đức), Takumi Minamino (Southampton, Anh)... Với lực lượng hùng hậu như hiện tại, đội quân giàu thành tích của Huấn luyện viên Moriyasu Hajime sẽ không để vuột một trong 2 tấm vé vào tranh tài ở World Cup 2022.
Tuyển Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trước những đối thủ mạnh tại bảng B. Ảnh: Internet |
Xếp vị trí thứ 67 trên bảng xếp hạng của FIFA, đội tuyển Ả rập Xê út cho thấy khoảng cách chênh lệch rõ ràng so với tuyển Việt Nam (xếp thứ 92 thế giới). Đại diện đến từ vùng Vịnh đã 5 lần góp mặt ở World Cup, còn tại đấu trường khu vực châu Á họ có 3 lần đăng quang ngôi vương. Một số ý kiến cho rằng, lúc này Ả rập Xê út không còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ và đang trong quá trình trẻ hóa, chuyển giao thế hệ, song không một đối thủ nào có thể xem nhẹ. Huấn luyện viên lão luyện người Pháp Herve Renaud đã khéo léo kết hợp giữa những gương mặt kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm như hậu vệ Yasser Al-Shahrani hay 2 tiền vệ giữ vai trò nòng cốt ở đội hình là Fahad Al-Muwallad và Al-Faraj với những gương mặt trẻ đầy tài năng như Abdullah Al-Hamdan, Firas al-Buraikan, Saleh Al-Shehri để biến đội bóng có biệt danh là “Chim ưng xanh lá” trở thành đối thủ rất khó chịu. Ở góc độ cả chuyên môn, công bằng, khách quan mà nhận định thì Việt Nam rất khó có điểm số, cơ hội cạnh tranh tấm vé với Ả rập Xê út.
Trong khi đó, đại diện đến từ châu Đại Dương, tuyển Australia cũng không kém cạnh Nhật Bản và Ả rập Xê út khi từng liên tục góp mặt ở các kỳ World Cup vào các năm 2006, 2010, 2014, 2018. Hiện đội bóng có biệt danh “Những chú chuột túi” đang được dẫn dắt bởi Huấn luyện viên Graham Arnold, bên cạnh ông là trợ lý Rene Meulensteen người từng có thời gian dài sát cánh cùng ngài Alex Ferguson tại Man United từ năm 2007 - 2013, góp phần không nhỏ giúp câu lạc bộ này đoạt 4 chức vô địch Ngoại hạng Anh, cùng cúp vô địch Champions League. Giới chuyên môn nhận định sẽ không có gì bất ngờ nếu đội bóng hiện đang xếp hạng hạng 41 thế giới, hạng 3 châu Á sẽ giành tấm vé còn lại ở bảng B, chí ít là vị trí thứ 3 để họ được chơi play-off.
Như vậy chỉ còn 2 đối thủ còn lại là Oman và Trung Quốc là những đội bóng mà tuyển Việt Nam hy vọng có một kết quả khả quan khi đối mặt. Tuy vậy đây là những thử thách, “chướng ngại vật” không hề dễ dàng cho thầy trò Huấn luyện viên Park Hang-seo. Với Oman, họ có bước tiến bộ vượt bậc trong thời gian gần đây, minh chứng là chức vô địch Cúp bóng đá vùng Vịnh 2017 mà họ đoạt được sau khi vượt qua Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, đội bóng vừa thắng Việt Nam 3-2 tại vòng loại thứ 2 của World Cup. Còn nhớ ở vòng loại Asian Cup 2004, tuyển Việt Nam đều thất thủ cả 2 trận, trong đó có trận thua 0-2 trên sân nhà và 0-6 trên sân khách trước Oman. Cuộc đối đầu duyên nợ sau 16 năm tại vòng loại cuối cùng này, tuyển Việt Nam đã có sự “thay da đổi thịt”, “lột xác”, thăng tiến rõ nét và có cơ hội viết lại lịch sử.
Trong khi đó, đội bóng đến từ đất nước tỷ dân Trung Quốc mặc dù trình độ có thể không sánh bằng với 3 “ông lớn” kia, nhưng họ có thể trở thành “vật cản” rất khó chịu với những đội có tham vọng cạnh tranh vị trí 1 đến 3. Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, tham vọng lớn, Trung Quốc không tiếc tiền để mời gọi các tài năng ở các nền bóng đá phát triển nhất thế giới nhập tịch, phục vụ đội tuyển. Có thể kể đến những tên tuổi như: Elkeson, Ricardo Goulart, Alan Carvalho, Alonsio và Fernandinho (Branzil). Ngoài ra, trong đội hình họ còn có ngôi sao trẻ Wu Lei – cầu thủ được xem là “thần đồng” bóng đá của Trung Quốc. Giới chuyên môn đánh giá đội tuyển Trung Quốc cao hơn hẳn Việt Nam khi xếp đội này vào nhóm hạt giống thứ 4, trong khi Việt Nam xếp ở cuối bảng. Song đôi khi đó lại là yếu tố thuận lợi cho các học trò Huấn luyện viên Park Hang-seo vì không phải chịu gánh nặng, áp lực tâm lý khi gặp Trung Quốc và có thể làm nên bất ngờ.
Theo thể lệ, 6 đội bóng tại bảng B sẽ thi đấu lượt đi, về để tính điểm, 2 đội xếp nhất, nhì vào vòng trong, 2 đội xếp thứ ba của bảng A và bảng B sẽ tranh vé đá play-off với đại diện của một châu lục khác. Tuyển Việt Nam có trận ra quân đầu tiên vào ngày 2-9-2021 gặp tuyển Ả rập Xê út. |
Đăng Triều